Lãnh đạo cơ quan báo chí trước thách thức “Tòa soạn số”

Google News

Tòa soạn hội tụ đòi hỏi vai trò của nhà báo (sản xuất nội dung), nhà khoa học (vận dụng công nghệ hỗ trợ hoạt động báo chí) và nhà quản trị (quản lý, vận hành tòa soạn hiệu quả).

Câu hỏi đặt ra: Lãnh đạo cơ quan báo chí kết hợp “3 nhà” như thế nào để Toà soạn hoạt động hiệu quả?
Nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), Báo Tri thức và Cuộc sống trao đổi về chủ đề “3 nhà” báo chí - khoa học - quản trị trong tòa soạn thời công nghệ số với PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội; ông Bạch Ngọc Chiến, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam, nguyên Trưởng ban Truyền hình Đối ngoại, Đài Truyền hình Việt Nam, Phó Chủ tịch Tập đoàn EQuest Education; nhà báo Ngô Văn Hải, Tổng Biên tập Báo điện tử VTC News; nhà báo Nguyễn Quý Trọng - Tổng Biên tập Báo Hải Dương.
Lanh dao co quan bao chi truoc thach thuc “Toa soan so”
Tòa soạn hội tụ đòi hỏi vai trò của nhà báo (sản xuất nội dung), nhà khoa học (vận dụng công nghệ hỗ trợ hoạt động báo chí) và nhà quản trị (quản lý, vận hành tòa soạn hiệu quả).  
Công nghệ chỉ là phương tiện, cốt lõi vẫn phải nội dung
Trong một tòa soạn hội tụ hiện nay, vai trò của “3 nhà” gồm nhà báo, nhà khoa học và nhà quản trị được đánh giá quan trọng, PGS.TS Bùi Thị An nhìn nhận thế nào?
PGS.TS Bùi Thị An: Có thể khẳng định, việc kết hợp “3 nhà”, gồm nhà báo, nhà khoa học và nhà quản trị trong một tòa soạn hội tụ rất cần thiết để xây dựng tòa soạn hiệu quả. Tuy nhiên, tôi cho rằng, điều quan trọng nhất để bài báo, tờ/trang báo hay, mang tính chất lan tỏa, tác động đến việc điều chỉnh chính sách, hành vi của công chúng vẫn phải là nội dung.
Khoa học, công nghệ được áp dụng sẽ giúp truyền tải nội dung nhanh, hấp dẫn, dữ liệu tốt hơn. Trong khi đó, việc quản trị của tòa soạn tạo ra môi trường chuyên nghiệp để nhà báo hoạt động nghiệp vụ. Thực tế cho thấy, không thể đánh đồng vai trò “3 nhà”, mà phải là sự kết hợp, trong đó vai trò của nhà báo quan trọng nhất.
Những năm gần đây, báo chí thế giới liên tục thay đổi mang tính cách mạng từ phương thức sản xuất, phân phối tin tức cho đến tiếp cận độc giả. Để đáp ứng nhu cầu đọc và nhìn ngày càng cao, đa dạng của công chúng, nhiều tòa soạn áp dụng công nghệ mới thể hiện bài báo như đa phương tiện, Infographic, Longform, Mega Story, Radio, Podcast... hay xu hướng báo chí dữ liệu, thậm chí áp dụng các công nghệ mới là trí tuệ nhân tạo (AI).
Công nghệ, khoa học sẽ mang lại hiệu ứng tốt hơn, nhưng không thể thay thế nhà báo. Muốn bài báo hay, có tính chất lan tỏa, điều chỉnh hành vi xấu, nhân bản những điều tốt đẹp, trước hết phải là nhà báo, còn khoa học, công nghệ mang tính công cụ sản xuất.
Bên cạnh đó, vai trò của nhà quản lý rất quan trọng khi tạo cho nhà báo, phóng viên có điều kiện nhiều hơn để thực hiện ý tưởng, đề tài. Đồng thời, nhà quản trị cũng đưa ra đường lối áp dụng công nghệ để thể hiện một bài báo có nội dung hay, hình thức đẹp.
Sự kết hợp “3 nhà” là cần thiết, còn kết hợp như thế nào để tốt hơn thì tùy thuộc từng tòa soạn và nhà quản trị.
Lanh dao co quan bao chi truoc thach thuc “Toa soan so”-Hinh-2
PGS.TS Bùi Thị An 
- “Thực tế cho thấy, không thể đánh đồng vai trò ‘3 nhà’ trong một toà soạn, mà phải là sự kết hợp, trong đó vai trò của nhà báo quan trọng nhất”, PGS.TS Bùi Thị An
Trong thời đại phát triển của mạng xã hội, báo chí muốn phát triển cần tận dụng triệt để thế mạnh “3 nhà”, ông Bạch Ngọc Chiến đánh giá thế nào về ý kiến này?
Ông Bạch Ngọc Chiến: Để trả lời câu hỏi trên, tôi xin dẫn một ví dụ. Một hôm trên đường, tôi nhìn thấy cột khói đen phía xa, đoán là đám cháy. Khi lại gần, điều gây ấn tượng lại là hàng trăm người đang dừng lại xem và người nào cũng giở điện thoại ra quay, chụp. Chắc chắn, tin tức về đám cháy đó đã được hàng trăm “nhà báo nghiệp dư” tường thuật trên kênh riêng của mình - TikTok, Zalo, FaceBook, YouTube…
Công nghệ tích hợp trên các thiết bị cầm tay cùng cước dữ liệu rẻ đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội và hoạt động của “nhà báo nghiệp dư”. Điều này cũng tạo ra sức ép lớn đối với cơ quan báo chí chính thống.
Làm sao để có tin “nhanh, đúng, trúng”? Làm sao để đối phó với cạnh tranh của mạng xã hội?
Theo một thống kê gần đây trên tạp chí The Economist, các mạng xã hội, nhất là Facebook, không quan tâm việc liên kết với cơ quan báo chí nữa. Thậm chí, họ không cho chia sẻ tin bài từ cơ quan báo chí vì người dùng mạng xã hội đang tự sản xuất tin tức.
Hầu hết báo in đã chuyển đổi sang mô hình tòa soạn hội tụ từ nhiều năm nay. Phóng viên đa tác vụ trở nên phổ biến. Mặc dù có sự cạnh tranh ngày càng mạnh của truyền thông xã hội, theo tôi, báo chí chính thống vẫn “có cửa” của riêng mình.
Bởi vì, thứ nhất, nguồn lực về công nghệ của bất cứ toà soạn nào cũng hơn hẳn nguồn lực cá nhân. Trang thiết bị hiện đại cộng với kỹ năng của người chuyên nghiệp sẽ tạo ra sản phẩm chuyên nghiệp hơn so với giới nghiệp dư.
Thứ hai, tính chuyên nghiệp của nghề báo sẽ mang lại tin bài có chiều sâu, góc nhìn độc đáo. Các nhà báo chuyên nghiệp phân biệt được sự kiện nào “đáng giá” và sử dụng kỹ năng chuyên môn để phát triển sự kiện tin tức thành kiến thức cho người đọc.
Vì công nghệ và phương tiện ngày càng phổ biến nên có vẻ ai cũng làm báo được. Tuy nhiên, công nghệ và phương tiện chỉ là công cụ. Cốt lõi vẫn là nội dung. Ai sản xuất nội dung tốt, người đó sẽ tạo lợi thế.
Cùng là một vấn đề xã hội, người có kiến giải sâu sắc và độc đáo hơn sẽ chiếm được lượng người xem nhiều hơn. Vì lẽ đó, tôi nghĩ, cơ quan báo chí một mặt cần tuân thủ tôn chỉ, sứ mệnh của mình, mặt khác phải chuyên môn hoá sâu hơn nữa mảng nội dung thế mạnh, nhằm tạo ra sự khác biệt.
Cuối cùng là khả năng thích ứng, áp dụng xu thế công nghệ phù hợp để đa dạng hóa hình thức thể hiện, tạo thuận lợi cho việc tiếp nhận của người đọc.
Hầu hết báo hiện nay sản xuất Video, Podcast, có kênh YouTube, Fanpage riêng. Khi tất cả đều biết ứng dụng công nghệ và thích ứng nhanh, người sản xuất nội dung hay, chuyên nghiệp hơn sẽ thắng.
Trong nghề báo, ai cũng tâm niệm phương châm “nội dung là vua” (Content is king) nhưng thực hiện được điều này không dễ, nếu không thực sự đầu tư bài bản, thích đáng cho sản xuất.
Lanh dao co quan bao chi truoc thach thuc “Toa soan so”-Hinh-3
Ông Bạch Ngọc Chiến
- “Công nghệ, phương tiện chỉ là công cụ. Cốt lõi vẫn là nội dung. Ai sản xuất được nội dung tốt, người đó sẽ tạo được lợi thế”, ông Bạch Ngọc Chiến.
Không có công thức chung cho tất cả toà soạn
Là người điều hành tòa soạn, ông Ngô Văn Hải, Tổng Biên tập Báo VTC News và ông Nguyễn Quý Trọng- Tổng Biên tập Báo Hải Dương nêu kinh nghiệm về sự kết hợp “3 nhà” để hoạt động toà soạn hiệu quả?
Ông Ngô Văn Hải: Việc chuyển đổi từ mô hình tòa soạn truyền thống sang mô hình hội tụ cần có chiến lược cụ thể. Cụ thể để thay đổi, thích nghi và phát triển. Song, không có công thức chung áp dụng cho tất cả toà soạn.
Đối với VTC News, chúng tôi bước đầu đạt được thành công với những chuyển biến tích cực, rõ rệt thời gian qua. Kết quả này có thể nói nhờ sự kết hợp nhịp nhàng của "3 nhà" trong tòa soạn.
"Nhà" thứ nhất - nhà báo - sản xuất nội dung. Đây cũng chính là "nhà" quan trọng nhất, chiếm phần trăm lớn trong kết quả thắng/thua của "trận chiến". "Nhà" này do Ban Biên tập chỉ đạo, định hướng. Trong đó, việc cần làm đầu tiên là lựa chọn mô hình, cách đi phù hợp, hiệu quả.
Ví dụ, việc tinh giảm lượng tin bài: Thay vì tập trung những tin bài nhỏ, lẻ vừa không có chiều sâu, lại tốn nhân lực như trước đây, thì tập trung các tuyến bài lớn, có tác động mạnh tới xã hội. Thay vì các tin bài dạng thông tấn, nhàm chán, chúng tôi đổi mới bằng cách trẻ hoá thông tin, tập trung vào đời sống, giới trẻ... Điều cốt yếu để "nhà" này phát triển, là phải luôn lấy độc giả làm trung tâm. Phải biết được độc giả cần gì để đáp ứng.
Lanh dao co quan bao chi truoc thach thuc “Toa soan so”-Hinh-4
Ông Ngô Văn Hải, Tổng Biên tập Báo VTC News 
Để thực hiện những điều này, đội ngũ thư ký, phóng viên có chất lượng là điều không thể thiếu.
Khi tòa soạn đã đủ chắc về nội dung, để "đua" và đạt được lượng view tốt trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt như hiện nay không chỉ giữa các báo điện tử với nhau mà còn với cả mạng xã hội, thì đội ngũ "nhà khoa học" - bộ phận công nghệ là điều không thể thiếu. Nói đến nhà khoa học, là nói đến sự chuyên sâu với những phát minh, sáng tạo, nghiên cứu không ngừng nghỉ.
Trong mô hình toà soạn hội tụ cũng vậy, "nhà" này phải luôn tư duy và nghiên cứu phương án làm thế nào để tin bài tiếp cận độc giả nhanh nhất. Phương án hữu dụng nhất trong lúc này là chuyển đổi số. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số không hề dễ dàng, nhất là trong lúc phát triển quá nhanh của công nghệ như hiện nay.
Điều đó đòi hỏi bộ phận công nghệ phải liên tục cập nhập, theo kịp, đáp ứng, và kiên quyết không để bị tụt hậu. Quan trọng nhất là phải làm thế nào để không bị “thao túng” bởi các công ty công nghệ, các nền tảng mạng xã hội.
Chính VTC News cũng đã rơi vào trường hợp bài vừa nhấn nút lên trang chưa đầy 3 giây, các trang mạng xã hội ngang nhiên vi phạm bản quyền, lấy về và thu lợi bất chính trên các sản phẩm mà chúng tôi đã dày công đầu tư sản xuất.
Với xu hướng thích lướt mạng xã hội hơn đọc báo như hiện nay, lượng độc giả cũng vì thế "ngót" dần. Để không bị tụt hậu, ngoài phát triển công nghệ để tích hợp trên CMS, chúng tôi tự trẻ hóa mình, lấy "độc trị độc". Các nền tảng: YouTube, Tiktok, Facebook... được đẩy mạnh tối đa, bằng những "nhà" công nghệ gen Z.
Quay lại với "chính sách, chế độ" cho nguồn nhân lực chủ đạo của toà soạn, bắt buộc phải có "nhà quản trị". Trong toà soạn, Ban Biên tập đóng vai “nhà quản trị”, tối quan trọng trong việc kết hợp “3 nhà”, cũng như tự mình, Ban Biên tập phải hoàn thành tốt vai quản trị.
Vai trò quản trị ở đây được thể hiện ở tính định hướng về chiến lược, chính sách làm sao hoàn thành được tầm nhìn và sứ mệnh cốt lõi mà toà soạn xác định từ những ngày đầu thành lập. Đặc biệt, trong giai đoạn chuyển đổi số ngày càng nhanh, mạnh, gấp gáp, Ban Biên tập phải có khả năng xử lý nguồn thông tin khổng lồ từ “nhà báo” và “nhà khoa học”, từ đó có phương án phân phối nguồn lực của toà soạn phù hợp.
Nguồn lực của VTC News, dù đã tốt lên nhiều, nhưng chưa đủ mạnh đến mức có thể làm ngay lập tức những điều chúng tôi mong muốn. Vì thế, việc quản trị nguồn lực phải được tối ưu, từ đó sắp xếp các mục tiêu phát triển theo thứ tự ưu tiên cùng mức độ kỳ vọng hợp lý.
Ở chiều ngược lại, phương pháp tư duy cùng phong cách quản trị của Ban Biên tập chính là gợi ý để “nhà báo” và “nhà khoa học” tìm tòi, phát triển nội dung cũng như công nghệ phù hợp với thực tiễn tại toà soạn.
Lanh dao co quan bao chi truoc thach thuc “Toa soan so”-Hinh-5
 
- “Trong toà soạn, Ban Biên tập đóng vai nhà quản trị, tối quan trọng trong việc kết hợp ‘3 nhà’, cũng như tự mình, Ban Biên tập phải hoàn thành tốt vai quản trị”, nhà báo Ngô Văn Hải.
Nhà báo Nguyễn Quý Trọng - Tổng Biên tập Báo Hải Dương: Thời gian gần đây, Báo Hải Dương có nét mới, đưa kỹ thuật viên về phòng phóng viên. Người làm nội dung có sự hỗ trợ trực tiếp của bộ phận kỹ thuật. Các phòng có thể tổ chức nhóm tác nghiệp để sản xuất sản phẩm báo chí chất lượng cao, dài kỳ, loại hình báo chí tích hợp.
Báo Hải Dương cũng chú trọng nâng cao nghiệp vụ của người làm nội dung, đào tạo nhà báo đa năng, gia tăng nhân lực công nghệ, liên tục đánh giá hiệu quả quản trị tòa soạn.
Lanh dao co quan bao chi truoc thach thuc “Toa soan so”-Hinh-6
Nhà báo Nguyễn Quý Trọng - Tổng Biên tập Báo Hải Dương 
Vai trò của quản trị tòa soạn, người làm nội dung, kỹ thuật phải thực sự hòa quyện, xuyên suốt ở các cấp độ nhân viên, phòng ban và tòa soạn mới đem lại hiệu quả cao.
Điều đó đồng nghĩa phải đẩy mạnh chuyển đổi số, giúp tái cấu trúc tòa soạn, vận hành các loại hình báo chí và nền tảng khác, thường gọi là hội tụ.
Xin cảm ơn các chuyên gia về cuộc trao đổi trên!
Mời quý độc giả xem video đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Hương) chia sẻ bên hành lang Quốc hội về vai trò của báo chí nghị trường. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
 

Tâm Đức thực hiện