Lắp đặt ống cống khủng dẫn nước sông Tô Lịch: Có hết ô nhiễm?

Google News

(Kiến Thức) - TP Hà Nội đang tiến hành lắp đặt một ống cống khổng lồ dẫn nước sông Tô Lịch vào nhà máy xử lý nước thải Yên Xá với mục đích giải quyết tình trạng ô nhiễm.

Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá với tổng số vốn hơn 16.000 tỷ đồng đang khẩn trương thi công các gói thầu của dự án. Hiện dự án đang áp dụng công nghệ khoan kích ngầm để đào ngầm, đặt các ống cống khổng lồ đường kính lên tới 2,2m để dẫn nước từ sông Tô Lịch, sông Lừ... vào nhà máy.
Dự án có quy mô xây dựng trên phạm vi lưu vực khoảng 4.874 ha (dân số đến năm 2020 khoảng 900.000 người) bao gồm nhà máy xử lý nước thải công suất 270.000m3/ngày đêm và hệ thống cống thu gim, cống bao, hệ thống cống đấu nối (dọc bờ sông Tô Lịch, sông Lừ và một phần khu vực quận Hà Đông) với tổng chiều dài cống các loại khoảng 52,621 km, đường kính từ 400 mm-2.400mm.
Mục đích xây dựng dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá của TP Hà Nội là sẽ giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường trên sông Tô Lịch. Trước đó, phương án xử lý ô nhiễm tại chỗ bằng hóa chất hay công nghệ của Nhật Bản đã không đem lại hiệu quả.
Lap dat ong cong khung dan nuoc song To Lich: Co het o nhiem?
Hà Nội tiêu tốn nhiều thời gian, tiền bạc để khắc phục ô nhiễm môi trường sông Tô Lịch nhưng chưa hiệu quả 
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc xử lý ô nhiễm môi trường sông Tô Lịch chỉ trông chờ vào dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá là chưa đủ. PGS.TS Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viện nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường cho biết, bản thân ông cũng từng được nghe đến dự án thi công đường ống gom nước thải dài 52km ven sông Tô Lịch đưa về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá xử lý. Đường cống này dài 52 km, đường kính 1,8 - 2 m, nằm sâu dưới đất 8 - 15 m, dẫn trực tiếp về nhà máy xử lý.
Theo ông Hạ, năng lực quản lý các dự án thoát nước và hạ tầng của Hà Nội còn hạn chế, cần học hỏi thêm kinh nghiệm của TP HCM, Bình Dương...
"Thực tế, tốc độ xây dựng hạ tầng không bao giờ theo kịp tốc độ đô thị hóa. Các nước phát triển cũng vậy thôi. Nhưng họ có tiềm lực và có một chiến lược rõ ràng để giải quyết. Còn Hà Nội thì chưa làm được, nên các khu đô thị mới xây cứ mưa là ngập lụt, nước thải, nước mưa không biết thoát đi đâu. Cách tiếp cận phải là tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng trước khi xây dựng công trình và nhà ở" - PGS.TS Trần Đức Hạ chia sẻ trên Báo Đất Việt.
Trong khi đó, KTS Đào Ngọc Nghiêm (nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội), Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam, cho rằng việc để sông Tô Lịch trở thành cống thoát nước đã được Hà Nội nghĩ đến từ hơn 20 năm trước.
KTS Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ với Zing.vn: "Một yếu tố cơ bản của các dòng sông hiện nay là đang tiếp nhận nước mưa và nước thải sinh hoạt trộn lẫn vào nhau. Vậy nếu cống hóa sẽ rất khó đảm bảo vệ sinh môi trường. Theo tôi, chúng ta nên giữ các con sông như hiện nay để làm phong phú cảnh quan, giảm bớt gánh nặng lên vệ sinh môi trường".
Ông Nghiêm nêu quan điểm: "Theo tôi, các giải pháp, công nghệ làm sạch đang cho thấy hiệu quả. Hà Nội cũng đã học tập, đúc rút được những kinh nghiệm trong quá khứ đối với con sông này. Biết đâu, vài năm sau chúng ta lại có hệ thống du lịch đường sông trên Tô Lịch thì sao?".
Lap dat ong cong khung dan nuoc song To Lich: Co het o nhiem?-Hinh-2
Quang cảnh Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá 
Nhiều chuyên gia khác đánh giá không cao tính khả thi xây ống cống khổng lồ có thể giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường của sông Tô Lịch. Trong đó, PGS.TS Trần Hồng Côn, giảng viên khoa Hóa, trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, phương án này chắc chắn không giải quyết được vấn đề ô nhiêm mà dòng sông Tô Lịch đang gặp phải.
"Bản thân con sông được làm sạch bởi hai yếu tố. Một là phải chấm dứt ngay tình trạng xả thải ra sông. Hai là tạo độ sâu khơi thông dòng chảy của con sông đó. Việc đổ nước vào pha loãng sông Tô Lịch chỉ là vấn đề cần để tác động cho con sông này có dòng chảy. Tuy nhiên, dòng chảy đó cũng sẽ không đủ lớn nếu như độ sâu của sông không đạt được chiều cao tối thiểu từ 1,5 - 2m", ông Côn chia sẻ.
PGS.TS Trần Hồng Côn nhận định, nguyên nhân bắt nguồn từ tư duy làm dự án của TP. Hà Nội khi liên tiếp đưa ra các dự án khác nhau với mục đích làm sạch sông mà không đi vào giải pháp chính, cái nguồn gốc khiến sông Tô Lịch bị ô nhiễm. "Nếu con sông được làm sạch thì các đơn vị liên quan sẽ còn lại gì? Giá trị thu về chỉ còn dựa trên mỗi m2 nước của sông. Mà như thế thì chẳng đáng bao nhiêu so với làm dự án cả.
Trong khi các dự án đưa ra liên quan đến sông Tô Lịch đều có giá trị từ hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng, kéo dài dai dẳng, kéo dài từ năm này sang năm khác mà sông chỉ được giảm sự ô nhiễm chứ không làm sạch được như nhiều người dân mong muốn" - ông Côn bày tỏ.
>>> Xem thêm video: Thực hư làm sạch sông Tô Lịch chỉ trong 3 ngày
  Nguồn VTC14

Xuân Diệp