Chúng tôi có mặt tại thôn Đồng Hòa, xã Mị Hòa, huyện Kim Bôi, Hòa Bình và chứng kiến máy xúc, máy ủi, máy bơm… cùng hợp lực lật tung những chân ruộng vốn nuôi sống bao thế hệ người Mường nơi đây để khai thác vàng.
Biến ruộng thành bãi vàng
Cánh đồng Pống đang vào thời vụ, thay vì dẫn thủy nhập điền, nơi đây lại xuất hiện máy xúc vào cày cuốc. Từng thửa ruộng bị khoét sâu hoắm, chi chít như hố bom. Công cuộc khai thác vàng diễn ra khẩn trương và công khai. Dường như ở nơi đây, đào ruộng, khoét ao rồi đưa máy múc xuống cạy từng lớp đáy ao tìm vận may là việc làm đương nhiên.
“Công trường” của anh Đinh Công Điệp nằm cạnh đường trục chính của thôn Đồng Hòa 2. Xung quanh khu ruộng tốt tươi ngày nào giờ bị vây đắp, thành lũy. Nền ruộng bị khoét sâu tới 4-5m. Tầng đất thịt dày 3- 4m bao năm được sông Bôi bồi đắp bị lật xới tung tóe. Chúng được vét sạch cho tới tầng đá. Lòng ao sâu hoắm tựa như giếng khơi được chủ nhân đặt chiếc máy bơm công suất lớn chạy suốt ngày. Cách đó vài bước chân, đám thổ phỉ ngang nhiên đãi vàng giữa ban ngày.
|
Ông Đinh Công Trình - Trưởng xóm Đồng Hòa 2 cho rằng, các hộ đang chuyển đổi đất nông nghiệp, chứ không khai thác vàng. ảnh: Xuân Tuấn |
Đi cùng chúng tôi, ông Quách Công Trình - Trưởng thôn Đồng Hòa 2 không bất ngờ trước thực trạng trên. Biết có Trưởng thôn đi cùng chúng tôi, ông Đinh Công Điệp giải thích: “Tôi đang đào cái ao để thả cá. Diện tích này trước đây cấy lúa, chẳng thu được lợi lộc gì. Giờ tôi chuyển đổi”. Để ngụy trang cho việc làm sai trái của mình, ông Điệp cho dựng lưới đen xung quanh bờ ao, trồng vài cây chuối. Nhưng ngay dưới ao, đám thợ vẫn đang đãi đất tìm vàng. Cũng làm theo cách ấy, nhiều “bưởng” vàng khác của Đồng Hòa 2, giả tạo cắm dựng dãy lưới đen xung quanh bờ ao. Máy bơm xối nước vào máng vàng diễn ra không ngừng.
“Cái lý” để bán ruộng, đãi vàng
Ông Trình cũng một mực khẳng định: “Bà con đang làm ao chuyển đổi, chứ không hề có chuyện khai thác vàng. Họ chuyển đổi diện tích đất xấu thôi mà”. Nhưng khi nói đến vấn đề lương thực của thôn, ông Trình lại tỏ ra tiếc nuối và băn khoăn: “Thôn tôi có ít ruộng lắm. Thôn có 130 hộ dân với gần nghìn khẩu. Mỗi nhân khẩu chỉ được 250m2 đất ruộng. Diện tích nhỏ nhoi này không đủ cung cấp lương thực cho bà con”.
Theo báo cáo của UBND xã Mị Hòa ngày 29.6, Tổ công tác quản lý địa bàn xã đã nhắc nhở nhiều lần và lập biên bản đình chỉ 5 trường hợp đào ruộng, vườn để tìm vàng: Bùi Thanh Hương, Hà Mạnh Tiến, Quách Xuân Thái (trú tại xóm Đồng Hòa 1), ông Đinh Trọng Điệp và Đinh Công Đạt (xóm Đồng Hòa 2), nhưng các hộ vẫn không chấp hành.
Cánh đồng Pống ôm trọn lấy thôn Đồng Hòa 2 như người mẹ hiền bao năm nay vẫn dang rộng vòng tay, che chở cho những người con đất Mường, giờ đây, lớp con cháu của họ đang ngày đêm cày, xới tới tận tầng đá cứng để đào vàng. Tình trạng này đã diễn ra từ 3 năm nay mà không hề bị ngăn chặn.
Ngày này, qua ngày khác những chiếc máy xúc công suất lớn miệt mài múc và cày cuốc trên cánh đồng Pống để tìm vàng. Nhìn cánh đồng tươi tốt một thuở giờ bị cày xới nham nhở như bãi chiến trường, một cụ già nơi đây thở dài: “Vàng đâu chưa thấy, chứ bờ xôi ruộng mật đã và đang mất dần”.
Thế nhưng, thay vì đấu tranh hoặc kiến nghị lên chính quyền địa phương sớm có biện pháp xóa xổ bãi vàng này, nhiều gia đình lại sẵn sàng bán ruộng cho các “bưởng” vàng. Cái lý họ đưa ra là trước đây bán ruộng có ai mua đâu. Giờ có người mua lại được giá cao, bán đi chứ giữ làm gì. Theo thống kê của UBND xã Mị Hòa, đến nay có khoảng trên 20 hộ dân đã bán ruộng cho các “bưởng” vàng. Người nọ bảo người kia, chẳng mấy chốc từng thửa ruộng nhỏ rơi vào tay “bưởng” vàng.
Điều đáng nói, tình trạng khai thác vàng trái phép tại thôn Đồng Hòa 2, xã Mị Hòa, huyện Kim Bôi, đã diễn ra từ nhiều năm nay. Cánh đồng Pống – đại công trường khai thác vàng nằm ngay trước cổng UBND xã Mị Hòa, tiếng máy khai thác không thể không nghe thấy. Chính quyền xã đã nhiều lần xuống kiểm tra, xử phạt, nhưng việc này vẫn tồn tại. Các “bưởng” vàng bất chấp lệnh cấm của chính quyền, ngày đêm xóa sổ bờ xôi ruộng mật. Câu hỏi đặt ra là vì sao có tình trạng ngang nhiên này?...
Theo Xuân Tuấn/Dân Việt