Người dân được phép ghi âm, ghi hình hoạt động của Cảnh sát giao thông (CSGT) khi làm nhiệm vụ - đó là nội dung đã được quy định tại Thông tư số 67/2019/TT-BCA của Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
Cố tình hiểu sai và vi phạm
Ngày 5/3, UBND tỉnh Lạng Sơn vừa ra quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đối với tài xế L.V.H. (36 tuổi, trú tại Tam Thanh, Lạng Sơn) 40,6 triệu đồng.
Tài xế H. bị xử phạt về các vi phạm tгong lĩnh vực giao thông đường bộ: điều khiển ôtô không có bằng lái, không mang theo đăng ký xe, không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.
Theo đó, khoảng 14h45 ngày 15/2, tổ công tác thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Lạng Sơn làm nhiệm vụ tại km15 quốc lộ 1 thuộc thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn phát hiện tài xế H. có dấu hiệu vi phạm luật giao thông nên đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra.
Khi xuống xe, ông H. có biểu hiện sử dụng rượu, bia; không khai báo tên tuổi, nhân thân; cũng không xuất trình được giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Tổ công tác đề nghị kiểm tra nồng độ cồn, ông H. không chấp hành mà yêu cầu tổ công tác cho xem và chụp chuyên đề, kế hoạch tuần tra thì mới hợp tác.
Tổ công tác đã giải thích, yêu cầu chấp hành nhưng ông H. vẫn lấy điện thoại ra ghi hình, livestream (phát trực tiếp) lên Facebook hơn 1 giờ đồng hồ và có những lời lẽ lăng mạ các cảnh sát làm nhiệm vụ.
|
Người vi phạm giao thông cố tình lấy điện thoại để gây quay phim, gây áp lực cho CSGT |
Hành vi lợi dụng giám sát bằng ghi âm, quay hình để gây khó dễ cho lực lượng CSGT không chỉ ở tài xế vi phạm giao thông mà còn xuất phát từ các đối tượng đó hiềm khích với lực lượng chức năng.
Điển hình như tại TP. Hồ Chí Minh, đêm 21/2, tổ tuần tra thuộc đội CSGT Phú Lâm (PC08, Công an TP.HCM) làm nhiệm vụ tại khu vực cổng Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (Q.Bình Tân) thì một nhóm người xuất hiện, dùng nhiều điện thoại quay phim CSGT đang làm việc với người vi phạm. Thậm chí, nhóm đối tượng còn gây khó dễ cho lực lượng CSGT khi “tố” hành vi lấn chiếm lòng, lề đường khi lập chốt kiểm soát phương tiện và đòi xem các kế hoạch tuần tra, chuyên đề....
Một lúc sau, một nam thanh niên ở gần đó không đồng ý việc nhóm quay phim tự ý ghi hình mình nên xảy ra cãi vã. Bị can ngăn, nam thanh niên này rời đi, tuy nhiên không lâu sau đó đã cùng một số người mang theo hung khí quay lại tìm nhóm người quay phim.
Lúc này, một tổ cảnh sát cơ động đang tuần tra trên quốc lộ 1 phát hiện sự việc nên giữ hai thanh niên cầm hung khí và đưa lên xe chuyên dụng chở đi.
Theo một lãnh đạo PC08 TP. Hồ Chí Minh, thông tư 67 của Bộ Công an quy định người dân được quyền giám sát lực lượng CSGT thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, việc giám sát này không được làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng CSGT và phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
Thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp cá nhân chủ ý ghi hình, ghi âm CSGT, thanh tra giao thông hoặc cảnh sát khu vực... trong lúc họ thi hành công vụ để đăng phát lên mạng xã hội và dẫn dắt dư luận theo hướng xấu; thậm chí có không ít trường hợp dùng chính các video clip hay file ghi âm để tống tiền lực lượng công. Trong quá trình ghi âm, ghi hình, người cầm máy thường cố tình chọc giận, gài bẫy CSGT, Cảnh sát cơ động, thanh tra giao thông... và có trường hợp vì thiếu kiềm chế nên đã có lời nói hoặc hành động sai trái, sau đó phải chịu hậu quả.
Trước đó, Công an tỉnh Yên Bái cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Đình Sang về tội "Chống người thi hành công vụ". Đối tượng này nhiều lần ghi hình CSGT khi đang làm nhiệm vụ, tạo tình huống để gài bẫy... sau đó phát lên trang cá nhân nhằm gây chú ý.
Giám sát phải đúng luật
Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Hà Nội cho biết, Thông tư 67/2019 có hiệu lực từ ngày 15/1/2020 có thể được coi là lần đầu tiên Bộ Công an quy định chi tiết về hình thức giám sát của người dân đối với lực lượng CSGT thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp. Căn cứ vào Hiến pháp và pháp luật thì người dân được làm những gì pháp luật không cấm.
Theo luật sư Thơm, hiệu quả nhìn thấy được của việc ghi âm, ghi hình hoạt động của CSGT khi làm nhiệm vụ là giúp phòng ngừa tiêu cực, nâng cao ý thức người thực thi pháp luật, tăng quyền giám sát của nhân dân và giúp nâng cao ý chấp hành pháp luật của người dân trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, hiện nay quyền giám sát bằng cách ghi âm, ghì hình này đang bị một số người lạm dụng và cố tình hiểu sai khi làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ. Đó là những hành vi cản trở công vụ hoặc gây mất trật tự công cộng, làm ùn tắc giao thông. Giám sát qua ghi âm, ghi hình phải có văn hóa, không cầm máy quay, điện thoại gí sát vào CSGT hoặc có lời nói, cử chỉ lăng mạ, xúc phạm người thi hành công vụ.
Người dân có quyền ghi âm ghi hình CSGT công khai hoặc không công khai. Nếu ghi âm, ghi hình công khai hoặc livestream mà có hành vi gí máy quay sát mặt lực lượng CSGT làm cản trở hoạt động hoạt động thực thi nhiệm vụ thì CSGT có quyền yêu cầu chấm dứt vi phạm.
Trong trường hợp này, lực lượng chức năng có thể cưỡng chế người có hành vi vi phạm. Nếu cố tình không chấp hành, tiếp tục vi phạm thì khống chế đưa về trụ sở UBND hoặc Công an phường gần nhất để giải quyết. Tùy theo tính chất, mức độ, người vi phạm có thể sẽ bị xử lý bằng biện pháp hành chính về hành vi cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức theo điểm h, Khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013 với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chống người thi hành công vụ theo Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015.
Người dân cũng phải chịu trách nhiệm về thông tin giám sát của mình đảm bảo trung thực, khách quan, chịu trách nhiệm về việc phát tán thông tin theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp người dân cố ý quay phim, chụp ảnh, ghi hình, cắt dán, chỉnh sửa, đưa ra các thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc hoặc tuyên truyền, phát tán trên mạng xã hội nhằm vu khống, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì sẽ bị xử lý theo Luật An ninh mạng.
Tùy theo tính chất mức độ, động cơ, mục đích sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP (quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội vu khống (Điều 156 BLHS), tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288 BLHS), tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (Điều 331 BLHS)” – luật sư Thơm thông tin.
Cũng theo luật sư Thơm, việc ghi âm ghi hình phải được thực hiện ngoài khu vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Khu vực đảm bảo ATGT được xác định là nơi giới hạn bằng cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng để cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT và ANTT. Ví dụ, ở những nơi chăng dây, đặt cọc tiêu mà lực lượng CSGT phối hợp với các lực lượng Công an khi thực thi công vụ liên quan đến ANTT như Tổ công tác 141 hoặc những địa điểm đang xảy ra phòng chống cháy nổ, bạo động, vụ án hình sự...
Đối với việc công khai chuyên đề, kế hoạch công tác của CSGT, luật sư Thơm cho biết, căn cứ điều 5 thông tư 67, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên là nội dung bắt buộc phải công khai.
Tại điều 6 thông tư này quy định 5 hình thức công khai gồm: đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan công an; đăng công báo; niêm yết tại trụ sở cơ quan công an; công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn trong lực lượng công an nhân dân theo quy định của pháp luật.
|
Người dân có quyền giám sát hoạt động của CSGT nhưng phải đúng quy đinh |
Trao đổi với PV, lãnh đạo Phòng CSGT tỉnh Lạng Sơn cho biết, Phòng CSGT Công an tỉnh và đội CSGT Công an các huyện, thành phố đã thực hiện công khai nội dung kế hoạch, hình thức, biện pháp công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về TTATGT trên Trang thông tin điện tử của Công an tỉnh và Niêm yết tại trụ sở phòng CSGT và Công an các huyện, thành phố. Nhân dân có thể thực hiện giám sát thông qua theo dõi những nội dung công khai trên Trang thông tin điện tử của Công an tỉnh và niêm yết tại trụ sở các đơn vị.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, trường hợp người vi phạm TTATGT thắc mắc về nội dung kế hoạch, tuyến, địa bàn, thời gian, hình thức, biện pháp tuần tra, kiểm soát, Tổ công tác có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn người vi phạm tìm hiểu nội dung công khai trên Trang thông tin điện tử Công an tỉnh và niêm yết tại trụ sở đơn vị, đồng thời người vi phạm có trách nhiệm hợp tác với lực lượng CSGT chấp hành việc xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật, nghiêm cấm có hành vi cản trở việc xử lý của CSGT.
Thiết nghĩ, để Thông tư đi vào cuộc sống thì mỗi cán bộ, chiến sĩ cũng như người dân phải ý thức bản thân chấp hành đúng các quy định của pháp luật. Trong xử lý vi phạm trật tự ATGT, cán bộ, chiến sĩ CSGT phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực xử lý vi phạm đúng pháp luật, kết hợp với việc hướng dẫn, giải thích, thuyết phục là chính. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật với người dân trong việc chấp hành các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông, cũng như với các lực lượng thực thi pháp luật.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Người dân sắp được giám sát CSGT bằng ghi âm, ghi hình
Hiểu Lam