Hé lộ thông tin mới về vụ ẩu đả ngay tại cuộc họp bán cây sưa
Liên quan vụ việc người dân thôn Đông Cốc (xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) ẩu đả ngay tại cuộc họp triển khai phương án khai thác cây sưa 200 tuổi ở Bắc Ninh trồng tại đình Đông Cốc trước sự chứng kiến của chính quyền xã, trong buổi làm việc với PV Kiến Thức ngày 12/12, lãnh đạo UBND xã Hà Mãn đã cung cấp nhiều thông tin mới, hé lộ thêm những góc khuất xung quanh vụ việc trên.
Về diễn biến vụ ẩu đả ngay tại cuộc họp triển khai phương án hạ giải cây sưa, người dân làng Đông Cốc cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến vụ xô xát đến chảy máu đầu là do hội nghị đã chỉ định thư ký ghi biên bản là cán bộ của UBND xã Hà Mãn. Tuy nhiên, người dân thôn Đông Cốc lại không đồng ý, sau đó phản ứng dữ dội. Ngay lúc đó, do không kiềm chế được bản thân, anh Nguyễn Văn Tiên đã đứng dậy cầm chiếc ghế nhựa, lao lên đập đúng đầu anh Nguyễn Văn Đoàn, người làng Đông Cốc khiến anh này bị thương, máu bê bết trên mặt.
|
Số phận cây sưa 200 tuổi ở đình Đông Cốc vẫn chưa được định đoạt sau nhiều lùm xùm việc mua bán cây. Ảnh Hải Ninh. |
Ông Nguyễn Văn Hội - một người dân thôn Đông Cốc - cho biết: “Ngày 7/12, trong hội nghị triển khai phương án khai thác cây gỗ sưa được thôn tổ chức có ông Nguyễn Văn Hiến là Chủ tịch UBND xã Hà Mãn dự. Cuộc họp này là của thôn Đông Cốc, tuy nhiên, thư ký cuộc họp lại là cán bộ xã nên người dân không đồng ý. Anh Nguyễn Văn Đoàn - một người dân trong thôn Đông Cốc - đứng lên phát biểu xin cho một người dân trong làng làm thư ký thay cho cán bộ xã. Tuy nhiên, lúc đó, anh Nguyễn Văn Tiên cũng là người trong thôn bất ngờ vụt anh Đoàn khiến anh Đoàn máu mê bê bết ở mặt. Sự việc xảy ra trước sự có mặt của lãnh đạo xã Hà Mãn khiến người dân bức xúc”.
Tuy nhiên, trong buổi làm việc với PV Kiến Thức, kể lại diễn biến vụ việc, ông Nguyễn Văn Hiến - Chủ tịch UBND xã Hà Mãn - cho biết: “Cuộc họp triển khai phương án khai thác cây sưa 200 tuổi tại đình Đông Cốc hôm 7/12 là do UBND xã Hà Mãn tổ chức. Ngoài chính quyền xã Hà Mãn, người dân làng Đông Cốc, còn có cả lãnh đạo huyện, công an huyện Thuận Thành. Tuy nhiên, khi vừa tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu xong thì có một số đối tượng như kiểu vào phá đám, định chạy lên nói gì không biết nhưng công an họ dừng không cho lên thì xảy ra việc đánh nhau. Diễn biến việc đó rất nhanh, người chạy lên trước là anh Huy, người thôn Đông Cốc nhưng khi bị cản lại thì Nguyễn Văn Đoàn mới chạy lên sau. Hội nghị có cả huyện ở đấy, anh chỉ là người dân ra dự mà anh lại có thái độ như thế. Trước đó, hai người này đã từng đánh nhau rồi. Người bị đánh (anh Đoàn - PV) từng chửi cả họ nhà người đánh (anh Nguyễn Văn Tiên) nên người đánh này mới bảo: “Thằng nào làm thằng đấy chịu, sao lại chửi cả họ nhà tao”. Họ cãi nhau trước hội nghị rồi nhưng không hiểu sao có vấn đề gì vào đó lại đánh nhau”.
Phó chủ tịch UBND xã Hà Mãn - ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết: “Hôm họp dân (7/12), xã cũng đã phát loa, có thông báo, giấy mời đủ các thành phần, huyện có, xã có. Xã đứng ra chủ trì buổi họp dân. Đồng chí Chủ tịch UBND xã lên chủ trì, thông qua quy chế buổi họp, vừa xong thì mời đồng chí tổ trưởng hội đồng lên làm thư ký. Lẽ ra một số vị nhận thức cán bộ cử người của cán bộ thì người dân cử người của dân thì sẽ mời một vị lên cùng làm thư ký với một cán bộ. Khi đó, một số vị có mùi rượu sặc sụa. Vừa cử đồng chí Nguyễn Văn Đạt lên làm thư ký thì họ đã xông lên rồi. Anh Nguyễn Văn Tiên bình thường cũng là công dân tốt, anh Nguyễn Văn Đoàn cũng là người dân địa phương va chạm xô xát ở cuộc họp. Anh Tiên đã bị công an giữ ngay hôm đấy để điều tra”.
Người trả giá 50 tỷ cây sưa quay lại đòi mua cây, “đại gia” trúng giá 24,5 tỷ thấp thỏm
Trả lời PV Kiến Thức về việc UBND xã Hà Mãn đấu giá cây sưa 24,5 tỷ khiến người dân Đông Cốc phản ứng vì cho rằng giá quá rẻ, trước đó có người trả giá họ đến 49 tỷ, Chủ tịch UBND xã Hà Mãn - ông Nguyễn Văn Hiến cho biết: “Xuất phát từ năm 2012, lúc bấy giờ người dân cũng đã làm đơn đến các cấp chính quyền xin phép hạ giải cây sưa. Thời điểm đó, ở dưới thôn có cái lệ là cứ tự rao bán sưa. Họ cũng đã tự bán một số cây con rồi nhưng họ bán dấm bán dúi nên xã không phát hiện được. Chứ nếu phát hiện được thì cũng sẽ bắt. Họ bán được mấy cây con rồi tưởng “ngớp ngớp” được cây to này. Khi đó, cây sưa đỏ 200 tuổi này đang bình thường khỏe mạnh nhưng một số người ở dưới thôn ấy gọi thương lái sang thăm dò, thế nào họ lại khoan cây, sang năm 2013 cây mới có dấu hiệu chết đi.
Khi đó, ở dưới thôn mới họp đề nghị qua các cuộc hội đồng nhân dân về việc bán cây, trên xã cũng gửi văn bản đi nhưng qua nhiều cuộc không được chấp nhận. Năm 2015, báo cáo tỉnh Bắc Ninh về việc cây sưa 200 tuổi chết một nửa. Tỉnh cũng xin phép Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH-TT-DL) cho ý kiến. Cục Di sản đồng ý và giao về tỉnh. Sau đó, tỉnh có công văn cho phép hạ giải cây sưa này. UBND huyện Thuận Thành giao lại cho xã. Thôn Đông Cốc họp và có ý kiến với huyện cho UBND xã Hà Mãn làm chủ sở hữu để đứng ra sẽ hỗ trợ địa phương làm các thủ tục hạ giải cây. Sau đó, UBND xã làm các quy định đưa thông tin khảo sát giá và mời các công ty đấu thầu. Công ty đấu thầu Việt Nam về làm quy trình đấu thầu. Khi công ty này làm tất cả các thủ tục, niêm yết công khai, công bố thông tin thầu. Ngày 28/7, họ gửi giấy mời đến các thành phần tham gia gồm lãnh đạo UBND xã, thôn, các ban ngành huyện Thuận Thành ra dự buổi đấu giá. Ngày 1/8/2016, buổi đấu giá diễn ra rất nhanh. Sau đó, có người trả đến mức 24,5 tỷ không thấy trả nữa và họ là người trúng giá cao nhất. Sau đó, các bên ký văn bản. Khi về địa phương, chúng tôi tổ chức cuộc họp thông báo cho người dân”, ông Nguyễn Văn Hiến cho hay.
|
Chính quyền khẳng định làm đúng quy định, người dân cũng đưa ra lý do để phản đối. Việc lùm xùm vẫn chưa tới hồi kết. Ảnh Hải Ninh. |
Theo lời Chủ tịch UBND xã Hà Mãn Nguyễn Văn Hiến, vào năm 2014, trưởng thôn Đông Cốc cũ và người dân đã họp bàn ký hợp đồng bán cây sưa cho bà Nguyễn Thị Hợp với giá 49 tỷ.
“Biên bản hội nghị làm hợp đồng khác nhưng khi giao cho trưởng thôn cũ làm hợp đồng thì trang 3 lại do anh trưởng thôn và bà Hợp thống nhất. Trong biên bản hội nghị thì không có điều kiện: “Nếu không bán cho bà Hợp thì thôn phải mất 1/3 giá trị hợp đồng và ngược lại”. Hai bên hợp đồng không có căn cứ cơ sở pháp luật và người hợp đồng không đóng cọc một đồng nào. Theo tôi nghĩ, bà Hợp làm hợp đồng này để ai vào mà trúng giá thì phải qua tay bà Hợp. Cây sưa ấy không ai biết là giá bao nhiêu, phải có cơ quan thẩm định. Tôi nghĩ bà Hợp này không phải là người trực tiếp bỏ tiền ra mua mà chỉ là môi giới. Theo quy định, sau ngày 1/8/2016 khoảng 10 ngày thì đơn vị trúng thầu phải nộp hết tiền về trung tâm đấu giá, khi khai thác được thì trung tâm đấu giá sẽ chuyển tiền về địa phương”, ông Nguyễn Văn Hiến cho biết.
“Người dân phản đối kết quả đấu giá là do họ cho rằng giá rẻ, họ gửi đơn lên trên thì UBND xã cũng báo cáo tình hình là do giá cả thẩm định. Xã cũng đã cho tổ chức hội nghị quân chính ở dưới thôn, tất cả ý kiến đưa ra là rẻ và chưa chuẩn. Tôi cũng đã báo cáo lên cơ quan cấp trên và thông báo với người dân: “Tất cả các đại biểu dự hội nghị mà có đối tác mua cây thì xã cho một tuần, nếu có người mua giá cao hơn thì làm đơn về xã. Sau đó 1 tuần, không có ai có ý kiến hay đơn từ nào.
Theo quy định người ta trúng giá, nộp tiền rồi thì phải để họ làm thủ tục hạ giải cây sưa. Người dân lại bảo mời bên trúng thầu đến và đề nghị nếu đào sưa làm hỏng cổng đình thì bên trúng thầu sẽ đền tu sửa hoặc xây mới. Sau đó, một số người dân trong thôn có kéo lên xã và nói bây giờ bà Hợp từng có hợp đồng với thôn mua cây sưa ngỏ ý tiếp tục muốn mua. Tôi mới bảo với trưởng thôn cũ, sao thời điểm ký trước không báo cáo lên xã. Tôi cũng nói với bà Hợp, sao từ ngày thông báo bán đến nay bà không đến. Tôi xin ý kiến lãnh đạo huyện. Tôi cũng thẳng thắn nói với bà Hợp nếu bà mua như hợp đồng thì tôi sẽ báo bên người trúng giá đấu thầu dừng lại khai thác và hủy hợp đồng thì xã sẽ đền.
Xã yêu cầu bà Hợp trong vòng 10 ngày nộp 2 tỷ đặt cọc, trong vòng 1 tháng sẽ nộp nốt 47 tỷ và tiến hành khai thác. Nếu bà Hợp đồng ý, xã sẽ phá hợp đồng với bên kia và phạt hợp đồng bao nhiêu sẽ căn cứ vào pháp luật. Tuy nhiên, cuộc họp đấy sau đó cũng không thành công. Ngày 3/10, tôi mời trực tiếp bà Hợp, trưởng thôn cũ, mới họp. Khi đó, bà Hợp nói cho đến 19/10 sẽ đóng luôn 2/3 số tiền chứ không phải 2 tỷ nữa. Tôi cũng nói đến ngày 13/11 bà nộp nốt số tiền trên. Nhưng đến 17/10, anh Ngư cầm đơn lên với lý do bà Hợp đi nước ngoài nên xin gia hạn.
Cuối tháng 10, xã gửi giấy mời cho bà Hợp nhưng không thấy bà ấy lên. Người ta không mua thì cứ chờ đến bao giờ. Tôi yêu cầu thôn tổ chức hội nghị thanh lý hợp đồng với bà Hợp, UBND xã ra quyết định hủy bỏ hợp đồng ấy. Tôi cũng xin ý kiến huyện, huyện chỉ đạo tiếp tục cho người trúng đấu giá khai thác để họ đỡ thiệt thòi. Nhưng khi họp dân thì lại xảy ra việc như thế nên đành phải tạm dừng”, Chủ tịch UBND xã Hà Mãn Nguyễn Văn Hiến cho hay.
Phó chủ tịch UBND xã Hà Mãn - ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết thêm: “Cây sưa làng Đông Cốc thì nhân dân có nguyện vọng bán từ lâu rồi, khoảng từ năm 2012. Khi đó, giá sưa cao nên bán 49, 50 tỷ là bình thường. Nhưng sang năm 2014, giá giảm dần. Người dân ở đây khắp nơi trồng sưa. Đầu năm 2016, UBND tỉnh Bắc Ninh cho phép địa phương được hạ giải cây sưa mục đích là xây dựng nông thôn mới tại thôn Đông Cốc. Khi họp dân, chúng tôi cũng thông báo làm sao bán cây sưa với giá cao nhất và không đầu tư ngoài đơn vị Đông Cốc, người dân đồng ý. Đến 1/8, công ty đấu thầu người ta làm đúng quy trình để đấu giá cây sưa. Trong 5 người tham gia đấu thầu có ông Nguyễn Văn Hùy (ở Từ Sơn, Bắc Ninh) trúng đấu giá với giá 24,5 tỷ đồng”.
Nói về việc sau khi bán sưa với giá 24,5 tỷ đồng theo kết quả trúng thầu, UBND xã Hà Mãn sẽ chi số tiền ấy như thế nào, Chủ tịch UBND xã Hà Mãn Nguyễn Văn Hiến cho biết: “Mục tiêu là đề nghị hạ giải cây sưa 200 tuổi nằm trong khu di tích nên mục đích là để sửa khu di tích. Nếu còn tiền thì mới làm các công trình phúc lợi, khi đó thì lại do thôn bàn. Dự án tu bổ khu di tích đền Đông Cốc thì đã lập rồi. Nếu hạ giải được cây sưa thì căn cứ tình hình thực tế ở dưới thôn thì mới làm các quy trình phê duyệt dự án. Trước mắt thì cứ bán đấu giá, hạ giải cây sưa để lấy tiền để đấy đã”.
Hải Ninh