Quyết tâm chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Trong những năm qua, công tác phòng chống tham nhũng đã ghi dấu ấn đậm nét của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với cụm từ khóa "Lò đã nóng, củi tươi cho vào cũng cháy". Với quyết tâm phòng chống tham nhũng, tại các cuộc làm việc, hội nghị trong năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã có nhiều phát ngôn ấn tượng khẳng định quyết tâm này.
Cụ thể, tại cuộc họp lần thứ 15 Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng ngày 21/1/2019, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Tổng bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, không được chủ quan, thỏa mãn mà vẫn phải kiên trì tiếp tục làm với một quyết tâm cao hơn, đẩy mạnh hơn và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Tại cuộc gặp mặt Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam ngày 10/4/2019, đề cập đến công tác phòng chống tham nhũng, tình trạng chạy việc, lợi ích nhóm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh quan điểm: "Vừa chống, vừa xây", trong đó xây là cơ bản, chống là quan trọng. "Không ai thích thú gì kỷ luật. Kỷ luật chính là để cảnh tỉnh, răn đe, ai nhúng chàm thì sửa đi", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
|
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN |
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp 16, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Người đứng đầu Đảng, Nhà nước tiếp tục khẳng định:"Chúng ta không chùng lại, thậm chí phải làm quyết liệt hơn". Đồng thời cho biết kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước nói chung, các cơ quan phòng chống tham nhũng nói riêng những cán bộ hư hỏng, tham nhũng.
Phát biểu bế mạc tại Hội nghị Trung ương lần thứ 11 khóa XII ngày 12/10/2019, nhắc đến số lãnh đạo cấp cao bị kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói rằng: "Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân". Đồng thời nhấn mạnh, đây là bài học sâu sắc, bài học đắt giá cho tất cả chúng ta. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị từng Uỷ viên Trung ương Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên nêu gương, tự soi, tự sửa, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng để không đi vào vết xe đổ, gây ra những hậu quả, tổn thất khôn lường.
Ngày 15/10/2019, khi tiếp xúc cử tri trước thềm kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại con số cán bộ đã bị kỷ luật hơn nửa nhiệm kỳ qua gồm hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý và nhấn mạnh chống tham nhũng là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ.
Dự và phát biểu tại Hội nghị trực tuyến cuối năm của Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương diễn ra tại Hà Nội ngày 30/12/2019, Người đứng đầu Đảng, Nhà nước khẳng định, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhất là phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, tăng cường, kế thừa, phát huy tốt những kết quả, thành tích đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, kết hợp bài bản, nhuần nhuyễn hơn giữa "xây" và "chống".
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu cần chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ "an toàn" trong một bộ phận công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. “Tôi đã nhiều lần nói rồi, nay xin nhắc lại, những ai có tư tưởng ấy thì hãy đứng sang một bên để người khác làm!”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.
Mới đây, tại phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 15/1/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói rằng: “Đau xót nhưng vẫn phải làm, xử một người để cứu muôn người. Tất cả cùng vào cuộc, bởi vậy một cá nhân nào không muốn làm cũng không thể không làm. Mục đích là để giáo dục răn đe, cảnh báo để đừng xảy ra, chứ xảy ra rồi mới chữa cháy”.
>>> Mời độc giả xem video "Lò" chống tham nhũng luôn "đỏ lửa" trong năm 2019:
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lưu ý, năm 2020 có nhiều sự kiện lớn của đất nước, đặc biệt Đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tuy nhiên, không phải vì đại hội mà chùng lại không đấu tranh phòng chống tham nhũng, mà ngược lại càng phải làm, thậm chí làm tốt cái này để phục vụ đại hội. Đương nhiên làm phải có phương pháp, việc nào ra việc nấy, hỗ trợ lẫn nhau. Chống tham nhũng tốt, công tác nhân sự tốt, đại hội sẽ thành công tốt đẹp.
Khẳng định yêu cầu đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, trọng tâm là tiếp tục tập trung đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng, từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng. Ban Chỉ đạo tiếp tục chỉ đạo tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên sai phạm.
"Lò đỏ rực" năm 2019
Dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước với tinh thần kiên quyết, liên tục không có vùng cấm, công tác phòng chống tham có những mặt làm tốt hơn, nhuần nhuyễn hơn, như việc điều tra, xét xử tội hối lộ, thu hồi tài sản tham nhũng triệt để hơn, công tác xét xử tại các phiên tòa công khai, minh bạch… khiến các bị cáo tâm phục khẩu phục, dư luận đồng tình.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, góp phần hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”. Công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo đẩy mạnh, đi vào chiều sâu, tạo bước đột phá mới trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng.
Năm 2019, Cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với trên 420 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái.
|
Dẫn chứng vụ án AVG, Tổng bí thư nói rằng, chưa bao giờ ta xử được tội hối lộ mà trước kia toàn là thiếu trách nhiệm, vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng. Trong vụ AVG cũng lần đầu tiên có người nhận hối lộ 3 triệu USD, VKS phải đề nghị tử hình. Nhưng khi người này nộp lại tiền đã được giảm xuống hình phạt tù chung thân. Ảnh: TTXVN
|
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật và đề nghị Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật đối với 3 tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và trên 20 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 5 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, đã thi hành kỷ luật trên 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 21 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (2 Ủy viên Bộ Chính trị), 22 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Năm 2019, Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo xử lý 67 vụ án, 55 vụ việc, trong đó khởi tố mới và phục hồi điều tra 19 vụ án; đã truy tố 21 vụ án/108 bị can; xét xử sơ thẩm 20 vụ án/85 bị cáo; xét xử phúc thẩm 15 vụ án/157 bị cáo.
Đặc biệt, 10 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đã được đưa ra xét xử sơ thẩm, trong đó có vụ AVG, vụ vi phạm đất đai tại Đà Nẵng, TP.HCM.
Hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được nâng cao. Theo đó, đã thu hồi được số tiền hơn 35.000 tỷ đồng. Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản giá trị gần 24.000 tỷ đồng.
"Không có vùng cấm" từ Ủy viên Bộ Chính trị đến nguyên Phó thủ tướng, bộ trưởng đều bị xử lý
Với tinh thần xử lý không có vùng cấm, năm 2019, hàng loạt cán bộ, kể cả lãnh đạo cấp cao tiếp tục bị xử lý kỷ luật, thậm chí có trường hợp bị khởi tố, đáng chú ý trong số cán bộ này có cả Ủy viên Bộ Chính trị đến cựu Phó Thủ tướng Chính Phủ.
Mới đây nhất, ngày 10/1/2020, Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ do có vi phạm, khuyết điểm trong thời gian giữ cương vị Phó thủ tướng, đã cho một số ý kiến chỉ đạo đối với Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II - Công ty Gang thép Thái Nguyên (Dự án TISCO II).
Trước đó, Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Vũ Văn Ninh, nguyên Phó thủ tướng, vì đã ký một số văn bản ý trái với kết luận của Bộ Chính trị và nghị định của Chính phủ về cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Sau đó, ngày 4/11/2019, Thủ tướng kỷ luật cảnh cáo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh.
|
Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Hoàng Trung Hải. |
Tại hội nghị lần thứ 11 vào 12/10, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã kỷ luật khai trừ khỏi Đảng 2 cựu Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn theo đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Hai cựu Bộ trưởng này mới đây đã bị khởi tố, bắt giam và đưa ra xét xử trong vụ án hình sự AVG.
Năm 2019, hàng loạt cấp Thứ trưởng cũng bị xử lý kỷ luật. Cụ thể, Bộ GTVT có đến 4 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng cùng bị kỷ luật vì có những vi phạm nghiêm trọng, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra việc cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT.
Theo đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công bị kỷ luật cảnh cáo. Hai ông Nguyễn Ngọc Đông, Nguyễn Nhật cùng nhận hình thức kỷ luật khiển trách. Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường bị Ban Bí thư kỷ luật bằng hình thức cách chức vụ trong Đảng và bị xóa tư cách nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT giai đoạn 2011-2015 và 2016-2017.
Ở Bộ Tài chính, Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật với mức cảnh cáo vì vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống và các quy định của Đảng, về trách nhiệm nêu gương...
Mới đây, ngày 10/1, Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Triệu Tài Vinh, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, do liên quan gian lận thi cử.
Ngoài ra, năm 2019, hàng loạt lãnh đạo các tỉnh thành, tướng lĩnh quân đội, công an bị kỷ luật như ông Lê Thanh Quang, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, Chủ tịch UBND Khánh Hòa Lê Đức Vinh và Phó chủ tịch UBND tỉnh Đào Công Thiên đều bị cách chức. Cựu Chủ tịch tỉnh Nguyễn Chiến Thắng cũng bị xoá tư cách chức vụ trong quá khứ; đại tá Nguyễn Ngọc Thư và đại tá Đào Ngọc Tuấn, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng, bị cách tất cả chức vụ trong Đảng; Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân, bị khởi tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Hiến đã bị cách chức trong Đảng, xóa tư cách nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân....
Tâm Đức