Chiều 6/8, hội thảo Bí kíp đạt điểm cao môn thi Năng khiếu báo chí tổ chức tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hà Nội, thu hút 200 phụ huynh và thí sinh dự thi các ngành báo chí của trường tham dự.
Có mặt tại hội thảo, PGS.TS Hà Huy Phượng - Phó trưởng Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền - trao đổi với thí sinh một số vấn đề về kỳ thi Năng khiếu Báo chí sắp diễn ra.
|
PGS.TS Hà Huy Phượng chia sẻ về năng khiếu trong nghề báo với các thí sinh. Ảnh: Hoàng Như. |
Thầy Phượng chia sẻ về năng khiếu trong nghề báo: “Năng khiếu chỉ chiếm 1% trong mỗi người, là khả năng bẩm sinh, không phải do học tập, rèn luyện. Đó là khả năng thiên bẩm về hoạt động nghề nghiệp cụ thể mà không phải ai cũng có được”.
Theo PGS.TS Hà Huy Phượng, năng khiếu trong nghề báo bao gồm hai yếu tố. Một là năng lực quan tâm, yêu thích đến những gì diễn ra trong cuộc sống thường nhật và truyền đạt thông tin về các sự kiện, vấn đề, sự vật… đó đến một hoặc nhiều người để cùng chia sẻ. Hai là đòi hỏi kiến thức tổng hợp của nhiều lĩnh vực khác nhau.
Không chỉ thu hút những thí sinh trên địa bàn Hà Nội, nhiều bạn trẻ từ các tỉnh xa cũng đến với mong muốn hiểu rõ hơn về năng khiếu trong nghề báo.
|
Thí sinh đặt câu hỏi về cách thi năng khiếu báo chí. Ảnh: Hoàng Như. |
Văn Thị Huyền (Thanh Hoá) tâm sự: “Trước khi đến đây, em thực sự không biết năng khiếu báo chí là gì? Em cảm thấy rất hoang mang, không biết mình sẽ thi gì sắp tới? Sau khi nghe thầy Phượng giải thích, em đã hiểu và tự tin hơn trước kỳ thi”.
Nhiều phụ huynh đã đưa con lên Hà Nội từ trước khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển để ôn luyện năng khiếu báo chí tại các lò luyện thi.
Bà Nguyễn Thị Thu Nga (Quảng Ninh) chia sẻ, nữ phụ huynh đưa con lên Hà Nội nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển từ đầu tháng 8. Sau đó, mẹ con thuê phòng ở ký túc xá của trường để ôn luyện cho kỳ thi Năng khiếu báo chí sắp tới. Vì không hiểu rõ năng khiếu báo chí nên người mẹ phải đầu tư cho con đi ôn ở các "lò".
Trả lời trước thông tin về các lò luyện, thầy Phượng quả quyết: Năng khiếu báo chí không thể dạy hay ôn luyện được. Nếu không có khả năng thiên bẩm về báo chí thì có đi qua hàng trăm lớp ôn luyện, thí sinh vẫn là người không có năng khiếu báo chí.
“Học viện Báo chí và Tuyên truyền cùng các khoa Báo chí của nhà trường không mở bất kỳ lò luyện thi năng khiếu báo chí nào. Những lò luyện thi hiện nay chỉ tạo ra một khuôn mẫu được họ đúc sẵn để bạn bắt chước theo. Mục đích duy nhất của họ là kiếm tiền từ các thí sinh và phụ huynh”, thầy Phượng nhấn mạnh.
Theo Zing