Bình chữa cháy và búa phá kính xe thoát hiểm là dụng cụ tối thiếu bắt buộc phải trang bị trên xe ô tô theo quy định, tuy nhiên nhiều nhà xe đang bàng quan với các thiết bị này. Hầu hết xe vận tải khách, thậm chí xe buýt đều chưa trang bị đầy đủ, hoặc nếu có cũng chỉ để đối phó với việc xử lý của lực lượng chức năng.
Thực tế, số ít xe vận tải khách hiện nay có trang bị bình chữa cháy, nhưng dung tích không đạt tiêu chuẩn, còn búa phá kính thoát hiểm thì đa số các xe chỉ có một chiếc, nhưng thường bị bắt vít chặt tại các vị trí khó tìm trên xe và vô tác dụng. Nếu có sự cố xảy ra hoặc gặp trường hợp khẩn cấp thì không kịp trở tay. Lỗi thiết bị không đầy đủ này, nếu cảnh sát giao thông kiểm tra 10 xe, thì đến 7 – 8 xe vi phạm.
|
Vị trí lắp búa phá kính thoát hiểm trên xe khách. |
Theo “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô” của Bộ GTVT, các loại xe vận tải khách từ 16 - 90 chỗ phải lắp đặt từ 4 - 9 búa phá kính thoát hiểm, vị trí đặt búa ở nơi khách dễ nhìn, dễ lấy. Còn theo Thông tư 57/2015/TT-BCA của Bộ Công an hướng dẫn về trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, thì các xe từ 4 chỗ trở lên đều phải trang bị bình chữa cháy.
Thậm chí, Bộ Công an cũng quy định, xe chở khách phải trang bị bình chữa cháy lớn, kìm cộng lực, xà beng, đèn pin, găng tay chữa cháy và khẩu trang lọc độc… nhằm bảo đảm độ an toàn tối đa cho lái xe và hành khách. Không chỉ trang bị thiết bị an toàn, trong nội quy xe còn có phần hướng dẫn, giới thiệu cho hành khách vị trí các thiết bị an toàn trên xe, cách sử dụng bình xịt lửa, búa phá kính thoát hiểm. Tuy nhiên, quy định là một chuyện, còn việc chấp hành hay không là của chủ xe, lái xe. Chỉ đến khi có sự cố hay tai nạn xảy ra, thì các thiết bị này mới được nhắc tới tầm quan trọng.
Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết: “Những thiết bị bảo vệ phòng cháy, chữa cháy, dụng cụ trợ giúp thoát hiểm khi có sự cố, bảo đảm an toàn trên xe đã được quy định trong các văn bản về hoạt động GTVT, tức là những trang thiết bị đó phải có trên xe ô tô. Khi có bất trắc, lái xe, phụ xe hoặc hành khách đều sử dụng được nhanh chóng, kịp thời, thì sẽ hạn chế được hậu quả”.
Anh Cao Nam Cường, lái xe khách 24 chỗ tại Bến xe Gia Lâm (Hà Nội) chia sẻ: “Nhà xe luôn tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến an toàn giao thông và vận hành xe, nhất là việc trang bị đầy đủ các thiết bị thoát hiểm cần thiết, nhưng sau nhiều lần lắp đúng vị trí từ 4 - 5 chiếc búa phá kính hai bên thành xe, đều bị hành khách cố tình lấy cắp, nên không lắp nữa”.
Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Trọng Thái, thay vì giải pháp trên, lái xe, phụ xe trước mỗi hành trình nên hướng dẫn cách sử dụng, nêu rõ tác dụng của dụng cụ thoát hiểm như khi đi trên máy bay, để hành khách ý thức tự giác về hành vi của mình và dán chú thích “Không được phép lấy” dưới vị trí đặt thiết bị thoát hiểm.
Vấn đề đặt ra hiện nay là mức xử phạt theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó có hành vi không trang bị dụng cụ thoát hiểm, cũng chỉ dao động từ 300.000 – 400.000 đồng/lần, không đủ sức răn đe vi phạm, nên thường bị chủ xe, lái xe lơ là bỏ qua hoặc không tuân thủ.
Vì vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước và lực lượng chức năng cần tăng cường các biện pháp tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm, nhằm hỗ trợ hành khách bảo vệ an toàn tính mạng khi gặp tai nạn, sự cố đáng tiếc.
Thiết nghĩ, bản thân mỗi người cũng cần tự trang bị cho mình kỹ năng kiến thức sống, vì một người biết sử dụng thiết bị thoát hiểm để thoát ra sẽ cứu được chính mình và nhiều người khác sau đó.
Theo Vân Sơn/Báo Tin tức