Liên quan đến vụ bé trai chết bất thường trên xe ô tô đưa đón học sinh của trường Gateway, đến thời điểm hiện tại, cơ quan cảnh sát điều tra, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết vẫn đang tiếp tục quá trình điều tra vụ việc.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc cơ quan điều tra đến thời điểm này chưa công bố kết luận điều tra là chậm trễ.
Trả lời PV VTC News về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông luật - Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, thời hạn điều tra vụ án hình sự được quy định rõ trong Bộ luật Tố tụng hình sự.
|
Trường Gateway nơi xảy ra vụ việc.
|
Ngoài ra, đến thời điểm hiện tại, thời gian điều tra vụ án vẫn còn nên việc cơ quan điều tra chưa công bố kết luận không phải là chậm trễ.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, Điều 169 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định thời hạn điều tra được tính từ ngày Cơ quan điều tra nhận hồ sơ vụ án cho đến hết thời hạn điều tra vụ án theo quy định của pháp luật.
Điều 172 quy định, thời hạn điều tra vụ án hình sự được tính kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra là không quá 2 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng; Không quá 3 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng; Không quá 4 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Trường hợp hết thời hạn điều tra mà không thể kết thúc việc điều tra thì Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, quyết định gia hạn điều tra theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này.
"vụ án có thể có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thời gian điều tra. Đến nay, thời hạn điều tra cũng chưa hết, do vậy, việc cơ quan công an chưa có kết luận hoặc chưa công bố kết luận điều tra là điều có thể hiểu được", luật sư Bình nhận định.
"Theo tôi, việc nhiều ý kiến cho rằng vụ việc đang chìm xuống là không có cơ sở", luật sư Bình nói thêm.
Cũng theo luật sư Diệp Năng Bình, trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chứng minh: Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội; Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; Có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; Có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; Mục đích, động cơ phạm tội.
Bên cạnh đó khoản 3 Điều 147 Bộ luật tố tụng hình sự quy định khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành các hoạt động: Thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin; Khám nghiệm hiện trường; Khám nghiệm tử thi; Việc khám nghiệm tử thi là hoạt động điều tra nhằm phát hiện dấu vết tội phạm trên thân thể người chết.
"Việc khám nghiệm tử thi do điều tra viên tiến hành và có thể khám nghiệm tử thi mới được phát hiện hoặc tử thi được khai quật, tử thi có thể được mổ để khám xét.
Mục đích của công tác khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân chết của nạn nhân và trong một số trường hợp cụ thể, qua các dấu vết và những biểu hiện trên tử thi còn xác định được hung khí gây án, cách thức gây án…Kết quả của công tác khám nghiệm tử thi có ý nghĩa rất quan trọng và trong một số trường hợp còn mang tính quyết định trong quá trình giải quyết đối với các vụ án giết người, cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người", luật sư Bình cho biết thêm.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 206 Bộ luật tố tụng hình sự thì bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định nguyên nhân cái chết. Việc giám định có thể thực hiện tại cơ quan giám định hoặc tại nơi điều tra vụ án ngay sau khi có quyết định trưng cầu, yêu cầu giám định.
Ngoài ra khi có nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác, việc giám định lại được thực hiện lại. Việc giám định lại phải do người giám định khác thực hiện.
"Trong trường hợp này thì thời hạn giám định nguyên nhân tử vong là không quá 1 tháng. Do vậy, tính đến thời điểm này theo quy định tại Điều 208 Bộ luật tố tụng hình sự thì thời hạn giám định để tìm ra nguyên nhân tử vong của cháu là chưa hết hạn", luật sư Bình cho hay.
Theo Xuân Trường / VTC