Lộ trình hoàn thành đường ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang

Google News

Năm 2025, nước ta cơ bản hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; đường vành đai 3, vành đai 4 khu vực động lực Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; hoàn thành trên 1.700km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang...

Ngày 24/7, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ 2016-2021 Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Lo trinh hoan thanh duong ven bien tu Quang Ninh den Kien Giang
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. 
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mục tiêu của kế hoạch là tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại đầu tư công theo hướng giảm tỷ trọng vốn đầu tư công trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội, xây dựng cơ chế thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước, hoàn thiện cơ bản kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo chuyển biến rõ nét trong đột phá chiến lược về hạ tầng trong nhiệm kỳ nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân giai đoạn 2021-2025 trên 90%; số dự án hoàn thành trong giai đoạn chiếm trên 80% tổng số dự án được bố trí vốn.
Dự kiến tổng mức vốn ngân sách nhà nước thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2.870 nghìn tỷ đồng, bao gồm 1.500 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách trung ương (trong đó có 1.200 nghìn tỷ đồng vốn trong nước, 300 nghìn tỷ đồng vốn nước ngoài) và 1.370 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tổng số dự án thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 dưới 5.000 dự án, giảm hơn một nửa so với giai đoạn 2016-2020, trong đó thu hồi dứt điểm số vốn ứng trước kế hoạch, hoàn thành các dự án chuyển tiếp, khởi công mới khoảng 2.236 dự án. Mức vốn bố trí bình quân cho một dự án là 210,4 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2016-2020 (88 tỷ đồng/dự án).
"Để thực hiện kế hoạch này, Chính phủ sẽ tập trung một loạt giải pháp như huy động tối đa các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế, trọng tâm là bảo đảm nguồn lực ngân sách nhà nước cho đầu tư tối thiểu là 2.870 nghìn tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách trung ương là 1.500 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, rà soát hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về đầu tư công và các luật pháp có liên quan; kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, nghiên cứu sớm có quy định pháp luật phù hợp đối với việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư để đẩy nhanh tiến độ" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Theo dự kiến, đến năm 2025, nước ta cơ bản hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; đường vành đai 3, vành đai 4 khu vực động lực Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; tuyến nối vùng Nam Trung Bộ với Tây Nguyên, đầu tư hạ tầng cho phát triển vùng khu vực miền núi phía Bắc, các công trình đường bộ cao tốc và đường thủy nội địa cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long; hoàn thành trên 1.700km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang; hành lang kinh tế Đông - Tây; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng các hồ chứa nước, các công trình thủy lợi trọng yếu ở vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất các trường đại học quốc gia, đại học có tính liên ngành, các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao, góp phần phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ quản lý, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp cận trình độ các nước ASEAN 4 và G20. Cùng với đó là nâng cao năng lực của các cơ sở nghiên cứu, các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, tạo những sản phẩm công nghệ lõi để làm chủ công nghệ, dẫn dắt và lan tỏa, thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Công bố danh sách người trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV

Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp


 
Hiểu Lam