Tại hội thảo: "Kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân trên địa bàn TP.HCM - Thực trạng và giải pháp", PGS. TS Phạm Xuân Mai, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, đã đưa ra đề xuất thành phố nên "làm cuộc cách mạng" hạn chế, tiến tới cấm hẳn, loại bỏ xe máy như nhiều nước đã làm.
"Xe máy tại Sài Gòn đang nhiều nhất thế giới và là "thủ phạm" gây ùn tắc. Trung bình TP.HCM có 910 xe máy trên 1.000 dân, tỷ lệ cao nhất thế giới. Qua nhiều năm nghiên cứu, chúng tôi cho rằng xe máy chính là thủ phạm gây tắc đường, tai nạn giao thông, tiêu tốn nhiên liệu và ô nhiễm môi trường", ông Mai cho biết.
|
"Xe máy tại Sài Gòn có phải là "thủ phạm" gây ùn tắc? |
Loại bỏ xe máy
Loại bỏ xe máy tại các đô thị lớn, chuyển đổi sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng và ô tô là quan điểm được nhiều ý kiến ủng hộ.
Số liệu của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho thấy, tính đến tháng 3/2017 thành phố đang quản lý 7,3 triệu xe máy, chưa tính đến khoảng 1 triệu xe mang biển số ngoại tỉnh lưu thông trên địa bàn và mỗi ngày có gần 1.000 xe máy đăng ký mới.
Với những ưu điểm nổi trội, như tính cơ động cao, linh hoạt, có nhiều công năng phù hợp điều kiện đường sá, túi tiền của người dân,... số lượng xe máy được các gia đình mua sắm tăng vọt thời gian qua. Tuy nhiên, xe máy đang gây ra nhiều vấn nạn. Sự cơ động của xe máy khiến người dân ngày càng sử dụng tùy tiện, không tuân thủ luật giao thông, lười sử dụng dịch vụ công cộng, lười đi bộ và gây ra những rủi ro lớn.
Theo khảo sát của Đại học Bách khoa TP.HCM, tại một số tuyến đường như An Sương - Cộng Hòa - Bến Bạch Đằng, lượng tiêu hao nhiên liệu xe máy so với xe buýt (tính theo hành khách/km) cao hơn 92 lần. Thiệt hại do lãng phí nhiên liệu 5.472 tỷ đồng/năm. Lượng chất thải trung bình cũng cao hơn xe con tới gần 4 lần và cao hơn xe buýt tới gần 40 lần.
|
Loại bỏ xe máy tại các đô thị lớn, chuyển đổi sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng và ô tô là quan điểm được nhiều ý kiến ủng hộ. |
So với khí thải ô tô, khí thải xe máy gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hơn và gây nguy hiểm hơn cho con người. Ngoài ra, khoảng 70% số vụ tai nạn giao thông là do xe máy gây ra.
Tính chung, tổng thiệt hại do xe máy gây ra hàng năm là hơn 6,1 tỷ USD, chiếm 13,4% GDP của TP.HCM, kéo lùi sự phát triển 7-8%. Một cách gián tiếp, xe máy đang làm giảm đà tăng trưởng của thành phố.
Ngoài các tác hại nêu trên, còn nhiều ý kiến 'kết tội' xe máy là nguyên nhân gây ra tình trạng “nông thôn hóa đô thị”. Những gánh hàng rong, chợ cóc, chợ tạm, vỉa hè ăn uống lấn át lề đường... tồn tại chủ yếu là để phục vụ người đi xe máy, vốn có thói quen "gạt chân chống" mua hàng.
Việt Nam đang phấn đấu để trở thành một quốc gia công nghiệp. Đã là quốc gia công nghiệp, thì giao thông công cộng và ô tô sẽ là phương tiện phổ cập. Đó là quy luật tất yếu. Vì vậy, loại bỏ xe máy khỏi đời sống đô thị là cần thiết bởi đây là sản phẩm đã lỗi thời của lịch sử.
Khi nào làm được?
Trả lời câu hỏi nếu loại bỏ xe máy thì người dân đi bằng gì, ông Mai cho biết tại các nước phần lớn người dân đi xe buýt. Những người có thu nhập thấp, trung bình, công chức, học sinh, sinh viên đi xe buýt vì giá vé rẻ, tiện lợi và tiết kiệm tiền bạc. Bởi vì họ không phải đầu tư mua xe mới và không phải đóng các loại phí.
|
Để loại bỏ hoàn toàn xe máy và chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng, TP.HCM cần 470 tỷ USD. |
"Như vậy, tại sao không chọn đi xe buýt mà cứ chăm chăm đi xe máy? Trách nhiệm của Nhà nước là phải tạo điều kiện cho người nghèo đi xe buýt nhiều hơn. TP. HCM phải làm sao để người nghèo tiếp cận được xe buýt. Tôi đã làm nghiên cứu khoa học cho thấy, có 65% người dân có thể tiếp cận đi xe buýt và họ chỉ cần đi bộ 300-500m là đến trạm xe buýt", ông Mai nói.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, các nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy, xe buýt chỉ có thể đáp ứng khoảng 30% nhu cầu đi lại của người dân thành phố, còn lại là tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, taxi, ô tô cá nhân... Xe buýt tại TP.HCM hiện mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu đi lại, trong khi đó, tuyến tàu điện ngầm đầu tiên, từ chợ Bến Thành đến Suối Tiên, với số vốn khoảng 2,5 tỷ USD mà 20 năm nay vẫn làm chưa xong.
Với nhiều người dân tại TP.HCM, chất lượng dịch vụ xe buýt hiện chưa tốt, nếu tất cả kéo lên xe buýt có chịu nổi? Với người nghèo đang sinh kế dựa vào xe máy, làm thế nào để giúp họ vẫn có việc làm, có nguồn thu đảm bảo cuộc sống không phải là chuyện dễ dàng.
Vì vậy, "nếu thành phố ngăn cản sử dụng xe máy, tôi sẽ chọn xe đạp hoặc xe đạp điện làm phương tiện đi lại", bà Phạm Thu Tuyết, ngõ 173, đường Tân Hòa Đông, phường 14, quận 6, cho biết.
Lựa chọn xe đạp hay xe đạp điện sẽ không gây ô nhiễm môi trường, nhưng với lượng lớn người dân chuyển sang dùng phương tiện này, sẽ gây không ít phiền toái khác. Tốc độ di chuyển chậm, vẫn sử dụng tùy tiện, thì càng không tuân thủ luật giao thông, càng dễ gây ùn tắc. Các số liệu điều tra cho thấy, chỉ với 60 điểm ùn tắc giao thông thường xuyên tại TP.HCM hiện nay, đã gây ra thiệt hại khoảng 8.450 tỷ đồng mỗi năm.
TP.HCM thời gian qua, đã đưa ra định hướng quy hoạch để loại bỏ xe máy và chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng, ô tô cá nhân. Theo đó, sẽ phải xây dựng 15 đô thị vệ tinh, hệ thống giao thông gồm 4 vành đai và cao tốc nối với các tỉnh, có 6 tuyến xe điện ngầm, 3 tuyến xe điện nổi và 25 tuyến xe buýt nhanh, đáp ứng 35-40% nhu cầu đi lại của người dân. Kinh phí để thực hiện cần khoảng 470 tỷ USD, trong giai đoạn 2015-2025.
Đây là số vốn khổng lồ, kiếm ở đâu ra? Với thực tế hiện nay thì biết cấm xe máy là một hướng đúng nhưng để làm được quả là một phép thách đố. Bài toán này có lẽ chúng ta nên tính dần cho kế hoạch dài hơi trong tương lai.
Theo Trần Thủy/Vietnamnet