Mưa lũ, ngập lụt những ngày qua đã gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản ở các tỉnh miền Trung. Nhiều tổ chức, cá nhân đã chung tay ủng hộ, hỗ trợ người dân miền Trung đang gặp nạn do ngập lụt với nhiều đồ dùng vật dụng thiết yếu như lương thực, thuốc men, áo phao và nước sạch, tiền bạc...
Tuy nhiên, một số thông tin phản ánh về việc một số cá nhân đã lợi dụng đẩy giá áo phao cao lên bất thường.
Trao đổi với một tờ báo, chị Mai Vân (Đống Đa, Hà Nội) cho biết đang rất khó khăn để tìm mua 1.000 cái áo phao ở các cửa hàng tại Hà Nội và trên mạng để ủng hộ các tỉnh miền Trung. Trong trường hợp cửa hàng nào còn thì giá cũng được đẩy lên cao ngất ngưởng. "Thường ngày, áo phao loại 1 có giá 60.000 - 70.000 đồng/chiếc. Nhưng nay đã được đẩy lên trên 200.000 đồng/chiếc, mà vẫn không có hàng để bán", - chị Vân kể.
|
Áo phao là mặt hàng thiết yếu của người dân vùng lũ và được các mạnh thường quân lựa chọn để hỗ trợ người dân. |
Nếu thông tin về việc áo phao bị đẩy giá trong thời điểm khan hàng do nhiều người mua để hỗ trợ người dân vùng ngập lụt tại các tỉnh miền Trung, nếu có việc lợi dụng thiên tai để trục lợi thì liệu có bị xử lý?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, trong xã hội bình thường khó phát biệt phân biệt được đâu là người tốt kẻ xấu, chỉ đến khi mối nguy hiểm hiện ra hoặc lợi ích đến trước mắt thì mới dễ bộc lộ bản chất, dễ phân biệt được người tốt, kẻ xấu.
Do vậy, mỗi khi thiên tai, dịch bệnh đe dọa tính mạng, sức khỏe, đời sống của nhiều người, chúng ta rất dễ phân biệt được người tốt, kẻ xấu. Khi đó, người tốt thường hảo tâm, nhường cơm, sẻ áo cho những người trong cơn hoạn nạn, còn những kẻ xấu thường bất chấp, cầu lợi, lợi dụng vào đó mà trục lợi, làm giàu trên nỗi sợ hãi, hiểm nguy của đồng bào mình.
Cơn sốt khẩu trang, vật tư y tế vừa qua khi dịch bệnh bùng phát là một ví dụ điển hình. Đến nay khi đồng bào Miền Trung gặp lũ lụt, rất cần áo phao các nhu yếu phẩm, thực phẩm, giá các loại mặt hàng này lại tăng đột biến, thậm chí có thể xảy ra trường hợp đầu cơ, một số đối tượng tạo ra sự khan hiếm giả tạo trên thị trường để thổi giá trục lợi trong bối cảnh thiên tai đang xảy ra như thế này.
Bởi vậy, luật sư Cường cho rằng, cơ quan chức năng cần vào cuộc xác định những loại mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết nào cho đời sống của nhân dân đồng bào vùng lũ để thực hiện hoạt động bình ổn giá cũng như cung cấp, hỗ trợ cho bà con đang gặp khó khăn.
“Với những mặt hàng không thuộc danh mục là hàng bình ổn giá, không có sự quản lý về giá của nhà nước cũng cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật cũng như tuyên truyền vận động để các tiểu thương chung tay góp sức cùng các cấp chính quyền giúp đỡ đồng bào thiên tai giảm bớt những thiệt hại có thể xảy ra. Những trường hợp cố tình vi phạm, bất chấp đạo đức kinh doanh cần phải có những chế tài nghiêm khắc và những đối tượng này cần phải trả giá bởi những hành vi thiếu đạo đức trong kinh doanh của mình” - luật sư Cường cho biết.
Điều 15, Luật giá năm 2012 quy định Hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, đời sống được quy định theo các tiêu chí sau: Nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và dịch vụ chính cho sản xuất và lưu thông; Hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người.
Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá bao gồm: xăng, dầu thành phẩm; điện; khí dầu mỏ hóa lỏng; phân đạm; phân NPK; thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật; vac xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; muối ăn; sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; dường ăn, bao gồm đường trắng và đường tinh luyện; thóc, gạo tẻ thường; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá được quy định tại khoản 2 Điều này, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Căn cứ vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá được quy định tại khoản 2 điều này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền được quy định tại Điều 18 của Luật này quyết định loại hàng hóa, dịch vụ cụ thể để áp dụng biện pháp bình ổn giá phù hợp trong từng thời kỳ.
Ngoài ra, hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá được quy định cụ thể tại Điều 3 Nghị định 177/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật giá (được sửa đổi bởi Nghị định 149/2016/NĐ-CP).
Theo các danh mục đã được công bố ở trên thì thuốc chữa bệnh, đường, sữa, muối, khóc, gạo tẻ thường, thóc... là các loại hàng bình ổn giá, việc tăng giá các loại hàng hóa trong danh mục nêu trên để trục lợi trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh như thế này là hành vi đầu cơ và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đầu cơ.
Luật sư Cường cho rằng, “áo phao” thì không thuộc danh mục cần hàng bình ổn giá, bởi vậy loại hàng hóa này sẽ tăng giảm theo nhu cầu trên cơ sở giá cả thị trường. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, Chính phủ hoặc Uỷ ban thường vụ Quốc hội vẫn có quyền ban hành văn bản để đưa một số loại hàng hóa cần thiết khác vào danh mục các hàng bình ổn giá, khi đó giá cả sẽ được quản lý theo quy định của nhà nước.
Bởi vậy, trên cơ sở pháp luật hiện nay, việc tăng và áo phao là quy luật của thị trường, trong đó có sự tác động không nhỏ từ ý thức, đạo đức kinh doanh của một số tiểu thương. Do đó, cơ quan chức năng cần nắm bắt nhu cầu của thị trường, nhu cầu sử dụng áo phao của đồng bào vùng lũ, lượng hàng hóa trong lưu thông để có cơ chế điều tiết, đảm bảo nhu cầu sử dụng của đồng bào vùng lũ lụt, tránh trường hợp các đối tượng vật chất đạo đức kinh doanh để trục lợi.
Những hành vi lợi dụng thiên tai, bệnh dịch để om hàng, thổi giá các loại nhu yếu phẩm thiết yếu có trong danh mục hàng bình ổn giá để trục lợi cần phải xử lý nghiêm minh bằng các chế tài của pháp luật.
“Với các loại hàng hóa thuộc mặt hàng bình ổn giá mà đối tượng nào thực hiện hoạt động đầu cơ trục lợi, bất chấp pháp luật, bất chấp đạo đức kinh doanh thì cần phải xử lý bằng các chế tài, trong đó không loại trừ chế tài hình sự. Đối với các mặt hàng không thuộc danh mục bình ổn giá cần phải tuyên truyền vận động để các tiểu thương chung tay góp sức cùng các nhà hảo tâm, cùng các cơ quan tổ chức trong việc hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào lũ lụt vượt qua những thời khắc khó khăn như thế này” - Luật sư Cường nêu ý kiến.
Với tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”..., Báo điện tử Kiến Thức phát động chương trình thiện nguyện “Hành động vì Miền Trung ruột thịt”.
Mọi sự ủng hộ của quý độc giả, doanh nghiệp, tổ chức cho miền Trung, xin gửi về:
Chủ tài khoản: Báo điện tử Kiến Thức
Số tài khoản: 22210000262205 Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Thanh Xuân, Hà Nội.
Nội dung: Ủng hộ miền Trung
Tòa soạn: Tầng 5 Tòa tháp Ngôi Sao/Star Tower, đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
VPĐD TP HCM: Tầng 10, Block A - Tòa nhà Sky Center - Số 5B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TPHCM
Điện thoại: 024 6 254 3519 Hotline: 096 523 77 56
Toàn bộ số tiền ủng hộ sẽ được Báo Kiến Thức tổng hợp và chuyển đến tận tay những gia đình bị thiệt hại trong thời gian sớm nhất!
>>> Mời độc giả xem thêm video Áp thấp nhiệt đới mới, diễn biến mưa lũ Miền Trung
Hải Ninh