Lời 'trần tình' việc “nhặt vợ”, bán con của gã “nghệ sĩ đường phố“

Google News

“Không bán con đâu, họ lên facebook nói linh tinh đấy, nó thấy mình giỏi nó nói xấu. Bán 1 triệu đồng, 20 triệu đồng thì tôi giầu rồi", Bùi Văn Vừ nói.

Cho con với “quà trao tay” cả bạc triệu
Ai ở xóm Cáo, xã Quý Hòa, Lạc Sơn, Hòa Bình cũng đều bảo, để gặp được gã Bùi Văn Vừn (SN 1969) “nhặt vợ”, bán con lấy tiền uống rượu là rất khó.
Để kiểm chứng thêm thông tin “bán con” của Bùi Văn Vừn, chúng tôi tìm tới nhà ông Bùi Văn Dành là Trưởng xóm Cáo. Nhắc tới Vừn, ai nấy có mặt ở nhà ông Dành đều “à” lên một tiếng rồi họ cười bảo: “Là thằng Vừn “nhặt vợ”, bán con và đi làm xiếc kiếm tiền uống rượu đấy”.
Theo như lời ông Dành, ở xóm, ở xã đều rất quan tâm tới hoàn cảnh của Vừn, nhà cũng làm cho, ngày lễ tết không có ăn xóm cũng phải ủng hộ.
Nhưng Vừn cứ đi suốt. Mỗi khi đi lại khóa cửa không cho ai vào, về thì mở ra. Hôm qua ông Dành gặp Vừn, lúc ấy Vừn cũng ngà ngà say rồi. Vừn bảo chuyến này đi biểu diễn xiếc ở ngoài chợ Ốc thuộc xã Thượng Cốc, cách đây khoảng 15km.
Nhắc tới những người “vợ” của Vừn, chúng tôi lại nhận về một vài tiếng cười. Họ bảo, đây là vợ thứ 3 của Vừn. Vừn cứ gặp ai có hoàn cảnh tương tự lại rủ về “ra mắt” và giới thiệu là “vợ”.
Và họ cũng khẳng định Vừn có cho 4 người con rồi. Nhưng cầm tiền người ta cảm tạ chỉ được vài ba ngày Vừn lại tiêu hết. Cả nhà lại dắt díu nhau đi xin hoặc đi làm xiếc ở khắp các khu chợ để kiếm tiền.
Tối Vừn và vợ con ngủ nhờ nơi bàn bán hàng của các thương lái, nếu vào biểu diễn trong thành phố, gia đình Vừn ngủ trong các nhà xe. Quanh năm suốt tháng là cảnh “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường”.
Theo chỉ dẫn của những người dân trong xóm Cáo, chúng tôi tìm tới nhà anh Quách Văn D. và chị Bùi Thị Th. ở xã Tuân Đạo, huyện Lạc Sơn. Theo miêu tả, họ là những người đã xin con gái lớn của Vừn là bé Bùi Thị H. và "cảm ơn" bằng 1 triệu đồng.
Loi 'tran tinh' viec “nhat vo”, ban con cua ga “nghe si duong pho“
Khẩu hiệu "Xiếc nghệ thuật" của gia đình Bùi Văn Vừn. 
Con đường dẫn tới nhà anh D. cũng quanh co, chông chênh đất đá. Lúc này, cả gia đình anh D. đi ăn cưới ở xóm bên, thấy có người nhắc tới tên anh Vừn và qua hỏi thăm về bé H., vợ chồng anh để con gái ở lại đám cưới rồi tất tả về gặp chúng tôi.
Câu chuyện ấy cũng từ 8 năm trước, khi ấy H. mới lên 2 tuổi, anh D. không biết nguyên nhân vì sao ngày đó Vừn lại đưa con cho anh. Nhưng cho tới thời điểm hiện tại, hai bên gia đình vẫn qua lại, thăm hỏi nhau. Bởi lẽ, H. là được cho gia đình anh D. để... nuôi đỡ với “quà trao tay” là 1 triệu đồng cùng con gà, vài lít rượu, 5 – 6kg gạo nếp chứ không phải “bán”.
“Vừn thấy gia đình tôi vất vả, không sinh được con, nó khuyên tôi không phải lo, nó cho 1 đứa và lên nhà nó mà lấy. Nó không bán mà cho làm anh em.
Về đây, chúng tôi cho con ăn uống, học hành tử tế và đặt lại tên. H. còn bé nên cũng chưa biết rằng mình chỉ là con nuôi của vợ chồng chúng tôi. Người làng đồn thổi, nó nghe được, nó chỉ khóc và khẳng định chúng tôi mới là bố mẹ ruột của nó”, nói tới đây chị Th. khẽ nhìn bức ảnh chụp chân dung con gái, rồi chị đứng vội dậy giấu bức ảnh đi như sợ chúng tôi sẽ chụp lại bức ảnh ấy.
Cuộc gặp gỡ “định mệnh” và lời “giải trình” gượng ép
Rời khỏi xã Tuân Đạo khi trời đã giữa trưa, chúng tôi mang theo nỗi thất vọng sẽ không thể gặp được “nhân vật chính” trong chuyện bán con, “nhặt vợ”. Cái nắng của những ngày hè như thiêu cháy những con đường ở miền sơn cước Lạc Sơn, Hòa Bình. Và cuối con đường, bóng của ba người đổ dài theo cái nắng với lếch thếch là cờ này, quạt nọ, túi kia.
Chúng tôi nhận ra đó là ba con người trong gia đình anh Bùi Văn Vừn. Họ đã đi bộ ước chừng được 5km để kịp ra trung tâm huyện biểu diễn xiếc. Thấy có người hỏi thăm về mình, cả ba đều không chút e dè, họ dừng lại rồi nhanh chóng khoe những “chiến tích” trong sự nghiệp làm xiếc của mình.
Vừn bảo: “Giờ chúng tôi ra chợ Ốc làm xiếc, làm hay người ta xem đầy. Chúng tôi đi bao giờ bán hết thuốc nam thì về.
Tôi có facebook, sau này có đĩa bán và có người thu hình ảnh của tôi biểu diễn xiếc vào đĩa để bán. Họ cho tôi 2 triệu đồng và tôi cứ thế làm nhưng phải ghi tên tuổi, địa chỉ của tôi vào trong đĩa đó thì mới bán được vì mọi người biết về tôi nhiều mà”, vừa nói Vừn vừa giơ chiếc máy tính bảng được ai đó cho rồi khoe với chúng tôi.
Loi 'tran tinh' viec “nhat vo”, ban con cua ga “nghe si duong pho“-Hinh-2
Ba con người họ, đi làm ở đâu cũng phải có nhau. 
Khi tôi hỏi về việc có nhiều người nói Vừn bán con, người đàn ông này vội vã xua tay: “Không bán con đâu, họ lên facebook nói linh tinh đấy, nó thấy mình giỏi nó nói xấu. Mấy đứa con bảo bán 1 triệu đồng, 20 triệu đồng thì tôi giầu rồi.
Tôi có mà giấy thông hành tôi bật loa lên thì tôi bán vé ở các trung tâm để làm xiếc thì giầu rồi nhưng tôi làm xiếc ở chợ, chỉ bán tăm sống qua ngày. Ai có lòng hảo tâm ủng hộ 1 - 2 gói tăm thôi, nhưng không phải bán con”, Vừn giải thích.
Vừn nói át đi mọi lời nói của người khác. Chị Hường (vợ) hay bé Dung (con gái) có ý định nói xen vào là Vừn lại gạt đi ngay.
Thấy Vừn cứ thao thao bất tuyệt, chị Hường lẳng lặng ngồi ra xa hơn. Tôi thấy chị dường như đang khóc.
Khi tôi lại gần hơn, chị chỉ nhỏ nhẹ: “Vừn cho con đi cũng lấy tiền về mua xe. Tôi có nhớ con. Vừn bán con rồi nên tôi không muốn đẻ nữa”, cứ thế chị nói cho tôi hay sự thật mà Vừn đang muốn giấu, mặc cho cách đó chừng 1m, Vừn tiếp tục nói xen vào như để che giấu, thanh minh cho việc làm của mình:
“Tôi không lấy cái gì, không bán con, nó quảng cáo lên facebook thôi, nó thấy giỏi nên đến chụp trộm ảnh tôi”.
Còn bé Dung chốc chốc lại chạy tới chỗ tôi để xem hết máy ảnh lại tới chùm chìa khóa. Mọi thứ với bé dường như rất lạ lẫm.
“Em không thích đi học. Em giận bố Vừn vì bán em của em đi. Em buồn và nhớ các em. Bố không đánh đâu, chỉ chửi em thôi”, bé Dung nói.
Khi tôi hỏi Dung có muốn mẹ sinh thêm em không, Dung cười lắc đầu: “Bố bán rồi còn đẻ gì nữa”.
Tôi quay sang Vừn, anh ta ngại ngùng: “Thỉnh thoảng tôi cũng lên bản Thung chơi. Còn 1 đứa không bán đâu, để đi làm việc. Bán con buồn lắm”.
Mặc dù suốt ngày say rồi "bán" con lấy tiền uống rượu nhưng ước mơ của con người cũng thật giản gị: “Tôi có thể làm được 40 môn xiếc. Mơ ước lớn nhất là khỏi chết đói...”, Vừn bỏ lửng ước mơ của mình ở đó rồi lấy dao, chiếc cốc biểu diễn xiếc cho chúng tôi xem, mặc mọi lời bàn tán về chuyện mình bán con, “nhặt vợ”.
Mời quý độc giả xem video Người đàn ông tuyển vợ kỳ lạ (nguồn VTC):
Theo Người Đưa Tin