Lừa 360 ngàn người, trùm đa cấp Nguyễn Khắc Đồi “đút túi” bao nhiêu?

Google News

(Kiến Thức) - Chỉ trong vòng 2 năm, trùm đa cấp Nguyễn Khắc Đồi cùng đồng phạm đã lôi kéo 361.086 thành viên tham gia đầu tư vào công ty Gold Time với số tiền hơn 844 tỷ đồng.

Trùm đa cấp Nguyễn Khắc Đồi lừa đảo 360 ngàn người
Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang thụ lý điều tra vụ án Nguyễn Khắc Đồi cùng đồng phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Liên quan vụ án này, Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố 8 bị can, bắt tạm giam 7 đối tượng về hành vi nêu trên.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, tháng 10/2018, bị can Đồi thành lập Công ty Cổ phần Tập đoàn Thời gian Vàng (gọi tắt là Công ty Gold Time), trụ sở đặt tại phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM. Người đại diện theo pháp luật là Nguyễn Khắc Đồi, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc.
Ngoài ra, các cổ đông sáng lập gồm Lâm Thanh Phong, Trương Hoàng Ngọc Diệp, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Bàn Văn Dũng (các cổ đông chỉ tham gia trên danh nghĩa, không có tiền góp vốn thực tế).
Lua 360 ngan nguoi, trum da cap Nguyen Khac Doi “dut tui” bao nhieu?
 Đối tượng Nguyễn Khắc Đồi.
Sau khi thành lập, Công ty Gold Time không tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh gì phát sinh lợi nhuận mà chỉ tiến hành huy động vốn bằng hình thức lôi kéo, kêu gọi các nhà đầu tư nộp tiền để trở thành thành viên và hưởng các quyền lợi mà công ty đưa ra.
Tiếp đó, nhà đầu tư sẽ tiếp tục lôi kéo, kêu gọi người khác tham gia để hưởng lợi nhuận từ “hoa hồng” và tiền thưởng, bán “cổ phiếu nội bộ” của công ty cho người tham gia (thực chất là lấy tiền người tham gia sau để trả thưởng và “hoa hồng” cho người tham gia trước).
Để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, Công ty Gold Time đã dùng các chiêu trò như liên tục ra thông báo chia cổ tức hàng tháng; liên tục đi làm từ thiện; liên tục tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị về tận các địa phương để huy động vốn; chia hoa hồng cao cho những người môi giới.
Đặc biệt, chi tiết chỉ huy động vốn không quá 3 triệu đồng/người. Đây là số tiền không quá lớn để cho người tham gia phải phân vân, cân nhắc. Bản thân bị can Nguyễn Khắc Đồi - Chủ tịch HĐQT Gold Time luôn khoe tập đoàn có số vốn điều lệ lên tới 10.000 tỷ đồng để các nhà đầu tư nhanh tay xuống tiền. Tuy nhiên, thực chất đến nay tập đoàn này mới chỉ có số vốn 20 tỷ đồng.
Với mô hình trên, chỉ tính từ tháng 10/2018 đến nay, đường dây này đã có 361.086 thành viên đăng ký với 640.575 gói đầu tư, trong đó chỉ có 281.450 gói đầu tư nộp tiền thật với tổng số tiền nộp hơn 844 tỷ đồng. Nhiều nhà đầu tư khác nộp tiền mua cổ phiếu nội bộ của công ty cũng đang được điều tra làm rõ.
Lua 360 ngan nguoi, trum da cap Nguyen Khac Doi “dut tui” bao nhieu?-Hinh-2
 Chiêu thức huy động vốn đầu tư theo mô hình đa cấp của Gold Time.
Tại cơ quan công an, bị can Nguyễn Khắc Đồi khai nhận đã lợi dụng danh nghĩa công ty để mua nhà, đất, xe ô tô, gửi tiết kiệm và các chi phí khác cho cá nhân (số tiền khoảng 200 tỷ đồng), đây đều là tiền của nhà đầu tư mua “phân quyền” và “cổ phiếu nội bộ”.
Mức phạt cao nhất lên đến 20 năm tù
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, hoạt động kinh doanh trên không gian mạng được thúc đẩy và mang lại nhiều hiệu quả. Bên cạnh những mặt tích cực có thể nhìn thấy thì những hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng cũng ngày càng gia tăng, thậm chí phát triển theo cấp số nhân. Một đặc điểm của tội phạm sử dụng mạng internet, mạng viễn thông là số tiền chiếm đoạt lên đến hàng trăm, ngàn tỷ và số người bị hại cũng có thể lên đến hàng ngàn người.
Luật sư Cường cho rằng, chủ yếu các hoạt động lừa đảo trên mạng internet là đánh vào lòng tham của người bị hại và có thể còn là những sự nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết của người dân đối với hoạt động kinh doanh trên mạng internet. Các đối tượng đã sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau để chiếm đoạt tài sản trong đó có hình thức biến tướng của hoạt động kinh doanh đa cấp.
Bản chất của hoạt động kinh doanh đa cấp là tốt tuy nhiên hoạt động này rất dễ nảy sinh các hành vi lừa đảo. Vì thế, pháp luật quy định rất chặt chẽ về trình tự thủ tục thành lập cũng như tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp. Việc bán hàng là phải có hàng thật, chất lượng thật, nhà nước quản lý giá. Còn mọi hoạt động lấy tiền của người sau chia cho người trước mà không phụ thuộc vào sản phẩm hoặc sản phẩm hàng hóa được thổi phồng giá tăng lên rất nhiều lần thì đó là các hoạt động lừa đảo, sớm muộn cũng sẽ bị vỡ, đối tượng cầm đầu sẽ bỏ trốn...
“Nhiều người trẻ, những người thất nghiệp, người lao động và những người muốn làm giàu một cách nhanh chóng thì rất dễ bị cuốn vào vòng xoáy các hoạt động đa cấp biến tướng rồi trở thành các đối tượng lừa đảo hoặc trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo trên mạng internet. Bởi vậy những vụ việc như thế này bị cơ quan điều tra khởi tố, điều tra đối với các đối tượng cầm đầu là không có gì lạ” - luật sư Cường nêu ý kiến.
Liên quan việc bị can Nguyễn Khắc Đồi và 7 bị can bị khởi tố, bắt giam về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, luật sư Cường cho rằng, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục mở rộng điều tra vụ án làm rõ hành vi của các đối tượng, làm rõ phương thức thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản, số tiền chiếm đoạt, số nạn nhân, đường đi của dòng tiền để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo quy định tại điều 290 bộ luật hình sự năm 2015, tội sử dụng mạng viễn thông, thương phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản có mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù.
Lua 360 ngan nguoi, trum da cap Nguyen Khac Doi “dut tui” bao nhieu?-Hinh-3
Luật sư Đặng Văn Cường. 
Luật sư Cường cho rằng, cơ quan điều tra sẽ thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh các đối tượng đã sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để thực hiện các hành vi được mô tả tại khoản 1, điều 290 Bộ luật hình sự năm 2015 nêu trên.
Trường hợp có căn cứ cho thấy các đối tượng đã sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1, điều 290 bộ luật hình sự và số tiền chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên thì các đối tượng phạm tội sẽ phải đối mặt với mức hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù theo quy định tại khoản 4 của điều luật này. Ngoài ra đối tượng phạm tội còn bị phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng, Bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Những tài sản do phạm tội mà có thì sẽ bị thu hồi để trả lại cho người bị hại.
Tuy nhiên, trong những vụ án như thế này, các đối tượng thường tẩu tán tài sản và thường lấy tài sản của người này chia cho người khác bởi vậy cơ hội lấy lại tài sản của những người bị hại là không cao. Vụ việc như thế này cũng sẽ là bài học cho những người bị hại dạ dạ cả tin hoặc thiếu hiểu biết pháp luật, dễ này lòng tham khi muốn giàu nhanh mà không cần phải làm gì hoặc không cần phải trình độ tương xứng. Những vụ án như thế này cũng cho thấy trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc quản lý kinh doanh.
Bởi vậy, khi giải quyết những vụ án hình sự như thế này cần xem xét trách nhiệm trong công tác quản lý của tổ chức, cơ quan có liên quan, nếu sai phạm đến mức kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự thì cần áp dụng các chế tài để đảm bảo hoạt động quản lý kinh tế, xã hội được diễn ra một cách minh bạch, hiệu quả, tránh những thiệt hại, gây hệ lụy lớn cho xã hội như thế này.

Để phục vụ yêu cầu điều tra, xử lý tội phạm và đảm bảo quyền lợi cho các bị hại đã bị Công ty Gold Time chiếm đoạt tiền khi mua "phân quyền" và "cổ phiếu nội bộ" của Công ty, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an thông tin để cá nhân, tổ chức là bị hại trong vụ việc nêu trên biết, liên hệ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (địa chỉ liên hệ: Phòng 5, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, số 47, Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội) để được hỗ trợ, giải quyết theo quy định của pháp luật.

>>> Mời độc giả xem thêm video Goldtime lừa đảo, chiếm đoạt tài sản
 

Nguồn: VTV1

Hải Ninh