“Cháu mới chuyển về đây ở tầng 3, cô báo cho cháu là chủ trước của cái nhà này có nhờ để thùng nước trên mái nhà cô. Nói thật với cháu là để thế này cũng ảnh hưởng đến nhà cô lắm, nhỡ rò rỉ gì thì nhà cô “lãnh” đủ!”, bà ta thở dài, ngọt nhạt với tôi.
Tôi chưa hiểu mô tê gì, ậm ừ cho qua thì được người bán nhà này căn dặn, thi thoảng phải có tí quà động viên bà đó, kiểu gì cũng phải nhờ vả... cái trần nhà bà ấy một chút. Đó là còn cho để thùng đấy, chứ bà ấy mà đùng đùng không cho để, chúng mày phải mang cả cái thùng nước vào nhà mà để nhớ! À, hóa ra là vậy, mặc dù cái trần nhà của cả tòa nhà là trần chung, nhưng cứ đến khu vực của nhà nào ở tầng trên cùng thì mặc nhiên thuộc sở hữu của nhà đó.
|
Ảnh minh họa. |
Cả cái khu tập thể này, tôi thấy thùng inox lắp đầy trên trần nhưng chả hiểu sao mỗi nhà tôi là được bà ta “quan tâm” như thế, tôi nghĩ mãi không ra! Thế nhưng “nhập gia tùy tục”, chúng tôi vẫn vui vẻ qua lại với bà ấy, dịp lễ, Tết đều có biếu quà, ít tiền mặt gọi là vui vẻ đôi bên.
Thế nên thấy chúng tôi và lũ trẻ con nhà tôi từ xa là bà ta tay bắt mặt mừng, ra chiều thân quen lắm. Tôi tặc lưỡi, thôi thì lấy vui làm trọng, thà thiệt một chút mà sống thoải mái, còn hơn là nhìn nhau bằng sự hằn học. Vì cái hòa khí này mà chúng tôi hoàn toàn vui vẻ, thoải mái với “chủ nợ” bất đắc dĩ của mình.
Mọi việc không có gì đáng nói, cho đến một hôm, tôi đang nấu cơm thì thấy bà ta xuống bấm chuông cửa, hỏi han râm ran từ ngoài cửa. Tôi mời bà vào nhà uống nước, trong đầu nghĩ bụng chắc có vấn đề gì đó với cái thùng nước của tôi – mối liên hệ duy nhất của nhà tôi với nhà bà ấy. “Thế này cháu ạ, mấy nay mưa quá, nhà cô bị thấm dột lung tung. Mà cô nghi là một phần do thùng nước nhà cháu, có thể bị rò rỉ đâu đó(?). Hôm rồi tường bị lở, cô đã gọi thợ đến sơn bả lại cho đỡ dột. Chi phí hết 3 triệu đồng. Thôi thì cô nhờ các cháu hỗ trợ cô... 1 triệu coi như bù chi phí để thùng!”, bà nói một thôi một hồi.
Tôi im lặng mất cả phút, chỉ để nghĩ, mà nghĩ mãi cũng không ra là nhà bà ấy bị thấm dột thì có liên quan gì đến cái thùng nước nguyên xi của tôi ở trên mái nhà. Giả sử cái thùng có bị rò nước thì chắc nhà tôi đã... há miệng chờ nước chảy xuống vòi từ mấy hôm này rồi. Đúng là cũng hơi quá, được voi đòi tiên thật! Tôi nghĩ cũng hơi bực, nhưng cuối cùng, tôi vẫn đưa tiền cho bà ấy.
Phải, cái tôi muốn là giữ hòa khí trong khu phố, không vì tiền mà tự dưng gia đình tôi trở thành chủ đề bàn tán của nhiều người (trong trường hợp tôi không đưa bà ta tiền). Cũng không sao cả, bà ta có thể đo đếm quan hệ láng giềng bằng tiền nhưng tôi thì không. Thế nhưng, vẫn không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến những láng giềng như bà ta, rồi lại tặc lưỡi: Ôi, cuộc đời!
Theo Phúc Nguyên/PNVN