Luật sư đề nghị HĐXX áp 10 tình tiết giảm nhẹ BLHS cho ông Phạm Nhật Vũ là gì?

Google News

(Kiến Thức) - Ông Phạm Nhật Vũ chủ động xin huỷ hợp đồng chuyển nhượng, trả lại hết tiền đã nhận và nhận lại hết cổ phần, trả thêm toàn bộ tiền lãi suất, chi phí thuê tư vấn... nên cần được áp dụng 10 tình tiết giảm nhẹ theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, trình bày quan điểm bào chữa cho bị cáo Phạm Nhật Vũ, phạm tội đưa hối lộ và bị Viện kiểm sát đề nghị 3 đến 4 năm tù, Luật sư Trần Hoàng Anh cho rằng, ông Phạm Nhật Vũ hoàn toàn đáp ứng và cần được áp dụng 10 tình tiết giảm nhẹ theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Cụ thể, theo trình bày của luật sư Trần Hoàng Anh, ngay khi dư luận dị nghị về việc giá mua bán cao, làm thất thoát tài sản Nhà nước, mặc dù chưa cơ quan Nhà nước nào xác định ông Phạm Nhật Vũ có sai phạm gì, cũng không yêu cầu ông Vũ khắc phục gì, chưa khởi tố vụ án…Tuy nhiên, ông Phạm Nhật Vũ đã thu gom hết tiền gia đình, vay mượn thêm, chủ động đề xuất xin huỷ hợp đồng chuyển nhượng, trả lại hết tiền đã nhận và nhận lại hết cổ phần.
Thậm chí, để đảm bảo Nhà nước không bị bất cứ thiệt hại, tổn thất gì, ông Phạm Nhật Vũ đã trả thêm toàn bộ tiền lãi suất, chi phí thuê tư vấn và tất cả các chi phí phát sinh khác mà MobiFone đã chi phí cho việc mua bán với số tiền lên đến hơn 329 tỷ đồng; mua lại số thiết bị, vật tư tồn kho của MobiFone với chi phí khoảng 120 tỷ đồng…”.
Luat su de nghi HDXX ap 10 tinh tiet giam nhe BLHS cho ong Pham Nhat Vu la gi?
Các bị cáo tại phiên tòa. 
Ngoài ra, bị cáo Phạm Nhật Vũ đã suy nghĩ phải có trách nhiệm với đất nước, chính vì thế bị cáo đã từ nước ngoài về Việt Nam đầu thú để nhanh chóng làm sáng tỏ vụ án.
Trong hơn 20 năm qua, bị cáo Phạm Nhật Vũ đã hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng, xây dựng hàng trăm công trình, hỗ trợ gia đình thương binh liệt sỹ, trợ giúp hàng vạn người ở vùng bão lũ khó khăn. Hơn nữa, bị cáo Phạm Nhật Vũ còn có đóng góp lớn vào công tác đối ngoại, kết nối kiều bào ở nước ngoài, thu hút nhiều vốn đầu tư từ nước ngoài về Việt Nam.
Minh chứng rõ ràng nhất hiện đã có 1.731 cá nhân ký tên, đơn xin khoan hồng, giảm nhẹ tội cho bị cáo Vũ được gửi đến Viện Kiểm sát bởi các cá nhân có uy tín, có sức ảnh hưởng lớn cả trong và ngoài nước; hơn 300 tổ chức xã hội ở nhiều lĩnh vực đã xác nhận, xin bảo lãnh, xin khoan hồng cho ông Vũ.
Trước đó, tại phiên xử chiều 21/12, khi bào chữa cho bị cáo Trương Minh Tuấn, luật sư Vũ Xuân Nam nêu quan điểm, cho dù ông Tuấn và bị cáo Nguyễn Đăng Nguyên (cựu Phó Tổng Giám đốc MobiFone) có nỗ lực bao nhiêu trong việc hủy hợp đồng cũng không bằng sự chủ động khắc phục của ông Phạm Nhật Vũ - cựu Chủ tịch HĐTV AVG.
“Giả sử ông Vũ và gia đình không khắc phục thì ông nghĩ mức án đề nghị của các bị cáo trong phiên tòa này sẽ không như thế này mà khả năng sẽ nặng hơn nhiều. Cá nhân tôi cảm ơn ông Vũ vì nếu ông Vũ và gia đình không tự nguyện và cố gắng trả lại tiền thì ngồi ở đây không phải chỉ có từng này người và mức án cũng không thể như VKS đề xuất. VKS cũng ghi nhận hết rồi và tôi nghĩ rằng những người ở đây cũng phải ghi nhận việc này” - luật sư Vũ Xuân Nam nói.
Trong phần luận tội, Viện KSND TP Hà Nội cho rằng, bị cáo Phạm Nhật Vũ mặc dù không phải chịu trách nhiệm chính về các hậu quả thiệt hại của MobiFone do hành vi phạm tội vi phạm về đầu tư công của Nguyễn Bắc Son và đồng phạm gây ra nhưng trước khi khởi tố vụ án, ông Vũ đã chủ động, tích cực khắc phục toàn bộ số tiền thiệt hại cho MobiFone.
Đồng thời, Phạm Nhật Vũ đã tích cực phối hợp cung cấp tài liệu để cơ quan điều tra làm rõ hành vi của các bị can vi phạm về đầu tư công, cũng như hậu quả của vụ án. Do đó, không xử lý trách nhiệm của Phạm Nhật Vũ về hành vi này.
Trong quá trình điều tra vụ án đưa và nhận hối lộ, Phạm Nhật Vũ đã có đơn tự nguyện khai báo và đầu thú về hành vi phạm tội, nhận thức rõ và ăn năn hối lỗi về hành vi phạm tội; tích cực khai báo và hợp tác với Cơ quan điều tra, Viện KSND Tối cao để làm rõ hành vi phạm tội của các bị can nhận hối lộ, giúp cho cơ quan tố tụng sớm kết thúc điều tra vụ án.
Ngoài ra, bị can Phạm Nhật Vũ có nhiều hoạt động từ thiện và đóng góp cho hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngày 29/6/2019, Hội đồng Chứng minh và Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có đơn ghi nhận ông Phạm Nhật Vũ đã có nhiều đóng góp cho an sinh xã hội, trùng tu di tích lịch sử văn hóa… và lĩnh vực giao lưu mở rộng quan hệ Quốc tế của Giáo hội. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội và các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Cao Bằng có đơn đề nghị xem xét cho Phạm Nhật Vũ được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.
Với những tình tiết giảm nhẹ đáng kể như trên, Viện Kiểm sát xác định, cần áp dụng đầy đủ, triệt để các quy định tại Điều 3, khoản 1, điểm d – Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về nguyên tắc xử lý “khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn, hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra”.
Đồng thời, cần áp dụng Điều 51, khoản 1, 2 (về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự) và các quy định khác của Bộ luật Hình sự năm 2015 để xem xét quyết định mức hình phạt tương xứng với những tình tiết giảm nhẹ nêu trên của bị can Phạm Nhật Vũ.
>>> Mời độc giả xem thêm video ông Nguyễn Bắc Son bị đề nghị án tử hình:

Nguồn VTC Now.

Điều 51 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;
e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;
g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
k) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;
l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;
m) Phạm tội do lạc hậu;
n) Người phạm tội là phụ nữ có thai;
o) Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;
p) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
q) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
r) Người phạm tội tự thú;
s) Người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải;
t) Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện hoặc điều tra tội phạm;
u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;
x) Người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ, người có công với cách mạng.
2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.
Tâm Đức