Trong một phiên tòa xét xử vụ án Hoa hậu Phương Nga diễn ra vào ngày 27/6, cựu hoa hậu người Việt tại Nga Trương Hồ Phương Nga khai rằng, đại gia Cao Toàn Mỹ từng nhắn cho cô nhiều lần: “tôi sẽ làm cho cô không lấy được ai, không nhìn mặt được ai, sẽ làm cho cô như Mỹ Xuân…”. Mặc dù “câu chuyện tình - tiền Phương Nga - Toàn Mỹ” này chưa đi đến hồi kết nhưng “nội tình” giữa hai người đang dần hé lộ bộ mặt thật. Thực tế thì hiện tượng “không ăn được thì đạp đổ” không hiếm mà nó khá phổ biến trong tâm lý của không ít đàn ông.
Tâm lý không ăn được thì đạp đổ ở đàn ông không chỉ xuất hiện ở trong các mối quan hệ tình ái ngoài luồng mà ngay cả trong tình yêu đôi lứa, thậm chí là cả trong mối quan hệ vợ chồng.
|
Vụ án tình tiền đại gia - hoa hậu được dư luận đặc biệt quan tâm hiện nay. Ảnh internet |
Bằng chứng là từ trước đến nay, không ít người chồng đã bạo hành, thuê người tạt a xít, thậm chí là …giết chết vợ vì lý do: người vợ ly hôn hoặc quyết tâm ly hôn. Đây cũng là một hình thái của tâm lý “không ăn được thì đạp đổ” ở đàn ông. Trong khi các ông chồng thường có tâm lý đó thì ngược lại điều này ít diễn ra ở nữ giới.
Theo các chuyên gia tâm lý, tính sở hữu ở đàn ông rất mạnh. Đó là lý do khiến cho họ không thể chấp nhận nổi việc “người phụ nữ của mình” rời bỏ mình. Tâm lý khó chấp nhận này ở đàn ông là một sự thật. Tuy nhiên, khi rơi vào hoàn cảnh đó, mỗi người đàn ông sẽ có cách hành xử khác nhau tùy vào nhận thức và nhân cách của họ.
Khi người đàn ông quyết tâm “đạp đổ” người phụ nữ của anh ta như cách mà đại gia Cao Toàn Mỹ đã làm với hoa hậu Phương Nga, chính là cách anh ta thể hiện bản năng sở hữu này. Mà bản năng sở hữu, bản năng chiếm hữu là do xuất phát từ lòng tham, từ sự ích kỷ. Vì tham nên họ chỉ nghĩ đến lợi ích của mình. Muốn mà không được nên nổi cơn thịnh nộ nuôi ý nghĩ trả thù. Từ "tham" dẫn đến "sân". Và từ "sân" dẫn đến những hành vi sai lầm (hành vi mê mờ nhà Phật gọi là Si) là những quy luật tâm lý tất yếu.
Theo các chuyên gia tâm lý, ngay cả khi người đàn ông có tình yêu thực sự thì việc chia tay cũng khiến họ dễ rơi vào trạng thái bất ổn về mặt tâm lý: buồn bã, hụt hẫng, khó cân bằng lại cuộc sống khi mà hình bóng về “người cũ” vẫn luôn hiện hữu. Có những người chấp nhận từ bỏ, có những người dù hết yêu nhưng vẫn còn tâm lý thù hận đè nặng. Họ tìm mọi cách để “ níu kéo”, “ vớt vát” yêu thương từ kẻ kia dù điều đó chẳng thể xảy ra.
Chuyên gia, TS Đinh Đoàn trong một chương trình tư vấn tâm lý trên tổng đài đã chia sẻ: “Nhiều chàng trai hiện nay có tâm lý thấy người bạn gái cũ có người mới hay có tâm lý thù hận, phá đám. Người con trai hay có các hành động như kiên quyết bao vây để không có chàng trai nào có thể đến với cô gái kia, thực ra là do tâm lý “chiếm hữu” tồn tại bên trong mỗi người chứ không phải vì còn tình yêu với bạn nữ kia.
Còn đối với các bạn nữ thường có tâm lý luỵ tình, khóc lóc; nhiều bạn còn níu kéo người yêu quay lại bằng cách doạ chết, doạ tự tử để lấy lại chút tình thương từ phía chàng trai. Điều đó là không nên một chút nào, việc tự huỷ hoại sức khoẻ, tính mạng của bản thân là điều không đáng. Cái chết của bạn chỉ nhận được những lời dè bỉu, bàn ra tán vào của xã hội, điều đó sẽ khiến cho nỗi đau của gia đình bạn ngày một nhiều lên mà thôi.
Trong mỗi cuộc chia tay luôn có những lý do của nó, để có thể giữ được một thái độ cao thượng khi hết yêu không đơn giản chút nào, cần nhất những ứng xử văn hóa, đòi hỏi một bản lĩnh và sự cao thượng, cũng như sự điềm tĩnh mà các bạn trẻ rất cần trang bị cho mình.
Theo Ngân Khánh/ Giadinh.net.vn