Lùm xùm tại dự án BT của Bitexco ở Hà Nội: Phải chăng có lợi ích nhóm?

Google News

(Kiến Thức) - Đối với dự án BT của Bitexco, thành phố Hà Nội lại không có các chế tài, không có các biên pháp kiên quyết, ngược lại lại ưu ái doanh nghiệp bằng việc kéo dài thời gian dự án, phải chăng có lợi ích nhóm?

Phải chăng có lợi ích nhóm?
Xung quanh câu chuyện lùm xùm tại dự án BT của Bitexco tại tuyến đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An (Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội), mà cụ thể là đường thì mãi chưa xong, trong khi phần đất đối ứng 90ha được đánh giá là có vị trí vàng, chủ đầu tư đã xây dựng thần tốc và rao bán.
Thay vì xử phạt, Bitexco lại tiếp tuc được “nới” tiến độ thực hiện dự án BT, trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng có nhiều dấu hiệu lợi ích nhóm ở đây.
Lum xum tai du an BT cua Bitexco o Ha Noi: Phai chang co loi ich nhom?
 Dự án BT gây lùm xùm của Bitexco.
Luật sư Bình nói: Hợp đồng BT ( Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao ) được hiểu là hợp đồng được ký giữa Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho Nhà nước Việt Nam; Chính phủ tạo điều kiện cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án khác để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hoặc thanh toán cho Nhà đầu tư theo thỏa thuận trong Hợp đồng BT.
Tuy nhiên, tại Nghị định 63 năm 2018 của Chính phủ đã khái niệm rõ hơn về loại hợp đồng này theo đó đây là loại hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án (nếu có) để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng hoặc quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ để thực hiện Dự án khác.
Lum xum tai du an BT cua Bitexco o Ha Noi: Phai chang co loi ich nhom?-Hinh-2
 Luật sư Diệp Năng Bình.
Hình thức BT đã được triển khai từ khá lâu và thực tế cho thấy, hàng loạt dự án, công trình kết cấu hạ tầng giao thông, kinh tế, xã hội đã phát huy hiệu quả, làm thay đổi bộ mặt của nhiều địa phương, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, thu hút đầu tư, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Với quy định giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư được thực hiện cùng lúc, có thể thấy các chủ đầu tư đã dựa vào quy định ưu đãi này của pháp luật mà không thực hiện các dự án đúng theo tiến độ đã cam kết.
Thay vào đó, lại chủ yếu đầu tư vào các dự án đã được nhận đất, dẫn đến gây ra rất nhiều bức xúc cho người dân thời gian qua với nghi vấn về sự ưu ái, lợi ích nhớm, về sự thất thoát tài sản của Nhà nước và nhân dân… đối với các dự án BT này, mà các Đại biểu Quốc hội cũng như báo đài liên tục phản ánh.
Muốn khẳng định doanh nghiệp này có vi phạm như thế nào thì chúng ta cần phải xem các thỏa thuận tại hợp đồng BT này. Tuy nhiên, qua những thông tin phản ánh về lùm xùm tại dự án BT của Bitexco, chúng ta có thể thấy nhà đầu tư đã vi phạm về thời hạn hợp đồng của dự án. Nếu quá thời hạn mà nhà đầu tư chưa bàn giao dự án, công trình thì sẽ bị phạt theo hợp đồng đã được ký kết hoặc với việc vi phạm về thời hạn này có đầy đủ cơ sở pháp lý để chấm dứt hợp đồng với chủ đầu tư này thì Nhà nước cần thu hồi lại các quyết định giao đất, cho thuê đất trước đây.
Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải mạnh tay với các chủ đầu tư ký hợp đồng xong nhận đất cho dự án khác mà không chịu thực hiện hợp đồng.
Lum xum tai du an BT cua Bitexco o Ha Noi: Phai chang co loi ich nhom?-Hinh-3
Tuyến đường Nguyễn Xiển - Xa La vẫn chưa thể hoàn thành kể từ lúc Bitexco được giao dự án từ năm 2014. Trong khi phần đất đối ứng 90 ha để thực hiện siêu dự án The Manor Center Park thì đang được rao bán. Mặt khác, UBND tp Hà Nội tiếp tục gia hạn thời gian thực hiện dự án này, khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn. 
"Có thể thu hồi giấy phép”
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, giám đốc Công ty Luật Đại Nam, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội thì cho rằng: “Với trường hợp dự án BT của Bitexco, chúng ta cần nhìn nhận, nghĩa vụ của UBND TP. Hà Nội đã hoàn thành nghĩa vụ là giao cho đối tác một diện tích đất, Bitexco đã khai thác và đưa vào sử dụng triệt để nó rồi. Tuy nhiên việc Bitexco phải thực hiện nghĩa vụ đối với thành phố Hà Nội thì chưa hoàn thành. Ở đây, chúng ta cần nhìn nhận có 2 vấn đề:
Thứ nhất chính là trách nhiệm quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước khi đã để xảy ra tình trạng như thế này.
Thứ hai, đây là quan hệ dân sự, trong hợp đồng bao giờ cũng có điều khoản rất rõ và phải tôn trọng thời hạn hợp đồng. Liệu các cơ quan quản lý của Hà Nội đã tôn trọng việc đó chưa? Tôi cho rằng nếu cơ quan quản lý Hà Nội thực hiên nghiêm túc, thì các doanh nghiệp sẽ không dám để chậm trễ như thế nữa.
Lum xum tai du an BT cua Bitexco o Ha Noi: Phai chang co loi ich nhom?-Hinh-4
 Luật sư Nguyễn Anh Tuấn.
Bản thân cá nhân tôi cũng đặt câu hỏi rằng, phải chăng có việc cùng lợi ích với nhau, tìm mọi cách để tạo điều kiện thuận lợi cho nhau? Việc này không những gây tổn thất cho thành phố Hà Nội nói chung và người dân nói riêng. Việc chậm trễ kéo dài này gây thiệt hại rất lớn cho xã hội. Trách nhiệm của UBND TP Hà Nội là rất cao trong vấn đề này, bởi vì chúng ta là cơ quan quản lý Nhà nước, trong việc doanh nghiệp thực hiện không đúng, còn có thể thu hồi cả giấy phép”, luật sư Tuấn cho biết.
Thay vì việc phạt Bitexco vì không hoàn thành tiến độ dự án, mà ngược lại thành phố Hà Nội lại tiếp tục gia hạn thời gian thực hiện dự án BT này, liệu có điều gì bất thường hay không? Theo ông Tuấn, dấu hiệu này thể hiện sự bất thường trong quản lý.
“Doanh nghiệp kết hợp với chính quyền, tại sao doanh nghiệp lại có được chế độ ưu ái như vậy, trong khi đáng lẽ anh (Bitexco-PV) sẽ bị xử phạt? và những người tạo ra cái sự ưu ái cho doanh nghiệp đó, họ có vô tư hay không?
Đơn giản nhất là trong 1 thỏa thuận, thì anh phải thực hiện nghĩa vụ của anh khi anh nhận được quyền của anh, tôi cho rằng TP Hà Nội giao đất cho doanh nghiệp tức họ đã thực hiện xong nghĩa vụ, lập tức Bitexco phải thực hiện nghĩa vụ của mình đối với Hà Nội, việc chậm trễ nghĩa vụ này là đã xâm hại đến quyền lợi của Hà Nội. Nhưng thành phố ưu ái doanh nghiệp, dẫn tới người dân đặt câu hỏi: có dấu hiệu của việc lợi ích nhóm hay không?”, luật sư Nguyễn Anh Tuấn nói.
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin.
Minh Huy