Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng chia sẻ với PV Tiền Phong sau hàng loạt vụ việc “bổ nhiệm thần tốc”, quan chức vi phạm trong kê khai tài sản, cán bộ lãnh đạo nhiều tập đoàn nhà nước bị truy tố; cải cách bộ máy, biên chế diễn ra chậm.
|
Mỗi năm cả nước phải giảm 70.000 người trong biên chế, nhưng thực tế sau hai năm thực hiện tăng lên 96.000. Ảnh: PV. |
Bám nhà nước để tạo dựng mối quan hệ
- Câu hỏi luôn được đặt ra là, lương thấp như vậy, tại sao người ta không bỏ nhà nước, ra ngoài kiếm tiền?
Thực tế có tình trạng “bám” nhà nước, coi như “bình sữa” để bảo hiểm, tâm lý trông chờ vào ngân sách Nhà nước còn phổ biến, vào làm ở nhà nước để tạo dựng những mối quan hệ xã hội để đi làm ăn. Trước thu nhập đồng lương không đủ trang trải chi phí ăn ở, điện nước, khám chữa bệnh, học hành…người cán bộ công chức phải oằn mình, phải kiếm sống, sẽ có bộ phận bỏ bê công việc nhà nước. Tuy nhiên, lý do này cũng chỉ một phần, theo tôi đó là trách nhiệm công vụ của công chức, viên chức, rất đáng lo ngại. Thử hỏi có bao nhiêu người làm đúng hết “8 giờ vàng ngọc” mỗi ngày? Tình trạng “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” là một thực tế không nhỏ.
Chúng ta có thể khuyến khích cán bộ, công chức viên chức lao động chân chính nâng cao thu nhập, nhưng giữa trách nhiệm công vụ và trách nhiệm kiếm sống, làm giàu phải phân biệt rạch ròi. Thế nhưng, trách nhiệm công vụ chưa rõ, dẫn đến tình trạng bỏ bê công việc đi kiếm sống bên ngoài như dư luận phản ánh. Lương thấp khó sống tại sao con cái họ vẫn đi học tự túc ở nước ngoài, tại sao đều có biệt thự, xe hơi?
- Thực tế trên nói lên điều gì, thưa ông?
“Không chỉ lương cán bộ công chức bình thường, ngay cả lương của cán bộ lãnh đạo cũng khó sống. Thế nhưng, tại sao con cái họ vẫn đi học tự túc ở nước ngoài, tại sao đều có biệt thự, xe hơi? Rõ ràng có chuyện người ta đang sống bằng các nguồn thu nhập không chính thức, không công khai”.
Rõ ràng có chuyện người ta đang sống bằng các nguồn thu nhập không chính thức, không công khai, nhưng đó có phải tham nhũng không? Cử tri phản ánh bây giờ làm quản lý chỉ cần ký phê duyệt cho một dự án nào đó thôi, thế là luật bất thành văn, người ta đến cảm ơn, lại quả, rồi quà cáp… như thế họ đã có một khoản thu nhập lớn rồi.
Đó là “hoa hồng” hay đó là biểu hiện của tham nhũng? Hay một dạng khác, anh theo dõi quản lý từ 50 – 100 đầu mối sản xuất kinh doanh, các đơn vị đó đều đến chúc mừng anh nhân dịp sinh nhật, năm mới, ngày lễ… Một năm thu nhập không chính thức đó là bao nhiêu? Đó là một hiện tượng xã hội phổ biến, hay đặc thù? Rõ ràng có điều gì đó bất bình thường.
Tất nhiên, khi người ta biếu nhau gói chè, cân gạo theo kiểu uống nước nhớ nguồn lại khác. Thế nhưng bây giờ người ta không cảm ơn như vậy, dù báo chí và dư luận phản ánh, phê phán nhiều, nhưng những biến tướng từ truyền thống tốt đẹp của chúng ta vẫn chưa dẹp được.
- Là một đại biểu Quốc hội phụ trách lĩnh vực tài chính ngân sách, cử tri và người dân phản ánh với ông như thế nào về thực tế đã và đang xảy ra?
Theo tôi, vừa qua báo chí đã góp phần tích cực phản ánh những tiêu cực, hạn chế trong quản lý tài sản và ngân sách Nhà nước, nhiều vụ việc đã được đưa ra xét xử. Hàng năm, Kiểm toán Nhà nước báo cáo phát hiện sai phạm hàng ngàn tỷ đồng tại các địa phương, bộ ngành, đơn vị sử dụng và quản lý tiền và tài sản nhà nước. Điều này khiến các cử tri và đại biểu Quốc hội vô cùng bức xúc.
Tại sao khi kiểm toán các đơn vị đó thì phần lớn lại sai phạm? Có phải chúng ta đang thiếu các chế tài, các nội dung văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh? Hoặc giả cán bộ của chúng ta non kém về chuyên môn nghiệp vụ dẫn đến sai phạm?… Tất cả cũng có một phần nguyên nhân nêu trên, nhưng còn lại phần không nhỏ chính là biểu hiện của thoái hóa, của tham nhũng dẫn tới sai phạm.
Ở đây tôi muốn nói tới một thực tế đáng buồn khác là cơ chế trả lương của chúng ta thiếu thống nhất, không khoa học nên có rất nhiều bất bình đẳng, hàng chục lĩnh vực, ngành ngành, nghề nghề, đều đề xuất những cơ chế đặc thù để hưởng phụ cấp, để cải thiện trong bối cảnh lương thấp như hiện nay. Xin được cơ chế đặc thù là may mắn, là có thêm thu nhập. Bây giờ để đảm bảo công bằng, cần bỏ hết cơ chế đặc thù đi, đưa vào tính đúng tính đủ lương cho tất cả mọi người.
|
Ông Bùi Đặng Dũng. |
Tìm mọi kẽ hở trục lợi ngân sách
- Ông có thể cho biết kế hoạch giám sát liên quan đến ngân sách sẽ được thực hiện trong năm nay thế nào?
Vào tháng 5/2018, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ phê chuẩn Quyết toán ngân sách Nhà nước 2016. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, Ủy ban Tài chính – Ngân sách phải tổ chức các đoàn giám sát làm việc với các bộ ngành và địa phương về quyết toán ngân sách nhà nước. Đến tháng 5/2018, Quốc hội sẽ nghe báo cáo, rồi thẩm tra để thông qua quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016. Đây cũng là năm cuối cùng thực hiện quyết toán theo Luật Ngân sách cũ, sang năm 2017 sẽ thực hiện quyết toán ngân sách Nhà nước theo Luật Ngân sách mới.
Lần quyết toán ngân sách tới đây, thực hiện Nghị quyết số 37/2017/QH14 ngày 19/6/2017 của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015 đã nêu rõ, giao Chính phủ kiểm điểm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý điều hành ngân sách Nhà nước, báo cáo cụ thể với QH khi trình báo cáo Quyết toán ngân sách Nhà nước 2016 về danh sách, mức độ xử lý sai phạm trong quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước trong 2 năm 2014-2015.
Hiến pháp đã quy định rõ, tất cả mọi khoản thu chi ngân sách nhà nước đều phải được dự toán theo luật định, nếu không sẽ là sai phạm.
- Qua thực tế giám sát, ông thấy những bất cập gì trong việc thu chi ngân sách nhà nước từ các bộ, ngành, địa phương?
Khi đi giám sát quyết toán ngân sách Nhà nước bao giờ cũng phải chú ý ba điểm: Vấn đề hợp pháp của số liệu quyết toán; tuân thủ pháp luật của nhà nước trong quản lý và sử dụng ngân sách Nhà nước; tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý sử dụng ngân sách Nhà nước. Khi tiếp cận tài liệu phục vụ giám sát từ các bộ ngành, địa phương thì thấy con số đẹp lắm, lung linh lắm. Đoàn giám sát có nhiều phương pháp, kỹ năng để phát hiện vấn đề trong đó có báo cáo kiểm toán. Đây là căn cứ rất quan trọng để phân tích, so sánh, đánh giá đối chiếu.
Bên cạnh điều mừng là công tác quản lý thu chi của chúng ta nói chung có nhiều tiến bộ, khoa học hơn, chặt chẽ hơn, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quy mô ngân sách năm sau cao hơn năm trước, nhưng lại có cái lo là vẫn còn nhiều sai phạm, lãng phí, thất thoát, bội chi ngân sách năm sau cũng cao hơn năm trước, thất thoát, lãng phí đến sai phạm trong quản lý thu chi ngân sách chưa được chặn đứng.
Nguyên nhân có phải tại luật không? Cõ lẽ là không. Tại sao vẫn còn nhiều sai phạm vậy? Có tình trạng cố tình làm sai trong quản lý và sử dụng ngân sách không? Cử tri và dư luận cho rằng, có một bộ phận cán bộ đang trực tiếp quản lý sử dụng tiền ngân sách nhà nước tìm mọi kẽ hở để trục lợi. Do vậy, phải tăng cường kiểm toán, giám sát, thanh tra mới góp phần ngăn chặn thực trạng này.
- Ngoài trục lợi ngân sách, nhiều người lo ngại trước tình trạng chi thường xuyên quá lớn hiện nay. Phải chăng tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả bộ máy, tiết kiệm chi thường xuyên cũng là vấn đề cấp bách hiện nay?
Đúng vậy, hiện nay chúng ta đang nghiên cứu quán triệt và thực hiện nghị quyết T.Ư 6 khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả”. Theo tôi bây giờ triển khai cũng là muộn. Khi thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ 2015 của Bộ Chính trị, mỗi năm cả nước phải giảm 70.000 người trong biên chế, nhưng thực tế sau hai năm thực hiện lại tăng lên 96.000 người.
Mục tiêu đến năm 2021 sẽ giảm 10% biên chế. Tổng số cán bộ công chức, viên chức nhà nước hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách hiện nay hơn 4 triệu người, chưa tính quân đội, công an. Trong đó đơn vị sự nghiệp công lập chiếm tỷ lệ lớn. Chi lương cho các đơn vị sự nghiệp công lập chiếm gần 40% tổng quỹ lương của ngân sách Nhà nước. Có 123 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; 1.934 đơn vị đảm bảo chi thường xuyên; 12.968 đơn vị đảm bảo chi thường xuyên một phần còn 42.146 đơn vị do ngân sách Nhà nước bảo đảm hoàn toàn.
Trước số lượng biên chế phình ra như vậy, cần phải kiên quyết tinh giản biên chế, giảm chi thường xuyên. Cần phải có nhiều giải pháp quyết liệt, thậm chí “sốc” để giảm đầu mối từ T.Ư tới cơ sở để đảm bảo tinh gọn, hoạt động, hiệu lực hiệu quả như nghị quyết T.Ư đã nêu.
Cảm ơn ông.
Theo Thành Nam/Tiền phong