Mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Trần Hùng, kiểm soát viên chính, cựu Tổ trưởng Tổ 304 (nay là Tổ trưởng Tổ 1444) thuộc Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Ông Trần Hùng bị khởi tố do có liên quan vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Môi giới hối lộ" xảy ra tại Công ty Cổ phần In và Văn hóa truyền thông Hà Nội; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phú Hưng Phát; Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan.
Cơ quan điều tra cũng khởi tố ông Nguyễn Duy Hải về tội Môi giới hối lộ, quy định tại Điều 365 Bộ luật Hình sự. Đến nay, liên quan vụ sách giáo khoa giả có đến 12 bị can bị khởi tố.
|
Nguyễn Duy Hải đã gặp và “nhờ” Trần Hùng xử lý nhẹ vụ việc.
|
Đáng chú ý, kết quả điều tra ban đầu cho thấy, bị can Trần Hùng là người trực tiếp chỉ đạo Cục QLTT Hà Nội và Đội QLTT số 17 tiến hành kiểm tra kho của Công ty Phú Hưng Phát do Cao Thị Minh Thuận làm Giám đốc, phát hiện, thu giữ 27.360 quyển sách thuộc 68 đầu sách giáo khoa giả vào ngày 9/7/2020.
Tuy nhiên, sau đó, Nguyễn Duy Hải gặp và tác động, “nhờ” Trần Hùng xử lý nhẹ vụ việc của Thuận. Vì vậy, Trần Hùng không chỉ đạo giải quyết vụ việc đối với cấp dưới theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Hành vi của ông Trần Hùng và các cán bộ quản lý thị trường dẫn đến vụ sản xuất sách giả bị phát hiện nhưng không được điều tra, xử lý hình sự. Dẫn đến Cao Thị Minh Thuận tiếp tục thực hiện các hành vi sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả với số lượng lớn.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đây là một vụ án rất phức tạp, nhiều tình tiết cần phải được làm rõ. Hiện nay cơ quan điều tra đang tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật. Khi kết thúc điều tra, cơ quan điều tra có thể sẽ có kết luận đề nghị truy tố đối với các bị can căn cứ vào các tài liệu chứng cứ mà cơ quan điều tra thu thập được trong quá trình giải quyết vụ án.
Theo quy định của pháp luật, nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Để buộc tội ông Trần Hùng về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, cơ quan điều tra phải thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh ông Hùng đã “vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Trong vụ án này nguyên nhân động cơ vụ việc phải là vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân mà người phạm tội đã làm trái công vụ và gây ra thiệt hại đến tài sản của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân, đây là yếu tố cấu thành tội phạm được Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định.
Trường hợp bị kết tội theo tội danh này thì các bị can sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất có thể tới 15 năm tù.
Cụ thể tội danh và hình phạt được bộ luật hình sự năm 2015 quy định như sau:
Điều 356. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ:
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.”.
“Đây mới chỉ là giai đoạn điều tra vụ án, cơ quan điều tra sẽ chứng minh hành vi phạm tội của các bị can bằng các chứng cứ được thu thập hợp pháp theo quy định của pháp luật. Việc các bị can có phạm tội hay không, phạm tội gì và mức hình phạt ra sao sẽ do tòa án quyết định trên cơ sở thủ tục tố tụng hình sự. Kết quả giải quyết vụ án sẽ là kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa hình sự theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự” - luật sư Cường cho biết.
Mở rộng điều tra, từ ngày 9/7/2020 Đội QLTT số 17 (Đội lưu động) thuộc Cục QLTT Hà Nội chủ trì, phối hợp với Tổng cục QLTT, Đội QLTT số 15 (quản lý địa bàn quận Hoàng Mai), Công an phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) và NXB Giáo dục Việt Nam tiến hành kiểm tra kho sách của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Phú Hưng Phát, tại số 87 Ngõ 1141 Giải Phóng, Hoàng Mai, Hà Nội. Khi đó, Đoàn kiểm tra đã phát hiện 27.360 quyển sách giáo khoa giả. Cơ sở in số sách giáo dục giả này chính là của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phú Hưng Phát.
Tuy nhiên, các bị can là những cán bộ quản lý thị trường đã không thực hiện việc báo cáo tới Cơ quan điều tra có thẩm quyền mà tự ý xử lý vụ việc.
Đến nay, ngoài ông Trần Hùng, 3 cán bộ QLTT bị khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" gồm: Lê Việt Phương (nguyên Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 17, nay là Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 14); Phạm Ngọc Hải và Thành Thị Đông Phương (nguyên Kiểm soát viên Đội Quản lý thị trường số 17, nay là Kiểm soát viên Đội Quản lý thị trường số 14, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội).
>>> Mời độc giả xem video Khởi tố, bắt tạm giam bị can Trần Hùng, Tổ trưởng Tổ 1444 Tổng cục QLTT cùng đồng phạm:
Tâm Đức