Kiểm soát viên không lưu làm việc tài Đài Nhân viên kiểm soát viên không lưu điều hành chuyến bay tại một cảng hàng không. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Liên quan đến sự việc phi công gọi 10 cuộc không liên lạc được với không lưu tại sân bay Cát Bi ngày 18/3 vừa qua, trao đổi với VietnamPlus chiều 6/4, ông Đoàn Hữu Gia, Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) khẳng định đây không phải sự cố uy hiếp an toàn bay.
Theo ông Gia, sự việc xảy ra sáng ngày 18/3 với chuyến bay Vietjet số hiệu VJ671 từ Hải Phòng đi Buôn Ma Thuột. Máy bay dự kiến cất cánh lúc 6 giờ 15 phút sáng cùng ngày.
Tuy nhiên, phi công đã liên lạc với kiểm soát viên không lưu khá sớm, từ khoảng 5 giờ 30 phút với hơn 10 lần trên tần số liên lạc và 3 lần trên tần số khẩn nguy để phối hợp thông tin chuyến bay nhưng không thấy kiểm soát viên không lưu trả lời.
Sau đó, phi công đã liên lạc với Trung tâm kiểm soát đường dài (ACC tại Hà Nội). Ngay lập tức, ACC Hà Nội đã lập tức liên lạc với tháp điều khiển sân bay Cát Bi và kiểm soát viên không lưu tại Cát Bi đã liên lạc với phi công chuyến bay để khởi hành đúng giờ, đảm bảo an toàn theo quy định.
“Thông thường trước thời điểm chuyến bay cất cánh, phi công thường liên hệ với kiểm soát viên không lưu sớm trước 15-20 phút. Hiện, không quy định phi công liên hệ trước bao nhiêu phút mà tùy thuộc vào mỗi phi công điều khiển chuyến bay trước giờ cất cánh,” ông Gia nói.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, ông Gia cùng Giám đốc Công ty Quản lý bay miền Bắc đã trực tiếp xuống làm việc với các cá nhân liên quan tại Cát Bi. Qua theo dõi camera quan sát tại phòng điều hành, khi phi công gọi, kíp trực có mặt đầy đủ, tuy nhiên kiểm soát viên không lưu lơ là không đeo headset (tai nghe và micro điều khiển) và đi lại loanh quanh trong phòng nhưng ngồi không đúng vị trí nên không biết được có cuộc gọi từ người lái
Ông Gia cho hay VATM đã đề ra nhiều giải pháp đối với tất cả các kiểm soát viên không lưu để không có việc bỏ tai nghe ra ngoài khi tổ lái liên hệ đồng thời nghiên cứu bổ sung phương án, giải pháp như có đèn nhấp nháy, chuông trong trường hợp kiểm soát viên không lưu không đeo tai nghe và micro điều khiển để tránh tình huống lơ đãng không nghe.
Đề cập đến nhân lực kiểm soát viên không lưu, theo ông Gia, VATM thường xuyên rà soát, bố trí lực lượng lao động, bổ sung lao động để chủ động trong công tác điều hành, khai thác bay. Đơn cử như sân bay Điện Biên, Côn Đảo sẽ được nâng cấp lắp đặt đèn, dự kiến 2024 xong nhưng ngay thời điểm này VATM đã có sự chuẩn bị nhân lực song song kèm theo đã được đào tạo huấn luyện cấp giấy phép hành nghề đủ điều kiện hoạt động lành nghề, phù hợp với các dự án nâng cấp mở rộng đưa vào khai thác./.
Theo Việt Hùng/Vietnam+