Tối ngày 27/8, Viện trưởng VKSND quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) - ông Đinh Minh Tảo cho biết, cơ quan tố tụng đã thi hành lệnh bắt tạm giam bà Nguyễn Bích Quy (nữ monitor đưa đón học sinh vụ Gateway) về tội Vô ý làm chết người.
Trước đó, vào sáng cùng ngày, VKSND quận Cầu Giấy cho biết, đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Bích Quy là người đưa đón học sinh trường Gateway - về hành vi Vô ý làm chết người.
VKSND quận Cầu Giấy cho biết, Monitor Quy bị cáo buộc "vô ý không kiểm tra hết trong xe mà đã đóng cửa bỏ đi" dẫn tới việc bé Lê Hoàng Long (lớp 1 trường Gateway) bị bỏ quên trên chiếc Ford Transit biển số 29B-069.56 suốt 9 tiếng trong ngày 6/8. Theo kết quả giám định, bé chết vì bị "sốc nhiệt, suy hô hấp", không có nguyên nhân bệnh lý.
Dư luận đặt ra câu hỏi, việc bà Nguyễn Bích Quy phạm tội Vô ý làm chết người, cơ quan cảnh sát điều tra bắt tạm giam bà Quy mà không có tại ngoại có đúng quy định của pháp luật?
|
Bà Nguyễn Bích Quy. |
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, việc cơ quan cảnh sát điều tra áp dụng biện pháp bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Bích Quy để điều tra tội Vô ý làm chết người có thể theo theo quy định tại điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Theo đó, tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 2 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp: a) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; b) Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can; c) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn; d) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội; đ) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
Theo đó, Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, nếu thấy bà Quy có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này, cơ quan công an có thể áp dụng biện pháp bắt tạm giam.
Luật sư Bình phân tích, theo quy định, khởi tố bị can là hình thức pháp lý trong đó cơ quan có thẩm quyền xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội.
Để ra quyết định khởi tố bị can, cơ quan có thẩm quyền khởi tố phải có đủ chứng cứ xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội, làm rõ đó là tội phạm gì, quy định ở điều khoản nào của Bộ luật Hình sự 2015 (Sửa đổi, bổ sung 2017); xác định rõ lý lịch của người thực hiện hành vi phạm tội. Khởi tố bị can được quy định cụ thể tại Điều 179 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (BLTTHS).
Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định khởi tố bị can, Viện kiểm sát phải xem xét và quyết định phê chuẩn hoặc quyết định huy bỏ quyết định khởi tố bị can và gửi ngay cho Cơ quan điều tra.
Sau khi nhận được quyết định phê chuẩn hay quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can của Viện kiểm sát, CQĐT phải giao ngay quyết định cho người đã bị khởi tố. Việc giao nhận các quyết định trên phải lập thành văn bản theo quy định chung có chữ ký của người giao, nguời nhận. Như vậy, bước đầu để ra quyết định khởi tố bị can đối với bà Quy thì Cơ quan điều tra phải có một số chứng cứ.
Tuy nhiên, để thi hành Hiến pháp, bảo đảm sự phù hợp của pháp luật tố tụng hình sự với Hiến pháp, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 tại Điều 13 đã quy định “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh cho rằng, việc bắt tạm giam bà Nguyễn Bích Quy, cơ quan điều tra đã căn cứ điều 119 Bộ Luật Tố tụng Hình sự. Cụ thể tại quy định, có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này.
Luật sư Thơm cho biết, khi đã có quyết định khởi tố Bị can thì Cơ quan điều tra đã có căn cứ xác định nguyên nhân chết của cháu bé không do tác động ngoại lực có chủ ý gây ra. Cái chết của cháu bé là vô ý do cẩu thả, tắc trách của những người có liên quan gây ra khi để quên cháu bé trên xe ô tô. Trên cơ sở kết luận giám định của Cơ quan chuyên môn nguyên nhân chết của cháu bé, Cơ quan điều tra đã làm rõ trách nhiệm đầu tiên thuộc về người quản lý đưa đón cháu và lái xe vận chuyển các cháu đã do thiếu trách nhiệm kiểm tra số cháu học sinh khi đón đến khi bàn giao để quên 01 cháu trên xe ô tô dẫn tới cháu bị tử vong.
Liên quan việc cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố bà Nguyễn Bích Quy tội Vô ý làm chết người, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho rằng, sau sự việc bé trai từ vong, qua kết quả xác minh ban đầu, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án vô ý làm chết người, bởi vậy việc khởi tố bị can để tiếp tục hoạt động điều tra là thủ tục đã được bộ luật hình sự quy định. Vấn đề ở đây là khởi tố ai thì cơ quan điều tra cần phải xác định làm rõ người nào là người có lỗi chính, chủ yếu, trực tiếp dẫn đến cái chết của nạn nhân, lỗi ở đây là lỗi vô ý do quá tự tin hoặc lỗi vô ý do cẩu thả.
Bộ luật hình sự hiện hành quy định lỗi vô ý chia làm 2 loại: - Lỗi vô ý do quá tự tin: Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được. - Lỗi vô ý do câu thả: Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Trong đó, nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Theo nguyên tắc quy định tại điều 15 của Bộ luật tố tụng hình sự thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải xác minh đầy đủ, toàn diện các tình tiết, chứng cứ để làm rõ sự thật khách quan của vụ án, trong đó có cả chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội để làm căn cứ giải quyết vụ án theo quy định pháp luật.
Vì vậy, để buộc tội được bà Nguyễn Bích Quy, cơ quan điều tra cần phải thu thập được đầy đủ chứng cứ để chứng minh rằng người phụ nữ này đã có lỗi vô ý thuộc một trong hai trường hợp nêu trên. Có thể là có lỗi trong việc đã không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ đưa, đón học sinh của mình dẫn đến hậu quả là đứa trẻ tử vong.
Còn nếu kết quả điều tra cho thấy đứa trẻ tử vong không phải do quá trình đưa đón có sai sót mà là do nguyên nhân khác thì người phụ nữ này sẽ không phạm tội. Việc này cơ quan điều tra có trách nhiệm làm rõ và có kết luận trong quá trình điều tra vụ án này. Đây mới chỉ là giai đoạn đầu của vụ án, mọi tình tiết, chứng cứ đều sẽ được làm rõ trong quá trình điều tra, giải quyết vụ án.
“Hi vọng nhiều tình tiết, chứng cứ hiện nay còn chưa rõ sẽ được cơ quan điều tra làm sáng tỏ và công khai trước dư luận, tìm ra sự thật khách quan của vụ án để giải quyết đúng người, đúng tội, đúng pháp luật không oan sai cũng không bỏ lọt tội phạm”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Hải Ninh