Ông chủ một quán ăn đặc sản bánh tráng Trảng Bàng ở Sài Gòn từng khẳng định: “Ăn bánh tráng Trảng Bàng phơi sương cuốn thịt luộc với rau rừng thì xem như ăn cả “hương vị cuộc đời”. Nếu thiếu rổ rau này sẽ không có đặc sản bánh tráng Trảng Bàng cuốn thịt heo và dĩ nhiên quán tôi… dẹp tiệm”.
Tìm rau rừng xuyên quốc gia
|
Hai lão nông Ba Dỹ (phải) và Năm Thành trong vườn rau rừng của mình. Ảnh: T.Đ |
Tầm quan trọng “sống còn” của rổ rau đưa bước tôi về ấp Lộc Trát (xã Gia Lộc, Tràng Bàng, Tây Ninh). Ôm mớ chứng nhận VietGAP vừa được cấp cho rau rừng mình trồng, ông Ba Dỹ (Lê Văn Dỹ, ấp Lộc Trát) hí hửng khoe: “Mới được cấp nè, không bõ công những ngày bọn tui lội đồng, băng ruộng
tìm kiếm cây giống mang về trồng”.
Nếu đã biết đến bánh tráng phơi sương chắc hẳn sẽ biết món đặc sản thịt luộc, rau rừng Tây Ninh. Lấy miếng bánh tráng phơi sương dẻo, ngọt cuốn với rau rừng và thịt luộc, chấm vào chén nước mắm pha cùng đường, chanh, ớt, tỏi… ăn thì hết ý. Trên nền tảng đặc sản này, bọn tui sẽ xây dựng vùng sản xuất rau rừng gắn với ẩm thực tại chỗ, rồi liên kết với du lịch kêu gọi du khách thưởng thức đặc sản Tây Ninh”.
Ông Ba Dỹ
20 năm làm nghề hái rau rừng, ông Ba Dỹ hiểu được giá trị của nó nên đau đáu trước thực trạng rau rừng ở địa phương đang bị tận diệt bởi nạn khai thác và công nghiệp hóa ngày càng quyết liệt. “Giờ rau rừng đã đi vào tiềm thức người Tây Ninh. Hơn chục năm trước, các loại rau rừng chỉ là đặc quyền ẩm thực của người nhà quê ở đây, vậy mà hiện nay, rau rừng đã có mặt khắp nơi, từ nhà hàng tới chợ nông sản. Điều đó cho thấy, những người hái rau rừng sẽ tích cực khai thác hơn, rau rừng ngày càng bị tận diệt. Chưa kể, các khu công nghiệp mọc lên, đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, xóa sổ các loại rau rừng. Họ (người hái rau rừng) khai thác vô tội vạ để cung cấp cho nhu cầu thị trường ngày càng tăng, nhưng lại không chăm bón thì chẳng rau gì có thể tồn tại” - ông Ba Dỹ thổ lộ.
Trăn trở trước thực trạng rau rừng ngày càng cạn kiệt, vài năm trước, ông Ba Dỹ kéo theo ông Năm Thành (Trần Văn Thành, cũng là dân hái rau rừng) thực hiện ý tưởng lên rừng tìm kiếm giống rau rừng mang về trồng, tránh tình trạng “tuyệt chủng”.
Theo ông Năm Thành, công việc tưởng như đơn giản với những người có thâm niên hái rau rừng, nhưng thực sự phức tạp hơn nhiều. “Giống rau rừng ở địa phương rất khó tìm vì đã mai một rất nhiều. Bọn tui sục sạo hết bưng biền này đến đồng trảng khác. Ngày nào bới, bứng được cây giống là mừng hết lớn” - ông Năm Thành kể.
Không chỉ tìm kiếm các loại rau rừng quen thuộc, hai lão nông này còn “sưu tầm” thêm những loại rau rừng mới. Không tìm được giống ở địa phương, hai lão nông này cưỡi xe sang tận Đồng Nai, Bình Dương, Long An… thậm chí sang cả Campuchia. “Cây chum mòi và cây bứa đang trồng trong vườn là bọn tui phải sang tận Campuchia bứng về đó” - ông Năm Thành cho biết.
Để có cây giống rau rừng, hai ông mang trà, cà phê sang Campuchia làm quen, biếu người dân bản địa, rồi xin vô đất chơi. “Đâu có dám nói với họ là đi lấy cây giống đâu, nói thật đời nào họ cho. Khi phát hiện cây giống trong đất họ, bọn tụi đánh trống lảng nói đẹp, thích rồi xin đem về trồng” - ông Năm Thành cười nói.
Cứ như thế, cần mẫn mấy năm nay, hai lão nông này đào, bới được hàng chục loại cây rau rừng đem về trồng trên đất nhà. Theo nhu cầu thị trường, hai ông phân loại cây để trồng, những cây ít được thị trường quan tâm, năng suất thấp, khó bảo quản… thì thải loại. Hiện, trong vườn của hai lão nông này có khoảng 15 loại rau rừng, có những cây được thị trường rất ưa chuộng, như: Bứa, mặt trăng, lộc vừng, cách, bằng lăng nước, quế vị, cóc… “Rau rừng rất dễ trồng và nhân giống. Cây nào không chiết cành được thì bọn tui trồng từ hạt” - ông Ba Dỹ cho biết.
Nuôi ước mơ lớn với rau rừng…
|
Lão nông Năm Thành |
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn rau rừng rộng 7.000m2 (2.000m2 trồng rau quế vị, 5.000m2 trồng rau rừng các loại), lão nông Ba Dỹ khoe hiện ông đang là tổ trưởng tổ hợp tác (THT) rau rừng Lộc Trát, gồm 6 thành viên – từng là những người đi hái rau rừng, với 1,8ha.
Cũng theo ông Ba Dỹ, mới đây Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tây Ninh và Phòng NNPTNT huyện Trảng Bàng tổ chức lễ trao giấy chứng nhận VietGAP cho THT rau rừng Lộc Trát. Công ty TNHH Công nghệ NHONHO đánh giá kết quả rau rừng Lộc Trát đạt yêu cầu sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Công ty này đã quyết định cấp giấy chứng nhận sản phẩm rau cóc, rau quế vị, rau trâm ổi, rau lộc vừng, rau cách, rau mặt trăng, rau trâm sắn, rau chiếc, rau bí bái, rau chùm mồi, rau nhái, rau bứa của THT rau rừng Lộc Trát là phù hợp với quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) cho rau quả tươi an toàn.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Lộc Lê Văn Hòa cho biết, việc thành lập THT rau rừng Lộc Trát và sản xuất theo quy trình VietGAP là do hai lão nông Ba Dỹ và Năm Thành đề xuất. “THT đang trồng rau theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP. Dự kiến THT sẽ cung ứng sản lượng rau rừng khoảng 10 tấn/năm, với các loại rau rừng: cóc, rau quế vị, trâm ổi, trâm sắn, chiếc, bí bái, bứa, mặt trăng, lộc vừng, cách, bằng lăng nước, chum mòi…” - ông Hòa nói.
Theo ông Năm Thành, về bản chất rau rừng là sạch. Từ khi đưa từ trên rừng về cho đến khi đem trồng trong vườn nhà, không hề phun thuốc hay bón phân hóa học. “Thậm chí, khi người trồng sử dụng các hóa chất này, lá cây sẽ rụng và cây chết. Chúng tôi chỉ bón phân chuồng cho cây” - ông Năm Thành khẳng định.
Lý giải cho việc thành lập THT sản xuất rau rừng, ông Ba Dỹ cho rằng, đó là muốn giúp bà con có công việc tốt hơn, và trên hết là giữ gìn các loại rau rừng mà quê hương Trảng Bàng vốn có.
“Chúng tôi đi tìm giống rồi về nhân ra chuyển giao cho bàn con trồng. THT đang bán hàng cho một đại lý với giá ổn định suốt năm” - ông Năm Thành cho biết. Được biết, hiện có khoảng 4 – 5 hộ nông dân xin tham gia THT rau rừng. Tuy nhiên, điều kiện nước chưa đảm bảo làm rau VietGAP nên còn chờ xem xét.
Ông Hồ Văn Khang – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trảng Bàng tỉnh Tây Ninh đánh giá rất cao mô hình THT rau rừng Lộc Trát. Ông cho rằng, việc thành lập THT không chỉ mang ý nghĩa phát triển kinh tế mà còn cho thấy ý nghĩa việc gìn giữ đặc sản địa phương của những người như ông Ba Dỹ, Năm Thành…
Trò chuyện với ông Ba Dỹ, Năm Thành, có thể thấy, hai lão nông này không chỉ muốn mở rộng diện tích canh tác rau rừng mà sẽ đưa THT đi theo hướng phát triển mới.
Theo Trần Đáng/Dân Việt