Ngây thơ mới tin có hiệu quả
- Theo ông thì công khai danh tính người mua dâm có làm cho công tác phòng, chống mại dâm đạt hiệu quả?
Để đánh giá một biện pháp nào đó có hiệu quả hay không cần có sự nghiên cứu, tổng kết mang tính khoa học. Trong trường hợp này, chúng ta chưa có sự nghiên cứu, tổng kết và quan trọng hơn cả là ta chưa triển khai thì thật khó để đánh giá. Tuy nhiên, tôi cảm tưởng đề xuất này xuất phát từ ý tưởng mang tính chủ quan với ý thức trách nhiệm và mong muốn sự tốt đẹp cho xã hội hơn là một giải pháp có tính khả thi, góp phần vào công cuộc phòng chống mại dâm có hiệu lực và hiệu quả hơn.
- Vì sao vậy?
Là bởi vì, những người bán dâm thường là "những người ngồi dưới đất". Họ yếu thế và thường chỉ đóng một vai thôi nên chả ngại gì chuyện công khai hay không công khai. Trong khi đó, những người mua dâm thường phải đóng nhiều vai. Ngoài thỏa mãn nhu cầu tình dục bằng cách mua dâm thì họ vẫn là những con người với nhiều vai trò và ràng buộc khác nhau trong gia đình, dòng họ, bạn bè, cơ quan, tổ chức... Những ràng buộc đó sẽ khiến người ta chẳng dễ dàng gì bỏ qua.
Chưa kể, nhóm mua dâm có cả những người có quyền lực nhất định, có quan hệ xã hội và tiền bạc. Họ có chấp nhận để mình công khai danh tính? Rất khó! Vậy nên, rất có thể khi bị bắt quả tang, họ sẽ có sự "qua lại" với chính những người thực thi công vụ để không bị công khai danh tính. Tiêu cực chắc chắn có!
Thêm nữa, thực tế thì dù có cấm hay không, vấn đề mại dâm vẫn tồn tại như một thách thức với xã hội và sẽ chẳng thể nào triệt tiêu được nó. Nếu tin rằng công khai danh tính người mua dâm sẽ làm giảm tệ nạn mại dâm thì thật ngây thơ! Bởi vì nó không đi vào giải quyết được vấn đề những căn nguyên làm phát sinh vấn đề mại dâm.
- Nhưng đề xuất này được triển khai thì hẳn cũng sẽ khiến nhiều người e ngại mà cân nhắc, từ bỏ việc mua dâm?
Nếu áp dụng biện pháp này có thể ban đầu làm "nản lòng" một số người có ý định mua dâm nhưng nên nhớ rằng, khi người ta không được thỏa mãn nhu cầu tình dục (không có điều kiện lập gia đình, gia đình li tán, hoặc người bạn đời không đáp ứng được...) thì mua dâm sẽ là một trong những cách để người ta thỏa mãn mình. Tôi tin số người e ngại không nhiều đâu.
|
TS Đỗ Văn Quân, Viện Xã hội học nói về đề xuất công khai danh tính người mua dâm. |
Bình đẳng trên giấy
- Như vậy, đề xuất này khó mà khả thi?
Nó sẽ không khả thi cả ở việc thực hiện lẫn việc thông qua đó hạn chế được tệ nạn mại dâm.
- Thế mà nó vẫn được đưa ra thì hẳn người ta cũng phải tính đến cách làm cho nó khả thi chứ nhỉ?
Tôi chưa biết người ta sẽ làm gì để nó khả thi, nhưng tôi không tin tưởng lắm rằng họ sẽ làm được, vì những gì tôi đã nói ở trên.
Ông có nghĩ mình đang khắt khe?
Đó là thực tế cần phải nhìn thấy và dễ dàng nhìn thấy đấy chứ!
- Có ý kiến cho rằng đề xuất này đảm bảo sự công bằng, khi những người bán dâm bị công khai danh tính thì không có nghĩa lý gì người mua dâm lại ngoại lệ?
Thoạt nhìn, ai cũng sẽ nghĩ đề xuất này trên cơ sở bảo đảm sự công bằng, bình đẳng xã hội. Nhưng chắc chắn, nó sẽ chỉ tạo ra sự công bằng, bình đẳng trên giấy tờ mà thôi. Cái gốc để bảo vệ quyền con người hay sự bình đẳng giữa con người trong trường hợp này chính là thực hiện các biện pháp phòng chống bạo lực, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục... cho các đối tượng liên quan.
Phải dũng cảm nhìn thẳng
- Trong cuộc trả lời báo chí mới đây, ông Lê Minh Hùng, Chi Cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh &Xã hội Hà Nội) xác nhận: Sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm, chưa có ai bị công khai danh tính vì mua dâm theo Điều 22 của Pháp lệnh. Liệu đề xuất này có bị coi là thừa khi một lần nữa nguy cơ sẽ vấp phải "vết xe" đó, thưa ông?
Dư luận hoàn toàn có quyền nghi ngờ về điều đó.
- Có vẻ như trong bối cảnh hiện nay khi mà chúng ta càng ra sức phòng, chống mại dâm thì mại dâm vẫn là mối thách thức lớn trong xã hội thì bất cứ giải pháp nào cũng cần được thử nghiệm để đo kết quả, thưa ông?
Đó là một thực tế. Nó thể hiện sự quyết tâm để đi đến mục tiêu tốt đẹp là hạn chế mại dâm, tuy nhiên cũng cho thấy sự bế tắc, bất lực khi đưa ra những biện pháp khác nhau nhưng không sáng suốt, không tính đến tính khả thi, hiệu quả của nó. Ngay như đề xuất này cũng thể hiện rõ điều ấy.
- Theo ông thì vì sao chúng ta đã nói nhiều, làm nhiều mà vẫn không thể hạn chế được tệ nạn này?
Là bởi vì người ta đã không thống nhất nhận thức nó một cách đầy đủ về mại dâm nên nóng vội, cứ nghĩ rằng phải triệt tiêu được nó mà không nghĩ được rằng chẳng thể nào triệt tiêu được.
- Vậy thế nào mới là nhận thức về mại dâm một cách đầy đủ?
Dưới góc độ khoa học xã hội học thì nhìn nhận mại dâm phải trên các khía cạnh: Thứ nhất, đó là tệ nạn xã hội nhưng người hành nghề mại dâm cũng là con người, có đầy đủ quyền được bảo vệ sức khoẻ, tính mạng, nhân phẩm... Trong khi chúng ta vẫn coi họ là người dưới đáy xã hội, từng đưa họ vào những trung tâm giáo dục lao động xã hội. Thứ nữa, mại dâm là vấn đề liên quan đến sức khoẻ cộng đồng, bởi khi sức khoẻ của những người hành nghề mại dâm được bảo đảm bằng cách khám sức khoẻ cho họ thì đồng thời cũng bảo vệ được sức khoẻ của người mua dâm. Khi nhìn nhận được như thế thì sẽ có cách để giải quyết gốc rễ của nó.
- Có người bảo, sở dĩ ta chưa chống được mại dâm là vì ta vẫn né tránh, coi nó là tệ nạn thay vì chấp nhận nó và tìm cách hạn chế dần dần?
Đúng vậy. Bây giờ không phải là lúc bàn đến chuyện có nên chấp nhận mại dâm hay không, mà cần phải dũng cảm nhìn thẳng vào thực tế mới có biện pháp hữu hiệu được.
- Với tình hình Việt Nam hiện nay thì việc "dũng cảm nhìn thẳng" ấy thể hiện như thế nào, thưa ông?
Tôi cho rằng, ngoài rất nhiều biện pháp đồng bộ như thay đổi nhận thức về mại dâm, tạo ra nhiều công ăn việc làm... thì yếu tố quan trọng nhất bây giờ là cần buộc phải chấp nhận nó, khoanh vùng khu vực có hoạt động mại dâm để quản lý. Dĩ nhiên, đi kèm với đó là phải nâng cao ý thức, trách nhiệm của những người thực thi công vụ quản lý này.
Trân trọng cảm ơn ông!
"Với mục tiêu tốt đẹp, nhân văn, chúng ta muốn nhanh chóng giải quyết vấn đề mại dâm nhưng thường lại dựa trên ý chí chủ quan. Thế nên không đến được mục tiêu cần đến. Thực tế có nhiều nhà khoa học, nhà quản lý đã nói vấn đề này từ rất lâu rồi. Thế nhưng đáng tiếc là cho đến nay, những góp ý, phân tích ấy rất ít được thể hiện trong các chính sách, thành thử rơi vào tình trạng "khổ lắm, biết rồi, nói mãi"".
TS Đỗ Văn Quân
Vũ Thủy (Thực hiện)