TAND TP.HCM mới có thông báo sẽ đưa ra xét xử vụ lưu hành tiền giả đối với hai bị cáo Nguyễn Văn Tâm Dũng (SN 1968, ngụ tỉnh Khánh Hòa) và Phạm Ngọc Du (SN 1973, ngụ TP Hà Nội) vào ngày 5-9 tới.
Đây là vụ án các cơ quan tố tụng có sự thay đổi tội danh đối với các bị cáo theo thời gian. Ban đầu hai bị cáo bị khởi tố, truy tố về tội lừa đảo, sau đổi thành tội lưu hành tiền giả.
Theo cáo trạng, ngày 28-8-2017, Du đến Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM ( Vietcombank TP.HCM ) yêu cầu đổi 100.000 USD sang tiền Việt. Khi kiểm đếm tiền, nhân viên ngân hàng phát hiện số USD trên là tiền giả. Sau đó, công an tiến hành bắt quả tang đối với Du và thu giữ toàn bộ tang vật.
Tại cơ quan điều tra, Du khai số ngoại tệ đó là của Dũng nhờ Du đi đổi cho tiền hoa hồng. Ngay sau đó, công an tiến hành bắt khẩn cấp Dũng.
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định vào ngày 27-1-2018, Dũng đến Phòng CSGT Công an TP.HCM gặp Phạm Kim Tiến ký kết hợp đồng vay và cầm cố 1.000 tờ USD mệnh giá 100 USD. Theo hợp đồng, Dũng vay Tiến 1 tỉ đồng với lãi suất 8%, thời hạn vay một tháng. Tiến giao ra 920 triệu đồng (trừ trước 80 triệu đồng tiền lãi) và nhận lại 1.000 tờ tiền mệnh giá 100 USD. Nhưng khi cất giữ số USD này, Tiến nhận thấy số tiền này có thể là tiền giả nên nhờ người kiểm tra và gọi Dũng đến bàn bạc. Sau đó, Dũng nhờ Du đi đổi tiền và hứa chi 1% hoa hồng. Du đến ngân hàng thực hiện việc đổi tiền thì bị cơ quan công an phát hiện và bắt giữ như trên.
Giải quyết vụ án, cơ quan tố tụng có trưng cầu giám định đối với 1.000 tờ USD Du mang tới ngân hàng. Kết quả: Những tờ tiền này không phải do cùng một bộ chế bản in ra, đồng thời cơ quan giám định phát hiện dấu vết tẩy xóa số 1 thành 100. Nghĩa là tờ tiền bị sửa mệnh giá từ 1 USD thành 100 USD.
Còn Dũng không thừa nhận số USD giả mệnh giá nói trên là của mình. Dũng khai rằng số tiền này của ông Phan Văn Hoàng đưa cho Dũng đem thế chấp cho Tiến để vay 1 tỉ đồng. Dũng hưởng lợi 20 triệu đồng sau khi xong việc.
Tuy nhiên, những người liên quan phủ nhận nội dung Dũng khai. Còn Du khẳng định bản thân không hay biết số ngoại tệ trên là tiền giả mệnh giá. Dũng nói với Du rằng số USD trên phát hành năm 1950. Do tiền đã cũ nên Dũng cần nhờ người quen trong ngân hàng đổi ra tiền Việt.
Theo VKS, Du và Dũng không thừa nhận hành vi phạm tội. Nhưng hồ sơ vụ án đủ căn cứ xác định hai đối tượng biết số ngoại tệ trên là giả nhưng vẫn đem lưu hành bằng cách đến ngân hàng đổi thành tiền Việt, cụ thể là có lời khai nhân chứng, chứng từ giao dịch yêu cầu đổi tiền…
Mặt khác, cơ quan điều tra cũng khẳng định không có căn cứ xác định Phạm Kim Tiến biết và tham gia vào việc đổi tiền giả về mệnh giá. Từ đó, cơ quan tố tụng đã đổi tội danh từ tội lừa đảo sang tội lưu hành tiền giả.
Theo Hoàng Yến/PLO