Mang ngoại tệ trái phép vào Việt Nam bị xử lý thế nào?

Google News

5 hành khách từ Ba Lan quá cảnh qua Dubai và Doha đến sân bay quốc tế Nội Bài vận chuyển trái phép 352.000 USD và 245.900 EUR (khoảng 14 tỷ đồng) sẽ bị xử thế nào?

Ngày 15/6, Tổng cục Hải quan cho biết, đơn vị vừa phát hiện 5 khách nhập cảnh Sân bay quốc tế Nội Bài mang ngoại tệ trái phép ước khoảng 14 tỷ đồng. Thời gian qua, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ, ma túy qua đường hàng không có chiều hướng gia tăng.
Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Cục Hải quan Hà Nội kiểm tra, phát hiện 5 hành khách đi trên chuyến bay EK394 và QR976 có hành trình từ Ba Lan quá cảnh qua Dubai và Doha đến Sân bay quốc tế Nội Bài vận chuyển trái phép 352.000 USD và 245.900 EUR, quy đổi ra tiền Việt Nam vào khoảng 14 tỷ đồng.
Mang ngoai te trai phep vao Viet Nam bi xu ly the nao?
Số tiền tương đương 14 tỷ đồng bị thu giữ (Ảnh: Tổng cục Hải quan). 
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, căn cứ theo quy định của pháp luật Việt Nam, tại thông tư số 15/2011/TT-NHNN có quy định rõ Cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam bằng hộ chiếu mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt trên mức quy định sau sẽ phải khai báo Hải quan cửa khẩu: trên 5.000 USD (năm nghìn Đôla Mỹ) hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương; trên 15.000.000 VNĐ (mười lăm triệu đồng Việt Nam).
Mang ngoai te trai phep vao Viet Nam bi xu ly the nao?-Hinh-2
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) 
"Đối chiếu với quy định này, trường hợp 5 hành khách đã đem theo 352.000 USD và 245.900 EUR, vượt quá mức quy định do đó phải thực hiện khai báo Hải quan cửa khẩu khi nhập cảnh. Theo đó, pháp luật không giới hạn số lượng ngoại tệ mang ra nước ngoài, nhưng phải làm thủ tục khai báo với Hải quan. Tuy nhiên, tại trường hợp này 5 hành khách đã thực hiện mang ngoại tệ trái phép, tức là không thực hiện việc khai báo với Hải quan khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Do đó, căn cứ theo quy định tại Điều 10 Nghị định 128/2020/NĐ-CP, người nhập cảnh bằng hộ chiếu hoặc bằng các loại giấy tờ khác có giá trị thay cho hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp, giấy thông hành, chứng minh thư biên giới không khai hoặc khai sai số ngoại tệ tiền mặt thuộc loại tiền được phép mang theo, đồng Việt Nam tiền mặt, vàng mang theo vượt mức quy định khi nhập cảnh trừ trường hợp khai nhiều hơn số lượng thực tế mang theo có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 20 triệu đồng", luật sư Hùng cho hay.
Theo luật sư Hùng, thậm chí, các đối tượng nêu trên còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 189 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 về tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới. Vì số tiền vận chuyển trái phép lên đến khoảng 14 tỷ đồng nên các đối tượng có thể bị phạt tù lên đến 10 năm. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Vì vậy, đối với các trường hợp xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế Việt Nam, nếu mang theo đồng Việt Nam tiền mặt, ngoại tệ tiền mặt, vàng,…cần phải thực hiện đầy đủ các thủ tục khai báo theo quy định.
>>> Xem thêm video: Bắt giữ sư thầy Hải Phòng vì tàng trữ trái phép ma túy

Nguồn: Lý Thùy.

Gia Đạt