Mạo danh Bí thư Thành ủy Hải Phòng: Phạm điều 174 BLHS nếu có người chuyển tiền

Google News

Nếu có người chuyển cho kẻ mạo danh nhắn tin số tiền từ 2 triệu đồng trở lên thì có căn cứ xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống về việc kẻ xấu mạo danh Bí thư Thành ủy Hải Phòng để nhắn tin đến nhiều người mượn tiền, có dấu hiệu lừa đảo, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng đã xác nhận thông tin nêu trên là giả mạo, hành vi giả danh Bí thư Thành ủy Hải Phòng là hành vi vi phạm pháp luật.
Hành vi giả mạo Bí thư Thành ủy Hải Phòng không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cán bộ lãnh đạo mà còn có nguy cơ xâm phạm quyền sở hữu tài sản của nhiều người, gây hoang mang trong dư luận. Do đó, cơ quan điều tra cần sớm xác minh làm rõ đối tượng thực hiện, hậu quả của hành vi này với xã hội để xử lý theo quy định.
Mao danh Bi thu Thanh uy Hai Phong: Pham dieu 174 BLHS neu co nguoi chuyen tien
Tin nhắn mạo danh với mục đích lừa đảo. 
Theo luật sư Cường, hành vi của đối tượng mạo danh Bí thư Thành ủy Hải Phòng là đưa thông tin trái phép trên mạng internet, vi phạm quy định của luật an ninh mạng, xâm phạm đến uy tín của công dân, của cán bộ và có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xâm phạm quyền sở hữu tài sản của công dân. Bởi vậy, đối tượng này có thể bị xử lý về nhiều tội danh khác nhau, tùy thuộc vào hành vi và hậu quả cụ thể.
Trường hợp kết quả xác minh cho thấy đã có người chuyển tiền cho đối tượng này do tưởng là Bí thư Thành ủy Hải Phòng và đối tượng đã chiếm đoạt số tiền của nạn nhân với số tiền từ 2.000.000 đồng trở lên, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 bộ luật hình sự năm 2015.
Theo quy định của pháp luật, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có cấu thành tội phạm kể từ thời điểm đối tượng thực hiện 2 hành vi là "gian dối" và "chiếm đoạt" tài sản của nạn nhân. Hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm khi thực hiện đồng thời cả hai hành vi là gian dối và chiếm đoạt. Nếu chỉ có hành vi gian dối nhưng chưa chiếm đoạt được tài sản của nạn nhân, hành vi chưa thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Về mặt lý luận, hành vi "gian dối" trong tội lừa đảo cũng khác với hành vi "lừa dối" trong quan hệ dân sự. Hành vi "lừa dối" trong giao dịch dân sự có thể làm cho giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đó vẫn chỉ là quan hệ dân sự, nếu có tranh chấp sẽ được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Còn hành vi "gian dối" là thể hiện mức độ lừa dối cao hơn, tinh vi hơn, nguy hiểm hơn và có chủ đích hướng tới chuyển dịch quyền sở hữu tài sản trái pháp luật, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ.
Đối tượng "gian dối" thường là đưa ra những thông tin bịa đặt, sai sự thật, sử dụng những tài liệu, giấy tờ giả mạo hoặc những thông tin giả mạo hoặc có các thủ đoạn gian dối khác làm nạn nhân tin tưởng trao tài sản cho đối tượng sau khi nhận được tài sản thì đối tượng thực hiện hành vi chiếm đoạt.
Nếu như hành vi lừa dối trong quan hệ kinh tế, dân sự khiến cho giao dịch đó được xác lập hoặc ảnh hưởng đến quá trình thực hiện giao dịch, có thể gây thiệt hại cho người khác nhưng không có yếu tố "chiếm đoạt" thì hành vi lừa dối này làm cho giao dịch dân sự vô hiệu nhưng chưa đến mức xử lý hình sự.
Còn hành vi "lừa dối đến mức xử lý hình sự" là hành vi gian dối nhằm chuyển dịch quyền sở hữu tài sản trái pháp luật, đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền sở hữu nên từ quan hệ dân sự chuyển hóa thành quan hệ hình sự, người vi phạm trở thành tội phạm. Hành vi cấu thành tội phạm kể từ thời điểm đối tượng nhận được tài sản của nạn nhân từ hành vi gian dối trước đó. Yếu tố chiếm đoạt thể hiện là không có ý định trả lại tài sản cho nạn nhân sau khi đã đưa ra thông tin sai sự thật làm nạn nhân hiểu lầm và trao tài sản...
Để xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh điều kiện cần và điều kiện đủ để thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội danh này. Điều kiện cần là chứng minh thủ đoạn gian dối, điều kiện đủ là chứng minh hành vi chiếm đoạt. Nếu hành vi gian dối dẫn đến hành vi thứ hai là chiếm đoạt tài sản thì đối tượng mới bị xử lý hình sự. Thời điểm tội phạm hoàn thành là thời điểm đối tượng đã gian dối và nhận được tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm d khoản 1, Điều 174 bộ luật hình sự, đồng thời không có ý định trả lại (có ý thức chiếm đoạt) là thời điểm tội phạm hoàn thành.
Chiếm đoạt tài sản là hành vi chuyển quyền sở hữu tài sản trái pháp luật, đối tượng nhận được tài sản không có ý định trả lại tài sản cho nạn nhân. Khi thỏa mãn hai hành vi là gian dối và chiếm đoạt, đối tượng sẽ bị xử lý hình sự.
Trong vụ việc nêu trên nếu đối tượng mạo danh Bí thư Thành ủy Hải Phòng đưa ra các thông tin sai sự thật (mạo danh) để vay tiền của nhiều người nhưng không có ai chuyển tiền cho đối tượng này, hành vi lừa đảo chưa cấu thành tội phạm, hành vi chưa thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174 bộ luật hình sự. Tuy nhiên, nếu có người chuyển cho đối tượng này số tiền từ 2.000.000 đồng trở lên thì có căn cứ để xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Mao danh Bi thu Thanh uy Hai Phong: Pham dieu 174 BLHS neu co nguoi chuyen tien-Hinh-2
 Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường
Hành vi đưa những thông tin giả mạo, sai sự thật qua mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử là hành vi vi phạm quy định tại Điều 8, Điều 16 và Điều 18 Luật an ninh mạng, tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà hành vi đưa thông tin trái phép có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bởi vậy, trường hợp không đủ căn cứ xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản do chưa có hành vi chiếm đoạt tài sản nhưng hành vi này gây ra dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm của Bí thư Thành ủy Hải Phòng, gây ra hoang mang trong dư luận xã hội, hành vi này cũng có thể bị xử lý hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Trường hợp có căn cứ đối tượng thực hiện hành vi xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông để chiếm đoạt thông tin của người khác nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì hành vi này cũng có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 289 bộ luật hình sự.
Những ngày qua, nhiều người dân Hải Phòng nhận được tin nhắn từ các số điện thoại +84564805775, +84564805806 có cùng nội dung: "...Tôi là Bí thư Thành ủy Trần Lưu Quang, đây là số điện thoại riêng của tôi, hãy lưu lại và hồi âm cho tôi". Tin nhắn còn nêu đích danh họ tên người nhận được tin nhắn. Khi có người nhắn lại thì ngay lập tức người nhắn tin ngỏ ý mượn 400 triệu đồng đề nghị chuyển tiền vào số tài khoản ở Ngân hàng Teckcombank là 1903807972xxx với tên chủ tài khoản Vu Kim Hong.
Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng khẳng định, tin nhắn trên là lừa đảo, mạo danh Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Đồng thời khuyến cáo người dân khi nhận được tin nhắn nói trên cần nâng cao ý thức cảnh giác, thông tin với cơ quan chức năng. Các cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra làm rõ vụ việc.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bắt đối tượng truy nã về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

Nguồn: ATV

Hải Ninh