Máy xét nghiệm COVID-19 ở Quảng Nam: Giải Pháp Việt giảm giá, GĐ Sở muốn trả lại?

Google News

(Kiến Thức) - Giám đốc Cty Giải Pháp Việt giảm giá máy xét nghiệm COVID-19 còn hơn 4,8 tỷ do đã đàm phán lại với công ty nhập khẩu thiết bị giảm giá. Nhưng Sở y tế Quảng Nam đề xuất công ty lấy lại máy...

Quảng Nam mua máy 7,2 tỷ đã đối chiếu với Quảng Ninh, CDC Hà Nội
Chiều ngày 29/4, tại buổi làm việc của UBND tỉnh Quảng Nam với các Sở, ban ngành liên quan và có sự tham gia của một số cơ quan báo chí về việc mua sắm hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động với giá 7,23 tỷ đồng, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam Nguyễn Văn Hai đã báo cáo về việc trên.
Theo Giám đốc Sở y tế tỉnh Quảng Nam, sau khi xin chủ trương của UBND tỉnh Quảng Nam về việc mua sắm hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động, Sở Y tế đã tham khảo giá trên thị trường và đã có báo giá của 3 đơn vị cung cấp là Công ty TNHH Thương mại Tâm Long báo giá 9,328 tỷ đồng; Công ty CP đầu tư và XNK Y tế Việt báo giá 9,7 tỷ đồng; Công ty CP thương mại và đầu tư Giải Pháp Việt báo giá 7,56 tỷ đồng.
Ông Hai cho biết, Sở Y tế Quảng Nam đã đối chiếu với giá trúng thầu của các địa phương đã mua sắm hệ thống thiết bị tương tự trong thời gian này là Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh (ký hợp đồng ngày 1/3 với giá 8,4 tỷ đồng); CDC Hà Nội (ký hợp đồng ngày 3/3 với giá 7 tỷ đồng).
May xet nghiem COVID-19 o Quang Nam: Giai Phap Viet giam gia, GD So muon tra lai?
 Quang cảnh cuộc họp.
Từ đó, thấy mức giá 7,56 tỷ là hợp lý, quá trình thương thảo, đơn vị cung ứng máy đã giảm xuống còn hơn 7,23 tỷ đồng nên trình với Sở Tài chính thẩm định dự toán theo quy định.
“Với tư cách chịu trách nhiệm về kỹ thuật, chuyên môn, Sở Y tế phải chịu trách nhiệm về sự chuẩn xác. Trong một thời gian ngắn, vừa đi tìm, khảo sát giá, cấu hình, sở đã huy động rất nhiều cán bộ vào cuộc. Sở Y tế căn cứ các văn bản chỉ đạo về mặt pháp lý, phân công cán bộ để làm”, ông Hai nói.
Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết, Sở Y tế lập dư toán đề nghị phân bổ kinh phí, trình Sở Tài chính thẩm định. Đồng thời, sở đã làm đầy đủ thủ tục theo quy định của bộ, ngành và UBND tỉnh. UBND tỉnh phê duyệt kinh phí, công khai lên hệ thống đấu thầu quốc gia theo quy định, đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định, thực hiện ký kết hợp đồng.
Khẳng định việc lựa chọn nhà thầu đúng quy định và việc lựa chọn chỉ định thầu rút gọn là hợp lý, Giám đốc Sở y tế Quảng Nam cho biết, hệ thống được bàn giao chạy thử từ ngày 1/4, hiện nay chưa tiến hành nghiệm thu thanh lý hợp đồng.
"Hiện tại, máy vẫn đang chạy thử và chưa tiến hành nghiệm thu, Sở Y tế chưa thực hiện chi tiền. Rủi ro về vấn đề pháp lý, tôi là người chịu trách nhiệm tất cả. Nếu nhân viên làm sai thì với trách nhiệm là Giám đốc Sở, tôi cũng xin chịu trách nhiệm tất cả", ông Hai nói.
Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam Phan Văn Chín cho biết, đây là thiết bị chuyên dùng đặc thù, có giá trị lớn với tổng mức đầu tư hơn 7,5 tỷ đồng, theo quy định về tài sản công, việc quyết định mua sắm về lựa chọn thuộc thẩm quyền UBND tỉnh. Sở Tài chính phân công các phòng chuyên môn thẩm định nguồn kinh phí và xem xét gói thầu.
May xet nghiem COVID-19 o Quang Nam: Giai Phap Viet giam gia, GD So muon tra lai?-Hinh-2
 Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam Nguyễn Văn Hai.
“Đây là thiết bị chuyên ngành đặc thù, không bán đại trà nên khi thẩm định gặp nhiều khó khăn do không có thiết bị tương tự trong thị trường để tham chiếu. Sở Tài chính đã trao đổi với nhiều đơn vị cung cấp thiết bị về hệ thống có cấu hình giống Sở Y tế đề xuất, tham khảo hợp đồng của Học viện Quân y, qua quá trình tham khảo không có đơn vị nào cung cấp được và không có báo giá nào thấp hơn báo giá mà Sở Y tế đã cung cấp nên Sở Tài chính tham mưu đề xuất lấy theo báo giá thấp nhất trong 3 báo giá Sở Y tế cung cấp là 7,56 tỷ đồng”, ông Chín nói và cho biết, hình thức chỉ định thầu rút gọn là đúng pháp luật.
Giám đốc Sở Tài chính khẳng định, Sở Y tế Quảng Nam đã thực hiện việc mua máy đúng quy trình.
“Hiện nay, theo Sở Y tế thông tin là chưa nghiệm thu, chưa thanh lý, chưa thanh toán và Sở Y tế cũng đã kiểm tra trong hệ thống, số tiền mà cấp cho Sở Y tế thì mục này chưa rút dự toán. Như vậy, Sở Y tế chưa thực hiện chi tiền, nếu có xảy ra thất thoát thì cũng chưa xảy ra thất thoát”, ông Chín nói.
Vì sao công ty Giải pháp Việt xin giảm giá xuống 4,853 tỷ đồng?
Tại cuộc họp Giám đốc Công ty CP Thương mại và đầu tư Giải Pháp Việt Lê Thị Tuyến cho biết, thiết bị được công ty bà mua lại từ công ty khác chứ không phải trực tiếp nhập máy về bán. Do đó, thời điểm đó, không thể biết được giá nhập khẩu thiết bị.
“Vì không thể biết được giá đầu vào của nhà cung cấp nên chúng tôi không có căn cứ để xác định được là giá chúng tôi mua là cao hay thấp, không có căn cứ để thương thảo về giá với nhà cung cấp. Tại thời điểm đó, chúng tôi chỉ có thể tham khảo giá cả qua các kênh không chính thức để làm căn cứ thương lượng giá mua đầu vào và làm cơ sở cho giá bán đầu ra. Cộng với nhiều yếu tố khác, chúng tôi thực hiện hợp đồng trọn gói với Sở Y tế về hệ thống máy xét nghiệm giá 7,23 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 1,43 tỷ đồng”, bà Tuyến nói.
May xet nghiem COVID-19 o Quang Nam: Giai Phap Viet giam gia, GD So muon tra lai?-Hinh-3
Giám đốc Công ty CP Thương mại và đầu tư Giải Pháp Việt Lê Thị Tuyến. Ảnh: Zing. 
Giám đốc Công ty CP Thương mại và đầu tư Giải Pháp Việt cho biết, phần lợi nhuận này phải nộp cho Nhà nước hơn 382 triệu đồng tiền thuế.
Theo bà Tuyến, xét về “cái tình”, công ty của bà xin giảm tỷ suất lợi nhuận xuống còn 0%. Đồng thời, sau khi đã đàm phán thương lượng lại với phía công ty nhập khẩu thiết bị giảm giá nên đơn vị chủ động đề xuất giảm giá máy xét nghiệm COVID-19 xuống còn 4,853 tỷ.
“Việc này là do đơn vị nhập khẩu thiết bị đồng ý giảm giá bán, chi phí rủi ro thực tế thấp hơn dự kiến, và chúng tôi nhất trí giảm tỷ suất lợi nhuận xuống 0%, như một sự đóng góp nhỏ bé của công ty để cùng chung tay phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh”, bà Tuyến nói và khẳng định không nâng khống giá.
“Nhà nước không có quy định về biên độ lợi nhuận, doanh nghiệp đóng thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của Nhà nước” - bà Tuyến cho biết.
Giám đốc Sở y tế tỉnh Quảng Nam Nguyễn Văn Hai khẳng định, Sở Y tế không tham gia về tư cách giá cả. Đồng thời cho biết, nếu cho ông đề xuất thì đề nghị công ty lấy lại máy, vì công ty đã chịu nhiều rủi ro.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh khẳng định thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thanh tra toàn bộ các gói thầu liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, ông cũng đã ký công văn giao Thanh tra tỉnh Quảng Nam thực hiện việc thanh tra mua máy móc thiết bị phòng chống dịch trên địa bàn.
“Vụ việc này UBND tỉnh Quảng Nam giao cho các đơn vị thực hiện thanh tra, xây dựng kế hoạch thanh tra các nội dung còn lại, yêu cầu đến ngày 20/5 là phải có báo cáo về vụ việc. Trong quá trình thanh tra, yêu cầu Sở Y tế chưa chuyển tiền cho đơn vị cung cấp đến khi có kết luận, nếu có dấu hiệu sai phạm sẽ chuyển sang cơ quan điều tra Công an tỉnh, vi phạm sẽ xử lý nghiêm minh”, ông Lê Trí Thanh nói.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, đây là trách nhiệm nhưng vừa là đạo đức trước xã hội, nhân dân trong công tác phòng chống dịch.
Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an điều tra việc nâng giá mua máy Realtime-PCR ở một số địa phương
Chiều 29/4, PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết, đã nắm được thông tin một số hệ thống trang thiết bị y tế, đặc biệt hệ thống xét nghiệm Realtime-PCR trong thời gian qua có giá thành bất thường ở một số địa phương như báo chí đăng tải.
“Với những vấn đề liên quan việc mua sắm một cách bất minh, quan điểm của Bộ Y tế là đề nghị xử lý nghiêm khắc, không để hình ảnh như vậy ảnh hưởng công cuộc chống dịch của ngành y tế và của người dân Việt Nam nói chung", ông Sơn nói và cho biết, từ ngày 13/3, Bộ Y tế đã có công văn gửi Bộ Công an, trong đó có nêu những thông tin về giá thành mà phía Bộ Y tế ghi nhận được trong việc mua sắm trang thiết bị y tế cũng như vật tư y tế của một số đơn vị.
"Chúng tôi đề nghị Bộ Công an điều tra làm rõ" - Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Đồng thời cho biết, theo thống kê sơ bộ, có hiện tượng cùng hệ thống xét nghiệm của một nhà sản xuất nhưng giá chênh lệch, tại các thời điểm mua sắm khác nhau.
Từ báo cáo của các địa phương, Bộ Y tế nhận thấy, việc mua sắm máy xét nghiệm có nhiều thương hiệu khác nhau. Hệ thống xét nghiệm gồm 3 cấu hình: Tách chiết, hệ thống pha trộn thử phản ứng và máy chạy phản ứng nhưng các địa phương hầu như chỉ mua các máy riêng, hoặc mua của các hãng khác nhau, không mua toàn bộ hệ thống như Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội. Việc mua trọn bộ hệ thống xét nghiệm của Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông chỉ có 3 đơn vị gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Quảng Nam.
Hiện Bộ Y tế đang tổng hợp, đánh giá mức độ tương tự về tính năng giữa các hãng sản xuất được cung cấp bởi các công ty khác nhau, từ đó có các định giá cơ bản về máy xét nghiệm được mua sắm.
>>> Mời độc giả xem thêm video nhiều tỉnh bị thanh tra việc mua máy xét nghiệm Covid-19 

Nguồn: VTC Now.


Tâm Đức