Sáng 30/12, trả lời VietNamNet qua điện thoại từ khu cách ly Trung tâm y tế huyện Mang Thít (Vĩnh Long), bà Trần Thị Hằng (51 tuổi, mẹ bệnh nhân 1440) cho biết, sức khoẻ, tinh thần của bà và 14 người cách ly tập trung khác vẫn bình thường, không có triệu chứng lây nhiễm.
Bà Hằng có hai người con, L.T.T (32 tuổi, bệnh nhân 1440) là anh cả. Học hết lớp 12, T. đi làm thuê ở miền Đông. Cách đây 2 năm, bà mua cho T. ô tô để chạy taxi nhưng thu nhập không ổn định.
“Cách đây mấy tháng, T. nói với tôi theo bạn sang Myanmar làm thuê. Nghe vậy, tôi can ngăn vì con không biết tiếng Myanmar và dịch Covid-19 đang rất phức tạp. Nhưng con trai không nghe vì bạn bè của cháu mang nhiều tiền về nhà và còn tặng T. chiếc ipad. Khi đi, T. không mang theo điện thoại”, bà Hằng nói.
|
Bệnh nhân 1440 đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Vĩnh Long |
Khi sang Myanmar, T. gọi điện thoại về cho em gái nói đang làm thợ mài đá, với mức lương 900 USD/tháng. “Khi sang Myanmar, con không một lần gọi cho tôi”, bà Hằng nói.
Mới đây, do tình hình dịch bệnh phức tạp, công ty đóng cửa, T. gọi điện cho em gái thông báo về việc mình và một nhóm người đang mắc kẹt lại Myanmar, do không có tiền về.
“Nghe vậy, tôi liên hệ với con trai. Đêm đó, hai mẹ con gọi điện khóc khản cả tiếng. Tôi lo sợ lắm... Sáng hôm sau, tôi vay nhiều nơi mới được 25 triệu đồng, con gái gom được 12 triệu đồng chuyển sang cho T. lấy tiền về nước”, bà Hằng nói.
"T. về đến nơi, tôi thấy thần sắc của con bất thường, mặt mày tái nhợt, tinh thần rất sợ hãi, không dám vào nhà. Khi tôi đưa chìa khoá xe máy, T. phóng xe chạy đi. Có thể T. biết mình vượt biên trái phép sẽ bị cơ quan chức năng bắt”, bà Hằng cho biết.
Ý thức được việc phòng, chống Covid-19, bà Hằng gọi điện cho một bác sĩ đang làm việc tại bệnh viện huyện, nhờ báo cho chính quyền địa phương.
“Tôi có thông báo với T. trước khi gọi điện cho vị bác sĩ. T. nghe xong không phản ứng gì trước quyết định của tôi. Đến thời điểm này, tôi nghĩ quyết định của mình là đúng. Bây giờ tôi chỉ biết động viên con trai bình tĩnh, dưỡng bệnh tốt và khai báo thật rõ với cơ quan chức năng”, bà Hằng cho biết.
Người phụ nữ quê Vĩnh Long nhắn nhủ: “Những ai có ý định vượt biên trái phép về Việt Nam thì bỏ ngay ý định đó. Hãy đi đường chính ngạch về và khai báo với cơ quan chức năng”.
Theo cơ quan chức năng, T. xuất cảnh trái phép sang Lào vào ngày 19/11. Sau đó, thanh niên này sang Myanmar làm thợ mài đá được 45 ngày thì công ty ngừng hoạt động do dịch Covid-19 phức tạp.
T. lên mạng tìm người đưa trở về Việt Nam với giá 50 triệu đồng (chuyển khoản).
Ngày 21/12, T. đi xe tải sang Thái Lan. Tối 22/12, anh ta đến Campuchia. Hôm sau, T. được đưa từ Phnôm Pênh xuống biên giới - đối diện khu vực cửa khẩu Long Bình (huyện An Phú, An Giang). Khoảng 3h sáng ngày 24/12, T. cùng 5 người khác (trong đó có bệnh nhân 1451, 1452) vượt sông trái phép vào Việt Nam.
Khi lên bờ ở ấp Búng Nhỏ, xã Khánh Bình, họ được tài xế đón lên xe 7 chỗ rồi đưa về hướng tỉnh Long An. Khi đến Long An, T. xuống ô tô đi xe khách về Vĩnh Long.
Ngày 30/12, đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết, cơ quan ANĐT công an tỉnh vừa khởi tố vụ án hình sự để điều tra hành vi tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép, liên quan đến bệnh nhân 1440.
Đến thời điểm này, cơ quan ANĐT Công an tỉnh đã xác định được một số đối tượng liên quan trong đường dây tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép.
Theo H.Thanh/Vietnamnet