Hà Nội có đủ điều kiện để mở cửa đón du khách quốc tế từ ngày 15/3. Mọi phương án để phục hồi kinh tế và thích ứng an toàn đã được triển khai. Nhiều chính sách cũng đã được đưa ra để hỗ trợ du khách quốc tế đến Việt Nam.
Xây dựng xong phương án mở cửa du lịch
Theo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), cơ quan này đã xây dựng phương án mở lại du lịch, ban đầu vào dịp 30/4-1/5. Sau 4 tháng thí điểm đón khách quốc tế, 9 tỉnh, thành phố đã đón được 9.000 khách quốc tế. Đến nay, Bộ VHTT&DL đã cho phép tất cả các địa phương đủ điều kiện được thực hiện thí điểm đón khách quốc tế.
|
Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn với du khách quốc tế. |
Trong cuộc họp mới đây bàn kế hoạch mở cửa đón du khách quốc tế, lãnh đạo các bộ, ngành đã đưa ra ý kiến có thể mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3, theo đúng tinh thần "thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19", mau chóng phục hồi, phát triển du lịch nói riêng, kinh tế nói chung, lấy lại thời gian đã mất.
Cụ thể, các biện pháp để kiểm soát người đi lại được đưa ra khi dịch bùng phát từ năm 2020 đến nay sẽ được dỡ bỏ, cùng với đó là thực hiện nghiêm nhưng giải pháp phòng, chống dịch bệnh như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, đặc biệt là thực hiện 5K ở mọi nơi, mọi lúc, mọi khâu.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, sau hơn 2 năm dịch bệnh, ngành du lịch nói riêng, nền kinh tế nói chung, gặp rất nhiều khó khăn. Từng bộ, ngành phải hết sức khẩn trương, trách nhiệm trong triển khai hiệu quả các giải pháp để mở cửa lại hoạt động du lịch trên tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.
Để sẵn sàng đón khách, đại diện các hãng hàng không của Việt Nam đã mở rộng thêm nhiều đường bay tới các nước trong khu vực và quốc tế, trong đó có nhiều quốc gia là thị trường lớn của Hà Nội, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, các nước châu Âu…
Khách quốc tế cần điều kiện gì?
Sau khi mở cửa đón khách quốc tế, nhiều vấn đề được đưa ra để đón du khách. Về việc cấp thị thực nhập cảnh (visa), Việt Nam trước đây đã miễn visa đơn phương cho 13 nước và song phương cho 88 quốc gia/vùng lãnh thổ. Song do dịch bệnh bùng phát từ năm 2020 và tùy theo diễn biến dịch tại các nước, Chính phủ đã có Nghị quyết ngừng thực hiện cơ chế miễn visa này.
Trong điều kiện bình thường mới, các bộ, ngành thống nhất báo cáo Chính phủ cho phép khi đến thời điểm 15/3 sẽ dừng áp dụng các biện pháp giới hạn về cấp visa và thực hiện như trước khi có dịch, bao gồm cấp visa điện tử, miễn visa đơn phương, song phương.
Du khách quốc tế khi đến Việt Nam không phải đăng ký theo tour, tuyến du lịch như trong thời gian thí điểm, chỉ cần đáp ứng quy định của Bộ Y tế về tiêm vắc-xin phòng COVID19; có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay (trong vòng 24h đối với xét nghiệm nhanh; 72 giờ đối với phương pháp RT-PCR).
Đối với khách quốc tế nhập cảnh qua đường hàng không, những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ phải xét nghiệm nhanh ngay tại sân bay; những người còn lại về thẳng nơi lưu trú đã đăng ký trước, tự cách ly trong vòng 24 tiếng và xét nghiệm nhanh hoặc PCR; tiếp tục theo dõi y tế trong vòng 14 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện nghiêm 5K. Khách quốc tế nhập cảnh qua đường bộ được xét nghiệm tại cửa khẩu trước khi nhập cảnh.
Các bộ, ngành cũng thống nhất với đề xuất của Bộ VHTT&DL là khách quốc tế khi vào Việt Nam phải đóng phí bảo hiểm để hưởng mức bảo hiểm 10.000 USD (trung bình khoảng 30 USD/người) trong trường hợp phải điều trị COVID-19 tại Việt Nam.
Nếu du khách quốc tế dương tính với SARS-CoV-2, cơ sở lưu trú có trách nhiệm làm việc với cơ quan y tế, chính quyền địa phương để cách ly, quản lý, điều trị tương tự như người Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, để chuẩn bị mở lại du lịch trong điều kiện bình thường mới, không chỉ các cơ quan quản lý, nhất là các doanh nghiệp du lịch sẽ phải thực hiện một khối lượng công việc rất lớn từ mở lại tour, tuyến, sản phẩm đến tìm kiếm nhân lực vận hành cơ sở lưu trú, dịch vụ…
Hoàng Nam