|
Ảnh minh họa.
|
Sau một thời gian dài sống trong sự dằn vặt của bản án lương tâm, Phia , vốn là thầy tu trẻ, có một mơ ước cháy bỏng là nếu có cơ hội làm lại cuộc đời, sẽ tiếp tục được nương nhờ cửa phật để ngày ngày sám hối về những lỗi lầm mình đã gây ra trước đó...
Mối tình đẫm “máu và nước mắt”
Chúng tôi có cơ hội tiếp xúc với phạm nhân Kim So Phia trong chuyến công tác tại Trại giam Bến Giá (thuộc Tổng cục Cảnh sát Thi hành án Hình sự và Hỗ trợ tư pháp - Bộ công an) đóng trên địa bàn thị xã Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh). Lúc này, Phia đang chấp hành bản án tù chung thân về tội danh “Giết người” và “Cướp tài sản” tại trại giam. Được biết, quá trình phạm tội của Phia cũng hết sức đặc biệt, đó là kết quả đáng buồn của một mối tình đầy ngang trái.
|
Phạm nhân Kim So Phia. |
Theo phong tục của người đồng bào Khmer thì mọi đứa trẻ sau khi đủ 12 tuổi sẽ phải lên chùa đi tu “báo hiếu”. Đây là phong tục mang đậm nét đẹp văn hóa “đền ơn đáp nghĩa” đối với bậc sinh thành của người Khmer, đã được lưu truyền từ hàng ngàn năm nay. Cũng giống như bao bạn bè cùng trang lứa Phia khi đó 13 tuổi cũng đã tự nguyện lên chùa đi tu với pháp danh Thanh Tâm để tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ, cũng là để rèn luyện những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người.
Thông thường, thời gian tu “báo hiếu” sẽ diễn ra khoảng 3 năm thì được phép hoàn tục để trở về với cuộc sống đời thường. Nhưng nếu ai cảm thấy mình có duyên với cửa Phật, có duyên với việc tu hành thì có thể kéo dài thời gian tu tùy theo tâm nguyện, vậy là Phia đã tự nguyện xin được ở lại cửa chùa để tiếp tục duyên tu hành của bản thân. Theo phạm nhân này chia sẻ thì lý do muốn kéo dài thời gian tu hành là do khi nương nhờ cửa Phật thấy tâm hồn mình thanh tịnh, an bình... Ngoài ra, khi ở chùa Phia còn có cơ hội được đi học, mở mang kiến thức nên quyết định tiếp tục theo nghiệp tu hành mong muốn rèn luyện bản thân.
Thế nhưng, dù đã gửi gắm thân mình ở chốn thanh tịnh nhưng khi “tâm bất tĩnh” thì con người vẫn có thể mắc những sai lầm. Và những sai lầm đó có thể khiến họ phải trả một cái giá rất đắt đó chính là tương lai, là cả cuộc đời của mình.
Câu chuyện buồn về cuộc đời của phạm nhân So Phia xảy ra từ năm 2013, lúc này Phia đã có thời gian tu hành hơn 9 năm. Câu chuyện bắt đầu từ mối tình ngang trái giữa Phia với một cô gái và kết thúc đẫm máu và nước mắt. Theo Phia kể lại thì anh này quen biết với nạn nhân khi đang theo học lớp bổ túc văn hóa tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Trà Vinh. Bình thường, mỗi lần đến lớp, Phia thường đi bằng xe ôm, nhưng hôm đó vì trời mưa khá to nên không bắt được xe. Từ sự giới thiệu của 1 người quen Phia đã có số điện thoại của Trần Thị Đình Ngân và nhờ Ngân chở đến lớp học. Sau ngày hôm đó, Ngân và Phia thường nhắn tin qua lại với nhau, một thời gian sau thì giữa 2 bên nảy sinh tình cảm yêu đương.
Mối tình giữa thầy tu và cô gái kéo dài được vài tháng thì Phia có ý định dừng lại mục đích là do Phia muốn chuyên tâm vào việc tu hành, không muốn chuyện tư tình cá nhân ảnh hưởng đến việc tĩnh tu và rèn luyện bản thân. Nhưng thực chất là trong thời gian qua lại với Phia thì Ngân đã chót mang trong mình cốt nhục của người tình. Trái lại, Phia lại tỏ ra lanh nhạt với Ngân nên cô gái nghi ngờ Phia “có mới nới cũ”. Vì vậy, khi thấy Phia có ý định trốn tránh trách nhiệm cô gái nhiều lần tìm lên chùa để gặp người yêu nhằm làm rõ trắng đen.
Tuy nhiên, lần nào Phia cũng tìm cách trốn tránh không chịu gặp mặt Ngân. Do bực tức về hành động tránh mặt mình của Phia nên Ngân đã nghĩ ra cách dùng áp lực từ mạng xã hội để Phia bị đuổi khỏi chùa, bắt buộc phải hoàn tục. Ngân đã lập 1 tài khoản facebook ảo rồi tung lên đó những bức hình ghép mặt Phia với một số cô gái lạ, kèm theo đó là những lời lẽ cáo buộc rằng “Phia thân là người tu hành mà lại có quan hệ bất chính với nhiều cô gái. Nghiêm trọng hơn là còn làm cho 1 cô gái có thai nhưng lại chối bỏ trách nhiệm...”. Chứng kiến những thông tin nhằm bôi nhọ thanh danh của mình, Phia cảm thấy lo lắng vì sẽ bị đuổi khỏi chùa nên đã hẹn gặp Ngân để thỏa thuận về chuyện tình cảm giữa 2 người.
Tuy nhiên, khi gặp mặt người yêu, Ngân chỉ khóc lóc nói là rất yêu Phia và nhất quyết không chịu chia tay, nhất là lúc này cô đang mang trong mình cốt nhục của Phia nên muốn anh phải có trách nhiệm với đứa con trong bụng mình. Ngân cũng thừa nhận là mình cố tình bịa đặt ra những câu chuyện trên facebook để Phia bị đuổi khỏi chùa, có như thế thì Phia mới hoàn tục và cưới cô làm vợ.
Trong lúc nói chuyện giữa 2 người đã xảy ra mâu thuẫn cãi vã, tưởng Ngân chỉ hù dọa mình ai ngờ cô gái cuồng yêu đã chuẩn bị sẵn hung khí là một con dao để “đồng quy ư tận” với người yêu. Khi cảm thấy không thể thuyết phục được Phia thay đổi quyết định, Ngân đã rút dao ra xông vào định chém anh này. Phia đã nhanh tay đỡ được nhát dao, lúc này mọi dồn nén, chất chứa trong Phia như bùng phát, vừa tức giận vì những chuyện Ngân bịa đặt trên facebook, vừa lo sợ Ngân sẽ mang chuyện cái thai rêu rao ra ngoài nên Phia đã không thể kiềm chế nổi. Trong cơn cuồng nộ, Phia đã dùng tay siết cổ người yêu cho đến khi cô gái tắt thở mới thôi.
Sau khi gây án, phát hiện Ngân đã tắt thở, Phia vô cùng hoảng hốt nên đã tìm cách chôn xác Ngân ngay tại trong ngôi chùa. Để xóa dấu vết hòng lấp liếm cho hành động phạm tội của mình, Phia đã lấy điện thoại di động, túi xách và xe máy của nạn nhân mang xuống phòng trọ của 1 người bạn gái tại xã Thanh Sơn (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) để cất giấu. Tiền trong túi xách của nạn nhân Phia dùng tiêu xài, còn xe máy thì tìm nơi tiêu thụ nhưng chưa bán được.
Đến ngày, 17/10/2013, Phia đã đến cơ quan công an để đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Như vậy, mối tình ngang trái giữa thầy tu và cô gái cuồng yêu đã kết thúc bằng máu và nước mắt của người thân, gia đình nạn nhân cũng như của chính bản thân, gia đình hung thủ.
Bản án lương tâm
Hiện tại, dù đang phải trả một cái giá rất đắt cho những tội lỗi mình đã gây ra với bản án tù chung thân nhưng đối với Phia là những chuỗi ngày chưa một lần được thanh thản, chưa một phút giây nào không bị mặc cảm tội lỗi dày vò. Phạm nhân này chia sẻ: “Với những gì đã gây ra thì bản án tù chung thân đối với tôi là hoàn toàn xứng đáng. Thế nhưng, ngoài án tù thì điều mà bản thân cảm thấy khó khăn, đau khổ nhất lúc này chính là phải đối mặt với bản án lương tâm. Ban ngày, công việc cải tạo bận rộn có thể giúp tôi tạm quên đi những kí ức buồn, những tội lỗi của bản thân mình. Thế nhưng, khi màn đêm buông xuống là lúc những cảm xúc, những kí ức tội lỗi lại hiện về rõ ràng như nó mới vừa xảy ra khiến tôi vô cùng đau khổ, day dứt. Dù câu chuyện đã xảy ra 3 năm nay nhưng chưa đêm nào tôi có được một giấc ngủ ngon, không bị những giấc mơ quá khứ làm giật mình tỉnh giấc...”.
Theo chia sẻ của Phia, chính những dằn vặt từ bản án lương tâm trong suốt thời gian hơn 1 tháng trốn chạy đã thôi thúc anh này đến cơ quan công an để đầu thú. Sau khi gây án rồi tiến hành chôn xác nạn nhân, Phia đã không có một ngày được sống yên ổn. Trong thời gian bỏ trốn, mỗi giấc ngủ đối với hung thủ như một cuộc tra tấn cả về thể xác lẫn tinh thần. Hễ nhắm mắt lại là hình ảnh của Ngân lại hiển hiện trong tâm trí, rồi những hình ảnh về cái ngày tội lỗi cứ lần lượt tìm về như thể nó đang diễn ra ngay trước mắt khiến Phia không thể nào chợp mắt.
Phia cũng đã tìm nhiều cách để cố quên đi những hành động tội lỗi của mình, trong đó có cả cách sử dụng thuốc ngủ với mong muốn có được 1 giấc ngủ đúng nghĩa. Thế nhưng, tất cả đều vô dụng vì mỗi lần chìm vào giấc ngủ là hình ảnh người yêu chết oan, cùng thai nhi chưa thành hình hài lại hiện về kêu khóc xin tha mạng, rồi đòi đền mạng cho mình. Mỗi lần như vậy, khi giật mình tỉnh giấc là Phia lại cảm thấy vô cùng sợ hãi và không sao chợp mắt lại cho đến khi trời sáng.
Chính những giấc mơ hằng đêm đó đã khiến Phia không thể sống yên ổn, thâm tâm luôn cảm thấy bất an và biết rằng nếu tiếp tục trốn tránh nếu không bị công an bắt thì cũng khó sống nổi với bản án lương tâm trong con người mình. Vì vậy, Phia đã quyết định ra đầu thú với ý nghĩ làm như vậy sẽ giúp bản thân mình được giải thoát khỏi những ám ảnh tội lỗi. Suốt quãng thời gian hơn 1 tháng chạy trốn cho đến khi ra đầu thú, những cơn ác mộng, nỗi dằn vặt đã khiến Phia suy sụp, kiệt quệ đến không tưởng.
Thời gian đầu khi mới vào trại giam, Phia vẫn bị hoảng loạn về tinh thần, những cơn mơ hằng đêm vẫn không ngừng tìm về ám ảnh. Điều này, khiến Phia cảm thấy chán nản, có những ý nghĩ tiêu cực, không muốn giao tiếp với ai, lười tham gia lao động. Rất may, nhận được sự động viên kịp thời của các cán bộ tại trại giam đã giúp phạm nhân vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất cuộc đời mình. Các cán bộ trong trại đã giúp Phia nhận ra rằng luôn có lối thoát cho những con người thật sự biết hối cải, có quyết tâm làm lại cuộc đời. Và con đường duy nhất chính là cải tạo thật tốt, sống thật tốt để xứng đáng nhận được sự khoan hồng của pháp luật, được sự tha thứ của thân nhân người bị hại và không uổng công mong đợi của cha mẹ sinh thành.
|
Phạm nhân Kim So Phia bên tổ sản xuất tự quản của mình
|
Đến thời điểm hiện tại, sau gần 3 năm trả giá cho những tội lỗi của mình, Phia mới có phút trải lòng: “Tâm lý của tôi đã dần ổn định lại, mặc dù thỉnh thoảng những kí ức tội lỗi trong quá khứ vẫn hiện về nhưng tôi đã đủ bản lĩnh, dũng khí để vượt qua nó. Thứ giúp tôi có can đảm để vượt qua chính là gia đình và tương lai của bản thân mình. Tôi hiểu ra rằng, muốn có cơ hội để trả nợ cho những hành động trước đó của mình thì bản thân phải sống hơn thế là phải sống thật tốt thì chắc chắn gia đình, xã hội sẽ không ruồng bỏ mình”.
Nhờ cải tạo tốt, lại là phạm nhân có học thức nên Phia đã được Ban giám thị trại giam tin tưởng giao cho làm Đội trưởng Đội sản xuất tự quản tại Phân trại số 1. Phát huy sự tin tưởng từ Ban giám thị, Phia không chỉ giúp đội sản xuất của mình hoàn thành tốt những chỉ tiêu công việc được giao mà anh còn luôn tìm cách gần gũi giúp đỡ những phạm nhân khác mới vào trại. Giúp họ có đủ tự tin, bản lĩnh để vượt qua được những khó khăn trong thời gian đầu để họ an tâm cải tạo tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng hơn.
Ước nguyện trả nợ đời
Giờ này, khi ngồi chia sẻ với chúng tôi về quá trình phạm tội của mình, Phia cảm thấy vô cùng ăn năn và hối hận về tội lỗi mình đã gây ra. Chỉ vì một phút không kìm nén được bản thân mà Phia đã tự tay chôn vùi đi tất cả tương lai của mình, cướp đi mạng sống của hai con người vô tội trong đó có một mầm sống là giọt máu của chính bản thân mình. Không chỉ vậy, hành động đó còn để lại cho gia đình nạn nhân một sự mất mát lớn lao về tinh thần. Bên cạnh đó thì gia đình, dòng họ của Phia cũng luôn phải sống trong sự tủi hổ, điều tiếng của người đời vì hành động tội lỗi mà Phia gây ra.
Điều phạm nhân này cảm thấy đau lòng lúc này chính là việc người mẹ già của mình không có ai chăm sóc. Mặc dù, tuổi đã cao mà hàng ngày mẹ vẫn phải tự làm lụng vất vả, rồi dành dụm từng đồng để khi có cơ hội thì lên thăm gặp có tiền mua đồ tiếp tế cho đứa con thân mang trọng tội. Mỗi lần nhìn cảnh mẹ già gương mặt khắc khổ, lom khom vác từng bao đồ lên thăm con mà Phia không sao cầm nổi nước mắt.
Thương mẹ bao nhiêu thì Phia càng cảm thấy có lỗi bấy nhiêu, và đó cũng chính là động lực giúp Phia cố gắng cải tạo thật tốt, sống thật tốt để mong muốn có ngày được trở về bên mẹ, được đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục dù chỉ là 1 ngày anh cũng cảm thấy an lòng. Mỗi lần mẹ lên thăm nhìn mẹ lại già hơn, lưng lại còng hơn khiến lòng Phia đau nhói. Điều mà Phia sợ nhất lúc này là đến một ngày nào đó khi mình được quay trở về với xã hội thì mẹ sẽ không còn nữa, như vậy thì Phia sẽ mãi mãi mang trong mình cái tội bất hiếu...
Phạm nhân Kim So Phia chia sẻ, việc cần nhất lúc này là phải chăm chỉ cải tạo thật tốt để mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Chỉ có như vậy mới mong có cơ hội để trở về xã hội làm lại cuộc đời, chuộc lại những lỗi lầm mình đã gây ra. Anh cũng rất mong nhận được sự tha thứ từ gia đình của Ngân để lương tâm được vơi đi phần nào sự dày vò, cắn rứt. So Phia cho biết: “Trong trại giam tôi đã nhiều lần viết thư xin gia đình Ngân tha thứ, tuy nhiên chưa một lần tôi nhận được hồi âm... Tôi biết, nỗi đau mình gây ra cho gia đình nạn nhân là quá lớn và có lẽ cả đời này tôi cũng sẽ được tha thứ...”.
Nếu thật sự có ngày được trở về với xã hội, Phia không mong muốn mình sẽ có cuộc sống giàu sang, cũng không có ý định sẽ lập gia đình. Điều đầu tiên Phia muốn làm là được ở bên mẹ thời gian lâu nhất có thể để làm tròn đạo làm con. Sau khi, đã tận hiếu với mẹ thì mong ước cháy bỏng nhất của phạm nhân này chính là được tiếp tục trở lại với con đường tu hành, hàng ngày lấy việc “ăn chay, niệm Phật”, mong tích chút nhân đức để trả nợ cuộc đời.
Do đã có khoảng thời gian gần 10 năm đi tu nên Phia thấu hiểu một điều: “Cửa Phật chính là cội nguồn của sự thiện lương, là nơi sẵn sàng đón nhận những kẻ lầm lỗi biết sám hối”. Với Kim So Phia, chỉ có gửi mình nơi cửa Phật mới có thể giúp tâm hồn vốn mang đầy dằn vặt, mặc cảm tội lỗi của anh tìm được niềm tin để tiếp tục sống. Anh cũng khẳng định lựa chọn của mình không phải là hành động của một kẻ có chạy trốn quá khứ mà là để tích đức mong trả nợ cuộc đời...
Theo Pháp luật VN