Vừa qua, tại khu vực khu vực Vân Hồ (Sơn La) và huyện Mai Châu (Hòa Bình) đã xảy ra mưa đá trên diện rộng gây thiệt hại về hoa màu, tài sản của người dân. Trước đó, tại nhiều nơi trên cả nước cũng đã xảy ra mưa đá.
|
Mưa đá trên diện rộng gây thiệt hại về hoa màu, tài sản của người dân.
|
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia (Tổng cục Khí tượng thủy văn - Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa, thường xuyên có sự tranh chấp của các khối khí có đặc điểm khác nhau, khí quyển trở nên bất ổn định hơn nên mưa dông cũng xảy ra nhiều hơn so với các thời điểm khác trong năm, trong một số trường hợp ổ dông có đối lưu phát triển mạnh thì ngoài việc gây ra mưa to có thể kèm theo hiện tượng mưa đá và gió giật mạnh.
|
Ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia. |
Trưởng phòng Dự báo thời tiết cho biết thêm, trường hợp mưa dông ngày 24/4 ở khu vực giữa Hòa Bình và Sơn La là một ví dụ điển hình, nguyên nhân là do ảnh hưởng rìa phía Nam của một khối không khí lạnh yếu, kết hợp với hoạt động một vùng hội tụ gió trên độ cao 1500m được tạo ra bởi rìa phía Tây của lưỡi áp cao cận nhiệt đới (khối không khí biển lấn từ phía Đông vào), cộng thêm gió Tây Nam di chuyển từ vùng Thượng Lào sang, hội tụ ở khu vực dọc kinh tuyến 105, vì thế từ chiều tối và đêm (23/4) ở khu vực Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa rào và dông mạnh.
Theo số liệu vệ tinh ước tính nhiệt độ đỉnh mây đối lưu thời điểm dông ở mức -81,2 độ C, đây là dấu hiệu cho thấy tháp mây đối lưu phát triển rất dữ dội. Độ cao khối mây có thể trên 10km. Sự bột phát của những tháp mây như vậy thường xuất hiện vào giai đoạn giao mùa và gây ra dông lốc mạnh hoặc mưa đá. Vùng mây phát triển mạnh dịch chuyển chậm nên gây ra mưa đá tập trung ở vùng giáp Sơn La, Hoà Bình.
Ông Hưởng nhấn mạnh, những ngày tới, đáng lưu ý nhất vẫn là tình trạng nắng nóng. Trong những ngày nghỉ lễ dịp 30/4, Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung sẽ chịu tác động của hoàn lưu vùng áp thấp nóng phía Tây, với tác động của hoàn lưu vùng thấp nóng phía Tây giai đoạn từ ngày 26/4 đến khoảng ngày 30/4 ở khu vực Bắc Bộ, sẽ xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt, với mức nhiệt cao nhất trong ngày ở khu vực phía Tây Bắc Bộ từ 36-39 độ, có nơi trên 40 độ; ở khu vực phía Đông Bắc Bộ và thủ đô Hà Nội nhiệt độ cao 36-38 độ, có nơi trên 38 độ; riêng khu vực các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa-Phú Yên sẽ xảy ra nắng nóng gay gắt và nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao 37-40 độ, có nơi trên 40 độ.
Còn ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ trong giai đoạn từ 26-30/4/2024 cũng xảy ra nắng nóng trên diện rộng với mức nhiệt cao 35-37 độ, có nơi trên 38 độ. Dự báo khoảng sau ngày 30/4, trong 1-2 ngày đầu tháng 5/2024 có một khối không khí lạnh yếu từ lục địa Trung Quốc di chuyển xuống, ở Bắc Bộ giai đoạn từ ngày 1-2/5 có khả năng xuất hiện mưa rào và dông trở lại, còn ở miền Nam gió Tây Nam cũng có xu hướng xuất hiện, gây mưa dông; giai đoạn những ngày đầu tháng 5/2024 ở miền Bắc, miền Nam cần đề phòng với hiện tượng dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Dự báo xa hơn, từ nay cho đến tháng 6 (trọng tâm là tháng 5) là giai đoạn có sự chuyển biến thời tiết từ mùa lạnh sang mùa nóng, mùa khô sang mùa mưa ở Bắc Bộ nên các hiện tượng dông mạnh kèm lốc, sét, mưa đá có khả năng xuất hiện nhiều nhất trong năm, đặc biệt ở vùng núi do tác động của địa hình có thể tạo ra các ổ mây đối lưu phát triển mạnh, hệ quả là gây ra các trận dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Thời gian dông, lốc, sét nhất là mưa đá và gió giật mạnh ở Bắc Bộ, khu vực Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh thường xuất hiện vào chiều, chiều tối và đêm. Để hạn chế tác động, kiến nghị người dân thường xuyên theo dõi các thông tin cảnh báo khí tượng thủy văn thông qua các kênh truyền hình, báo chí, cổng thông tin cảnh báo trực tuyến của cơ quan khí tượng thủy văn.
>>> Xem thêm video: Mưa to gây sạt lở kinh hoàng tại Đà Lạt, vùi lấp người và tài sản
Gia Đạt