Mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn cao hay thấp, có đủ sức răn đe không?

Google News

(Kiến Thức) - Sau khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP CP của Chính phủ có hiệu lực, cơ quan chức năng đã vào cuộc rất gắt gao về xử phạt về vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Vậy, mức xử phạt nồng độ cồn theo Nghị định 100 hiện nay là cao hay thấp và sẽ có hiệu quả lâu dài hay không? 

Mới đây, Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT), Bộ Công an cho biết, sau hai ngày (1 và 2/1) thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý 615 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền 816.800.000 đồng.
Cũng theo Cục CSGT, việc quy định cấm triệt để sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia và sửa đổi, bổ sung các hành vi mới, nâng mức xử phạt đối với các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP là rất đồng bộ, kịp thời trước những phức tạp của tình hình trật tự, an toàn giao thông hiện nay.
Muc xu phat vi pham nong do con cao hay thap, co du suc ran de khong?
 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
Trao đổi với PV Kiến Thức về vấn đề này Ths. Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, việc Quốc hội thông qua Luật phòng chống tác hại rượu bia có hiệu lực từ 01/01/2020 thì Chính phủ cũng sửa đổi Nghị định 46, thay thế bởi Nghị định 100/2019/NĐ-CP để tăng mức chế tài đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Mục đích tăng mức chế tài xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng là chế tài cũ trước đây theo Nghị định 46 nhiều người cho rằng không đủ sức răn đe.
Thêm vào đó là liên tục xảy ra những vụ tai nạn giao thông liên hoàn, thảm khốc có nguyên nhân từ việc sử dụng rượu bia quá mức kiểm soát. Khi các tài xế có hơi men mà tham gia giao thông thì hiểm họa rất nguy hại, khôn lường với những người tham gia giao thông và với chính người điều khiển phương tiện giao thông đó. Bởi vậy, việc ngăn chặn tình trạng người tham gia giao thông có nguy cơ mất kiểm soát hành vi do rượu bia là cần thiết.
Theo thống kê của ngành y tế và Ủy ban an toàn giao thông quốc gia thì tình trạng vi phạm giao thông do sử dụng rượu bia dẫn đến hậu quả tai nạn giao thông là rất cao và nhiều vụ nghiêm trọng Chế tài của Nghị định 46 không đủ sức răn đe, tình trạng vi phạm giao thông do sử dụng nồng độ cồn vẫn tăng cao khó kiểm soát, bởi vậy việc tăng cường các chế tài hành chính và tăng mức xử phạt tiền là cần thiết.
Những ngày đầu khi áp dụng nghị định 100 thì không tránh khỏi một số trường hợp người vi phạm phản đối vì cho rằng mức phạt là cao. Tuy nhiên, mức phạt này chỉ cao so với Nghị định 46 trước đây chứ so với chế tài của nhiều nước trên thế giới thì không đáng kể. Thực tiễn cho thấy nhiều nước đã áp dụng chế tài hình sự (phạt tù) với những tài xế có nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Nhiều quốc gia có mức phạt tiền rất cao so với Nghị định 100, và áp dụng nhiều chế tài bổ sung...
Muc xu phat vi pham nong do con cao hay thap, co du suc ran de khong?-Hinh-2
Ths. luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội 
Cũng cần nói thêm là Nghị định 100 tăng tính nghiêm minh của chế tài hành chính, tăng mức xử phạt tiền không phải là để tăng nguồn thu ngân sách, không phải là "làm khó" cho người tham gia giao thông, mà chỉ là để tác động vào ý thức của người tham gia giao thông, làm thay đổi hành vi lái xe trong tình trạng nguy hiểm, thay đổi thói quen của người dân trong việc sử dụng rượu bia, vì an toàn của mình và của người khác.
Chế tài hành chính hoặc hình sự là biện pháp răn đe, đồng thời cũng là một trong các giải pháp để phòng ngừa. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên lạm dụng các chế tài đối với công tác phòng ngừa mà phải tập trung thực hiện đồng bộ, đầy đủ các giải pháp tích cực để giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông nói chung, tình trạng vi phạm giao thông do sử dụng rượu, bia, chất kích thích nói riêng...
Muc xu phat vi pham nong do con cao hay thap, co du suc ran de khong?-Hinh-3
 Kiểm trang nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông.
Cần tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông; Cần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả, đặc biệt là luật giao thông đường bộ, luật phòng chống tác hại rượu bia và các văn bản hướng dẫn; Cần gắn trách nhiệm cho từng cơ quan, đơn vị, tổ chức trong việc phòng chống tác hại rượu bia và để đảm bảo an toàn giao thông; Cần đảm bảo việc xử lý vi phạm đúng đắn, kịp thời, và triệt để để đảm bảo công bằng và tránh những trường hợp nể nang, tiêu cực trong việc xử lý vi phạm...
Việc tăng mức xử phạt vi phạm giao thông cũng đồng thời tăng tính chất nóng bỏng trong các tình huống xử phạt, việc người vi phạm chống đối, cản trở, nảy sinh ý định đưa hối lộ, vận dụng mối quan hệ để tránh xử phạt sẽ gia tăng nhiều hơn...
Bởi vậy, lực lượng chức năng khi thực hiện nhiệm vụ cần nghiêm túc chấp hành các quy định, mệnh lệnh, cần đảm đủ lực lượng để xử lý, có nghiệp vụ tốt để kịp thời xử lý các trường hợp chống đối, manh động; Tuyệt đối không được nể nang hoặc tiêu cực khi thực hiện nhiệm vụ. Việc thực thi công bằng, nghiêm minh thì mới phát huy được tác dụng của các văn bản pháp luật này. Nếu chế tài nghiêm minh nhưng việc tổ chức thực hiện không triệt để, có biến tướng nể nang hoặc tiêu cực thì chế tài đó chỉ là cơ hội, điều kiện cho xã hội bất bình đẳng, mất công bằng và gây ra nhiều hệ lụy xấu khác
Những con số ám ảnh
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về số người chết do tai nạn giao thông. Thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia cho thấy năm 2018, toàn quốc có gần 25.000 người bị chết do tai nạn giao thông; 4 tháng đầu năm 2019, cả nước xảy ra 5.453 vụ tai nạn giao thông, làm 2.570 người chết, gần 4.200 người bị thương. Đáng nói trong số đó có đến 40% số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia, có những vụ việc đã trở thành nỗi ám ảnh cho cộng đồng.
Theo thống kê của Uỷ ban ATGT quốc gia, năm 2018, lực lượng chức năng đã xử lý hơn 91.000 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn; 4 tháng đầu năm 2019, cảnh sát giao thông đã xử phạt gần 50.000 trường hợp lái xe say xỉn. Riêng tại Quảng Ninh, quý I/2019, lực lượng CSGT đã xử phạt 304 trường hợp lái xe trên đường có nồng độ cồn quá mức cho phép, xử phạt hành chính 1,061 tỷ đồng, tạm giữ 304 phương tiện, tước 304 giấy phép lái xe.
Tại một hội nghị về công tác bảo đảm trật tự ATGT do Ủy ban ATGT quốc gia tổ chức, rất nhiều ý kiến các bộ, ngành, địa phương đã cho rằng một số quy định trong Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt còn nhẹ, khiến nhiều người “nhờn luật”, bởi vậy cần phải sửa đổi tăng mức độ xử phạt cao hơn.
Muc xu phat vi pham nong do con cao hay thap, co du suc ran de khong?-Hinh-4
Hình ảnh vụ tai nạn thảm khốc do tài xế lái xe sau khi xử dụng rượu bia đã làm 4 người tử vong thương tâm xảy ra vào tối ngày 30/11/2019, trên đường Phước Tân-Bãi Ngà, đoạn qua thôn Đa Ngư, xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. 
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Bộ GT-VT đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn. Theo đề xuất thì đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, phạt tiền từ 34-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng khi người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở... (Nghị định 46/2016 hiện đang quy định xử phạt từ 16-18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 4-6 tháng). Không chỉ tăng chế tài xử phạt, triển khai các biện pháp đồng bộ về xử phạt, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng về “nói không với rượu bia khi tham gia giao thông" phải được đẩy mạnh hơn nữa.
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, chính thức có hiệu lực. Theo đó, bất kể người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (ô tô, máy kéo, xe máy, xe máy điện, xe mô tô) và phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (xe đạp, xích lô, xe lăn, xe súc vật kéo...) nào cũng đều không được phép uống rượu bia khi lưu thông trên đường. Nếu vi phạm, dù chỉ có nồng độ cồn nhẹ trong máu, tài xế sẽ phải nhận mức xử phạt cao hơn nhiều so với trước đây.
Đối với người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg /1l khí thở.
Đối với người điều khiển xe mô tô từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400-600 nghìn đồng. Theo quy định mới, người điều khiển ô tô, xe máy, xe đạp nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn dù chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg /1l khí thở, vẫn bị xử phạt.
Một số quốc gia khác trên thế giới cũng áp dụng nhiều hình phạt nghiêm khắc để ngăn chặn tình trạng say xỉn khi tham gia giao thông như Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc.... Như vậy so với một số quốc gia nêu trên thì chế tài hành chính trong nghị định 100 của Việt Nam không phải là quá nghiêm khắc. Việc quy định chế tài nâng lên so với nghị định 46 là cần thiết để tác động vào Ý thức của người dân khi tham gia giao thông và để phòng ngừa các vụ việc tai nạn giao thông có thể xảy ra xuất phát từ việc tài xế uống rượu bia.
>>> Xem thêm video: Những hình phạt nồng độ cồn đối với người đi xe đạp, xe máy, và xe ô tô

Nguồn: VTV1.

Trung Vương