Năm Cam (Kỳ 14): Sòng bạc bị tố giác, mua chuộc quan chức

Google News

Sòng bạc bị tố giác, Năm Cam bị bắt đi cải tạo và có nguy cơ nhận án. Biết mình bị đưa vào tầm ngắm, Năm Cam chết điếng người cùng Thành Chân đáp máy bay ra Hà Nội tìm cách “chạy thuốc”

Nam Cam (Ky 14): Song bac bi to giac, mua chuoc quan chuc

Sòng bạc của Năm Cam bị tố giác 

Sòng bạc tại “cứ địa” 148 Tôn Đản, Năm Cam tin tưởng giao cho Thị Điệu - vợ của Thọ “đại uý”, vốn không đẹp nhưng khá giỏi và khôn ngoan làm hàng xáo (một dạng bảo lãnh cho vay nặng lãi tại sòng bạc), đem lại lãi suất siêu lợi nhuận từ 20-30, có khi 40-50%. Vì vậy, nếu không phải là đích thân Trúc “mẫu hậu” hoặc Điệu thì không ai đủ độ tin cậy được Năm Cam giao phó.

Phú “nẩu” - con bạc gốc Huế hay lui tới các sòng bạc đến độ nhẵn cả mặt và cũng đã cúng cho các sòng bạc Năm Cam không biết bao nhiêu là tiền của. Tiền bạc mang theo thua sạch túi. Phú cầu cứu Điệu, sau vài ván bài đen, 50 triệu của Điệu quăng ra như “muối bỏ biển”. Phú thế chấp căn nhà lấy tiền gỡ gạc. Điệu giở trò đúng bài bản ép giá. Bấm bụng nhận lấy số tiền Điệu đưa cho trước sau 150 triệu, Phú lao vào xới bạc. Nửa giờ sau, gã cháy túi.

Phú sợ hãi về nhà thuyết phục vợ đưa giấy tờ nhà cho mình thế chấp. Đàn bà vốn tiếc của, vợ của Phú không cần gì biết Năm Cam là ai, vội làm đơn tố giác sòng bạc của y. Lá đơn chưa kịp gởi đi, có người quen biết vội cản lại vì thế lực của Năm Cam ở thành phố rất lớn. Vợ Phú mặt tái xanh tái xám vì vừa sợ, vừa tiếc của, thấy vậy người đó quân sư gửi đơn lên Bộ Nội Vụ (5.1998 đổi tên là Bộ Công an) và đồng thời tiếp luôn những lá đơn khác ra Hà Nội, may ra được việc.

Những lá đơn tố cáo Năm Cam xuất hiện trên bàn những vị lãnh đạo cấp cao, Ban biên tập Báo Thanh Niên viết thư báo cáo Thủ tướng Chính phủ về sự lộng hành của đường dây tội ác này và những kẻ bảo kê cho chúng. Bức thư đó được Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê: “Phải làm cho quyết liệt”, chuyển sang Bộ Công an. Cục quân báo Bộ quốc phòng báo cáo mật với Thủ tướng Chính phủ về họat động tổ chức sòng bạc của Năm Cam và các mối quan hệ của y với những viên chức có chút ít quyền lực. Y dùng mối quan hệ này làm vỏ bọc thanh thế để tạo nguồn thu bất chính, triệt tiêu các đối thủ, gần như hoàn toàn chinh phạt và thu tóm thế giới ngầm xã hội đen. 

Thông tin tối mật tầm cỡ an ninh quốc gia còn có khi bị rò rỉ bởi những kẻ hám tiền hám gái, huống hồ lá đơn tố cáo của một người phụ nữ cô thế. Năm Cam được mật báo bằng tin nhắn: “Ông đã bị tố cáo tổ chức đánh bạc và cho vay nặng lãi”. Năm Cam về nhà, y lập tức gọi Điệu đến hỏi nguồn cơn. Nghe xong, Năm Cam bảo Hiệp “phò mã” đến nhà riêng của một số cán bộ quan chức chạy vạy. Năm Cam cố gắng dùng mọi mối quan hệ để hóa giải những lá đơn bằng cái vỏ bọc cơ sở đặc tình của công an để mua chuộc nhiều quan chức.

Thủ tướng trực tiếp giao ông Bùi Thiện Ngộ là Bộ trưởng Bộ Nội vụ lúc đó làm rõ các nội dung báo cáo của Cục Quân báo. Sau khi thẩm định các họat động của Năm Cam, Tổng Cục cảnh sát và An ninh Công an TP.Hồ Chí Minh phát hiện Năm Cam sẵn sàng trốn ra nước ngoài khi thế lực che chắn y trở thành bất lực. Vẻ bề ngoài đầy chất lương thiện, khôn khéo đến mức nham hiểm như con cáo, biến hóa linh hoạt như con tắc kè biết thay đổi màu sắc phù hợp với môi trường, lúc nào cũng thơn thớt dạ thưa của Năm Cam bị vạch mặt. Giờ đây số phận của Năm Cam ở tình thế như chỉ mành treo chuông, chắc chắn sẽ bị bắt trong sớm muộn.

Nam Cam (Ky 14): Song bac bi to giac, mua chuoc quan chuc-Hinh-2

Năm Cam đã vung ra cả “núi tiền” để chạy vạy, cầu cứu hàng loạt quan chức cấp cao, nhờ vậy y thoát án một cách ngoạn mục 

Năm Cam cầu cứu Thuyết “buôn vua”

Biết mình bị đưa vào tầm ngắm, Năm Cam chết điếng người cùng Thành Chân đáp máy bay ra Hà Nội tìm cách “chạy thuốc”. Thành Chân giới thiệu Năm Cam với hàng loạt anh chị có tên tuổi đất Bắc. Tuy được trọng vọng và chiêu đãi đủ các loại gái tơ, lẫn một vài nghệ sĩ đã thành danh, Năm Cam cũng không sao thoát khỏi ám ảnh lưỡi gươm công lý đang treo lơ lửng trên đầu mình bởi ai cũng nhún vai, lắc đầu xin khước từ.

Đang ở thế bí, Năm Cam được Thắng “tài dậu” (nhà ở Lương Sử, quận Đống Đa, Hà Nội), thuộc dạng có vai vế trong giang hồ như Phúc bồ, Khánh trắng, Sơn bạch tạng ở Hà Nội, Cu Nên, Dung Hà ở Hải Phòng... dẫn mối tới gặp Trần Văn Thuyết, sau này được đặt biệt danh là Thuyết “buôn vua”.

Thuyết (SN 1957) làm công an từ năm 1978 đến năm 1987 thì ra khỏi ngành, đi buôn hàng điện tử. Phất lên nhanh chóng nhờ buôn bán gặp thời, am hiểu pháp luật, hoạt ngôn, khéo ăn nói, đa tình. Thuyết quan hệ rộng, lại là người có thế lực ngầm, đám giang hồ “số má” như Sơn “bạch tạng”, Thắng “tài dậu” cũng phải kiềng mặt. Biết Năm Cam có thế lực lớn trong Sài Gòn và có nhiều tiền, Thuyết gật đầu nhận lời để vừa tạo uy danh, vừa kiếm thêm tiền. Hướng dẫn Năm Cam viết đơn gửi các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thuyết đưa Năm Cam đến nhà ông Cao Huy Phước, cán bộ công an đã về hưu ở phố Hàng Bông cậy nhờ.

Từ nhà ông Huy Phước ra về, Thuyết bảo Năm Cam chuẩn bị “kinh phí”. Cầm tiền của Năm Cam, Thuyết nhờ Nguyễn Thập Nhất (Trưởng phòng kiểm sát giam giữ - Viện Kiểm sát Hà Nội) nghiên cứu hồ sơ, sắp xếp trình tự gửi đến các cơ quan bảo vệ pháp luật và công luận. Năm Cam sau đó về TP.Hồ Chí Minh thì “án binh bất động” mọi hoạt động phi pháp. 

Thủ Tướng Chính Phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nội vụ chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ và Công an TP.Hồ Chí Minh khẩn trương lập hồ sơ đưa Năm Cam đi tập trung giáo dục cải tạo. Thủ tướng yêu cầu chính quyền TP.Hồ Chí Minh nếu xét thấy nếu để Năm Cam ở ngoài xã hội sẽ gây trở ngại cho việc điều tra làm rõ hoạt động phạm tội của hắn và đồng bọn thì thực hiện ngay thủ tục đưa y tập trung cải tạo, qua đó điều tra làm rõ những hành vi phạm tội của y và đồng bọn. Thấy có khả năng bị bắt, Năm Cam bàn với Trúc “mẫu hậu” và con rể. “Nếu có điều xấu xảy ra thì hai mẹ con ra Hà Nội nhờ chú Thuyết chạy giúp “

Ngày 20.5.1995, Chủ Tịch UBND TP.Hồ Chí Minh ký quyết định số 73 đưa Năm Cam đi tập trung giáo dục cải tạo, thời hạn 3 năm. Ngày 22.5.1995, Năm Cam trúng kế “điệu hổ ly sơn” của các trinh sát đặc nhiệm của Bộ Nội vụ bị nên bị bắt một cách bất ngờ. Y cảm thấy đất như sụp dưới chân, y lẳng lặng nghe hết nội dung lệnh bắt rồi lúi húi ký tên. Hôm sau, Năm Cam được áp giải ra sân bay Tân Sơn Nhất để đưa ra Hà Nội, trên tay được gắn 2 chiếc còng, một ở cổ tay một ở ngón tay cái. Năm Cam bị bắt đưa về Trại tạm giam của Bộ Nội vụ ở Hà Tây cũ, sau đó ngồi chung trường cải tạo với Sơn “bạch tạng” ở trại Thanh Hà. Năm Cam tạm rời khỏi vị trí số một của thế giới ngầm.

Còn nữa...

Theo Báo Pháp Luật