Nam Định: Phá nhanh tội phạm tín dụng đen

Google News

Cùng với cả nước, lực lượng Công an tỉnh Nam Định đã đấu tranh quyết liệt, đánh thẳng, đánh mạnh tấn công trấn áp, điều tra, khám phá nhanh các vụ án có liên quan đến tội phạm “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê.

Hàng loạt vụ việc liên quan đến “tín dụng đen”, lần lượt từng ổ nhóm, đối tượng đã bị Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Nam Định cùng các đơn vị chức năng bắt giữ, bóc gỡ, triệt xóa; góp phần bảo đảm hoạt động tín dụng lành mạnh, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững, an ninh trật tự, an toàn xã hội ổn định.
Nam Dinh: Pha nhanh toi pham tin dung den
 
Đánh thẳng, đánh mạnh các ổ nhóm “tín dụng đen”
Hoạt động “tín dụng đen” “bủa vây” khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, chúng xâm nhập, tiếp cận các đối tượng, không phân biệt giới tính, lứa tuổi, nghề nghiệp, từ thanh niên đến người trung tuổi, từ lao động tự do đến công chức nhà nước. Khi người vay có nhu cầu, chỉ sau một cuộc điện thoại đã có người mang tiền đến tận nơi cho vay mà không cần bất cứ tài sản có giá trị nào để thế chấp. Tiền trao nhanh, giấy tờ làm tin chủ yếu là những mảnh giấy biên nhận viết tay ghi số tiền và số lãi thỏa thuận với mức 3.000- 5.000 đồng, thậm chí có thể cao hơn 7.000 đồng/ngày/1 triệu đồng tiền vay, kèm theo giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy phép lái xe của người vay.
Thế nhưng, đằng sau tờ giấy viết tay thỏa thuận lại là những hệ lụy gây mất an ninh trật tự - an toàn xã hội, đẩy nhiều gia đình rơi vào cảnh “tan cửa nát nhà, vợ chồng ly tán”. Chủ nợ thường thuê các băng nhóm tội phạm, đối tượng có tiền án, tiền sự sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm đi đòi nợ. Nếu người vay không trả được sẽ bị uy hiếp, đe dọa, gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản có khi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự… gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân.
Đối tượng hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Nam Định chủ yếu hoạt động đơn lẻ dưới các hình thức mở các cửa hiệu cầm đồ, kinh doanh dịch vụ tài chính không thuộc các ngành nghề kinh doanh có điều kiện như “dịch vụ tài chính”, “tư vấn tài chính”, “hỗ trợ tài chính” hoặc không mở cửa hiệu nhằm tránh sự quản lý, kiểm tra của Cơ quan Công an. Vay tiền của các đối tượng này chủ yếu là những thanh thiếu niên ham chơi, lười lao động, cần tiền sử dụng vào các tệ nạn xã hội như lô đề, cờ bạc, ma túy… Một số người dân vay tiền để đảo vốn ngân hàng, vay tiền để trả nợ, đầu tư kinh doanh hoặc do hoàn cảnh khó khăn cần tiền để giải quyết công việc nhưng không có tài sản thế chấp. Khi người vay không có khả năng trả nợ do lãi suất quá cao, các đối tượng đòi nợ thuê có hành vi đe dọa, hành hung, bạo lực gây phức tạp đến an ninh trật tự- an toàn xã hội.
Trao đổi với phóng viên, Đại tá Phạm Văn Long, Giám đốc Công an tỉnh Nam Định cho biết: Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Nam Định đã chỉ đạo lực lượng Công an tỉnh tập trung tăng cường nhiều biện pháp phòng ngừa như kiểm tra, quản lý chặt hoạt động cầm đồ, cho vay; chặn phát tờ rơi, quảng cáo cho vay; tuyên truyền cho người dân tránh và tố giác “tín dụng đen”. Ngoài ra, tăng cường công tác lập danh sách các đầu mối, nắm chắc hoạt động của đối tượng và các cơ sở có dấu hiệu hoạt động phức tạp, làm tốt công tác tiếp nhận và giải quyết tin báo tố giác về tội phạm có liên quan đến “tín dụng đen”. Đánh thẳng, đánh mạnh các ổ nhóm, điều tra, khám phá nhanh các vụ án có liên quan đến tội phạm “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê. Lần lượt từng băng nhóm, đối tượng đã dần được bóc gỡ, triệt xóa và đưa ra ánh sáng.
Đại tá Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh chia sẻ rằng: Phòng Cảnh sát Hình sự đã tham mưu cho Công an tỉnh để đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết định thành lập tổ công tác liên ngành và xây dựng Kế hoạch kiểm tra liên ngành các cơ sở kinh doanh dịch vụ tài chính, cơ sở cầm đồ có hoạt động liên quan đến tín dụng. Giao cho Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các đơn vị, các ngành tiến hành kiểm tra các cửa hiệu kinh doanh dịch vụ tài chính và cầm đồ có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”; tập trung vào các cửa hiệu có các đối tượng côn đồ tham gia, phát hiện sai phạm, xử lý nghiêm để răn đe.
Xử lý nghiêm minh các đối tượng
8 vụ án đã được Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh cùng các đơn vị khởi tố với 23 đối tượng về các tội danh: Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và đánh bạc, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Lật lại từng trang hồ sơ vụ án, Đại tá Nguyễn Minh Tuấn kể lại việc khám phá chuyên án triệt xóa nhóm cho vay lãi nặng 180%/năm tại huyện Xuân Trường, Nam Định. Cầm đầu nhóm cho vay lãi nặng này là Bùi Nghĩa Hưng (36 tuổi), trú tại thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, Nam Định. Đến bây giờ chị N.T.T. (trú tại Xuân Vinh, huyện Xuân Trường, Nam Định) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại việc bị Bùi Nghĩa Hưng cùng các đối tượng siết nợ, đe dọa hành hung, khủng bố tinh thần.
Anh Đinh Quang Công là chồng của chị N.T.T. có vay của Hưng 3 lần với tổng số tiền 180 triệu đồng. Sau đó, Hưng đã đến nhà anh Công để đòi nợ nhưng anh Công đã bỏ đi, chỉ có chị N.T.T. cùng mẹ anh Công ở nhà. Hưng nói với chị N.T.T. về việc anh Công đã vay số tiền 180 triệu đồng và yêu cầu chị N.T.T. phải trả nợ thay cho anh Công.
Chị N.T.T. nói không biết về việc anh Công đã vay tiền Hưng nên không trả tiền. Hưng đã thuê, rủ các đối tượng Lê Văn Trịnh, Hoàng Thọ Vũ, Phan Văn Nam, Đỗ Văn Tú cùng một số đối tượng khác mang theo mã tấu, nhiều lần đến nhà chị N.T.T. đe dọa, chửi bới, đập phá đồ đạc, hất chất bẩn, dầu luyn vào nhà chị N.T.T. Khi Hưng và Đỗ Văn Tú đến nhà chị N.T.T. để đòi nợ, nhận số tiền 20 triệu đồng và viết giấy ký nhận thì bị Cơ quan Công an bắt quả tang.
Qua điều tra xác minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nam Định đã bắt giữ, khởi tố Bùi Nghĩa Hưng cùng nhiều đối tượng khác có liên quan về các tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, đánh bạc.
Ngày 16/1/2019, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh đã khám phá chuyên án, khởi tố 7 đối tượng về các tội cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, đánh bạc, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Qua điều tra, xác định các đối tượng cho 66 người vay tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng với lãi suất 5.000 đồng/1 triệu/1 ngày ( bằng lãi suất 180%/1 năm). Công an huyện Hải Hậu, Nam Định cũng đã bắt, khởi tố 4 đối tượng côn đồ liên quan đến tín dụng đen tại địa bàn xã Hải Minh, Hải Hậu, Nam Định.
Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh còn phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành có liên quan tổ chức đợt kiểm tra liên ngành cửa hiệu kinh doanh dịch vụ tài chính và cầm đồ, tập trung vào những cửa hiệu có đối tượng côn đồ tham gia. Qua kiểm tra 34 cửa hiệu, cơ sở kinh doanh dịch vụ tài chính, cầm đồ trên địa bàn TP Nam Định, huyện Mỹ Lộc, huyện Giao Thủy đã phát hiện 15 cửa hiệu có lỗi vi phạm; 4 cửa hiệu có dấu hiệu hoạt động “tín dụng đen”. Phòng Cảnh sát Hình sự đã tạm giữ sổ, sách ghi chép về cho vay tiền, lãi suất vay và triệu tập các đối tượng để đấu tranh...
Để ngăn chặn, tạo sức mạnh tổng hợp phòng ngừa, đấu tranh đẩy lùi nạn “tín dụng đen”, Đại tá Phạm Văn Long, Giám đốc Công an tỉnh Nam Định nhấn mạnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt lực lượng Cảnh sát Hình sự cùng các đơn vị tập trung áp dụng các biện pháp phòng ngừa, tấn công trấn áp các hành vi, tội phạm hoạt động “tín dụng đen” và hành vi vi phạm pháp luật có liên quan. Nghiên cứu kỹ phương thức, thủ đoạn của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” để có đối sách đấu tranh phù hợp. Siết chặt việc cấp phép, tăng cường kiểm tra các địa điểm, cơ sở kinh doanh thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự để phát hiện, xử lý sai phạm. Nắm chắc tình hình địa bàn phát hiện những vụ việc có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; phối hợp trao đổi thông tin, nhanh chóng thu thập tài liệu xử lý nghiêm minh các đối tượng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cho vay trong các giao dịch dân sự; tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn của hoạt động cho vay nặng lãi, lừa đảo thông qua huy động vốn tự phát với lãi suất cao bất thường để giúp người dân hiểu được hậu quả khi tham gia “tín dụng đen”.
Đồng thời nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa, tố giác các hành vi vi phạm với Cơ quan Công an; bảo đảm hoạt động tín dụng lành mạnh, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững, an ninh trật tự, an toàn xã hội ổn định. Đối với người dân khi có nhu cầu vay tiền nên tìm đến các tổ chức tín dụng ngân hàng, cương quyết không dễ dãi ký giấy vay nợ để rồi mắc bẫy của các đối tượng chuyên hoạt động theo kiểu “tín dụng đen”, gây ra những hậu quả khôn lường cho chính bản thân mình, người thân và gia đình, xã hội.
Theo Việt Hưng/ CAND