Nam sinh lớp 10 làm bạn gái mang bầu - buồn vì lỡ dở tương lai

Google News

Câu chuyện nữ sinh lớp 10 ở Phú Thọ mang thai với bạn học và học sinh lớp 8 tại Lào Cai có bầu với thầy giáo khiến dư luận đau lòng.

Câu chuyện nữ sinh ở Phú Thọ mang thai với nam sinh lớp 10, buộc phải nghỉ học và đã sinh con khiến nhiều người "vừa thương vừa giận". Trước đó, tại Lào Cai, nữ sinh lớp 8 bị thầy giáo quan hệ tình dục nhiều lần tại trường cũng phải nghỉ học, chờ sinh con.
Nhiều ý kiến bày tỏ sự tiếc nuối khi các nữ sinh mang thai ngoài ý muốn, lỡ dở việc học hành.
Có cả lỗi của người lớn
Chia sẻ với hoàn cảnh của hai nữ sinh mang bầu mới học lớp 8 và 10, cô Nguyễn Thu Thảo - giáo viên tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội - cho rằng các em đáng thương nhiều hơn đáng trách. Làm mẹ là điều thiêng liêng nhưng cũng vô cùng khó khăn. Ở tuổi vị thành niên, các em còn thiếu quá nhiều thứ, từ kinh nghiệm sống, sức khỏe, kinh tế để chăm sóc con, tự lập.
"Sốc, buồn bã, hoang mang không chỉ là tâm trạng của các em, mà còn của những thành viên gia đình khi biết chuyện. Sinh con ở tuổi vị thành niên đồng nghĩa việc các em phải nghỉ học một thời gian, thậm chí nhiều bạn nghỉ học hẳn, khiến dự định tương lai bị trì hoãn, lỡ dở. Để vượt qua những điều này, học sinh phải có tinh thần mạnh mẽ", cô Thu Thảo nêu quan điểm.
Nam sinh lop 10 lam ban gai mang bau - buon vi lo do tuong lai
Ảnh minh họa. 
Một nghiên cứu mới đây do TS Trần Thành Nam và cộng sự thực hiện cho thấy trong số học sinh THPT thừa nhận từng có quan hệ tình dục, 29,5% nam sinh cho biết không sử dụng bao cao su trong lần quan hệ gần nhất.
"Buồn vì lỡ dở mất tương lai. Tiếc cho các em còn là học sinh phổ thông, ngồi trên ghế nhà trường. Dù biết gia đình sẽ ở bên, giúp đỡ, hai bạn trẻ vẫn khó có thể viết tiếp ước mơ học hành, sự nghiệp, khi cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền ập đến", bạn Hoa Nguyễn viết.
Nhiều ý kiến cho rằng vấn đề ở đây không hẳn là học sinh quan hệ tình dục mà các em đã không biết cách bảo vệ bản thân mình. "Hậu quả do các em gây ra nhưng trong đó cũng có phần lỗi của người lớn vì đã chưa sát sao trong việc giáo dục giới tính, giúp các em biết các biện pháp tự bảo vệ mình", bạn Hải Hoàng nêu quan điểm.
Theo thầy Trọng Hưng, giáo viên dạy Ngữ văn ở Nam Từ Liêm, Hà Nội, trẻ bây giờ dậy thì sớm hơn. Các em tiếp cận nhiều Internet, trong đó có cả thông tin lành mạnh và xấu độc. Trong khi đó, việc giáo dục giới tính trong nhà trường muộn và chưa bắt kịp cuộc sống. Phần lớn cha mẹ cũng tránh nói chuyện với con về chủ đề được cho là nhạy cảm này.
"Ở các trường tư thục, hoạt động giáo dục giới tính được triển khai thực tế, hiệu quả và đa dạng. Tuy nhiên, với trường công lập, giáo dục giới tính chủ yếu dựa vào kiến thức trong sách giáo khoa. Đến lớp 5, các em mới học những bài đầu tiên về tuổi dậy thì và xâm hại tình dục là quá muộn. Một số trường tổ chức được các buổi ngoại khóa, mời chuyên gia về giảng dạy, nhưng số lượng và thời lượng hạn hẹp, chưa thực sự hiệu quả", thầy Hưng cho biết.
Nam giáo viên bày tỏ để có truyền thông về giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản tốt, giáo dục cần đi trước một bước để trẻ sớm nhận thức được vấn đề. Nếu giáo dục muộn, hậu quả xảy ra rồi, sẽ không còn tác dụng.
TS Trần Thành Nam (ĐH Quốc gia Hà Nội), người nhiều năm nghiên cứu về tâm lý học trẻ em và vị thành niên, cho rằng trước hết, gia đình, nhà trường và xã hội cần thay đổi nhận thức của bản thân về việc giáo dục giới tính, tình dục cho bạn trẻ.
"Vẽ đường cho hươu chạy, các thế hệ trước không cần giáo dục mà vẫn ổn là những suy nghĩ cần được thay thế", ông Nam nói.
Ảnh hưởng sức khỏe và tinh thần
Theo PGS.TS Phạm Bá Nha, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, học sinh dậy thì mang thai có nguy cơ về y học. Cơ thể của các em chưa phát triển đầy đủ về thể chất, quan trọng hơn là chưa đủ chín chắn về tinh thần. Người mẹ nhí có thể bị trầm cảm trước cuộc sống thay đổi quá nhanh và đột ngột ở độ tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới".
Việc sinh sản vì vậy cũng không dễ dàng. Khi giữ thai nhi, các em có thể phải sinh mổ, biến chứng dễ xảy ra, ảnh hưởng sức khỏe.
Nếu phá thai, trẻ cũng gặp rất nhiều khó khăn. Cách xử lý dù có gọn gàng, trong đầu trẻ luôn để lại vết sẹo lớn, không bao giờ quên được, có thể bị sang chấn tâm lý lâu dài. Chính vì vậy, trẻ cần sự hỗ trợ từ người lớn và người có chuyên môn.
TS Nha cho rằng các gia đình phải rất sát sao trong mọi chuyện, vì có thể trẻ không kiểm soát được tâm lý và hành động của mình. Về mặt y khoa, các em phải nhận được sự tư vấn của bác sĩ chuyên về sản phụ khoa, phối hợp tâm lý học để tìm hướng giải quyết sao cho phù hợp mỗi trường hợp cụ thể.
“Chúng ta hãy dạy trẻ trực diện, thay vì giấu giếm, hãy mở toang kiến thức để các em hiểu và nhìn thấy vấn đề. Lúc đó, bạn trẻ sẽ biết khước từ hoặc phòng tránh khi quan hệ tình dục. Cách giáo dục giới tính vòng vo, né tránh sẽ để lại những hệ quả đau lòng là trẻ em mang thai ngoài ý muốn”, bác sĩ Phạm bá Nha nói.
Theo bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai này, giáo dục trong nhà trường cần dạy rõ về các khái niệm, ví dụ về bạo lực tình dục, xâm hại tình dục, giúp các em bảo vệ thân thể.
Học sinh cũng cần "đọc thông biết thạo" các biện pháp quan hệ tình dục an toàn, tránh bị lây nhiễm bệnh tật, cũng như mang lại hậu quả ngoài ý muốn, từ đó đánh mất tương lai, sự nghiệp.
Theo Quyên Quyên/Zing News