Nắm tay, ôm nhau không phải ngoại tình thì là gì?

Google News

Sau khi đăng bài: “Ngoại tình - Phạt anh, phạt ả hay trò Boomerang”, chúng tôi đã nhận được nhiều câu hỏi của bạn đọc xoay quanh vấn đề và Luật Ngoại tình.

PV: Điều 182 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 quy định, người ngoại tình sẽ bị phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm và có hiệu lực từ 1/7/2016. Theo ông, chuyện này liệu có khả thi không?
LS Lê Ngọc Hoàng: Xin nhắc lại, thực ra tinh thần và nội dung cơ bản của điều luật Ngoại tình này đã có nguồn gốc từ BLHS 1999 tại Điều 147. Bản thân việc tồn tại gần 2 thập niên của điều luật trên đã tự nói lên sự cần thiết của việc bảo vệ chế độ hôn nhân một vợ một chồng.
Nam tay, om nhau khong phai ngoai tinh thi la gi?
LS Lê Ngọc Hoàng. 
Càng ngày ngoại tình ở Việt Nam càng gia tăng. Theo một cuộc điều tra nghiên cứu quốc gia về gia đình của Viện Nghiên cứu gia đình và giới (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) năm 2015, về nguyên nhân dẫn đến ly hôn thì mâu thuẫn về lối sống chiếm 27,7%, đứng thứ hai là ngoại tình (25,9%), nguyên nhân kinh tế 13%, bạo hành gia đình 6,7%, lý do sức khỏe 2,2% và do xa nhau lâu ngày 1,3%.
Việc tỷ lệ ly hôn về ngoại tình ngày một gia tăng, tôi cho rằng, điều luật này sẽ có chỗ đứng và cần thiết. Tuy nhiên, để định nghĩa thế nào là ngoại tình không phải dễ, theo Đại từ điển tiếng Việt “Ngoại tình có nghĩa là có quan hệ yêu đương bất chính khi đã có vợ hoặc chồng”. Tức là vấn đề ngoại tình chỉ đặt ra khi 1 hoặc cả 2 bên đang có quan hệ hôn nhân hợp pháp với người khác mà quan hệ bất chính. Nhưng truy đến cùng, “thế nào gọi là quan hệ yêu đương bất chính?”, thì không có lời giải! Có lẽ vấn đề này thuộc phạm trù đạo đức hoặc gia phong truyền thống chứ chắc chắn chưa được “luật hóa”. Như vậy, sự “tường minh, rõ ràng và tính khả thi trong việc chế tài đối với việc ngoại tình là ít”.
Nhưng để củng cố thêm cho quan điểm của mình, tôi khẳng định: Nhận thức của đại chúng đang có “nhầm lẫn nghiêm trọng” giữa chế tài đối với dấu hiệu hành vi tội danh “vi phạm chế độ một vợ một chồng” đã được luật hóa và “dấu hiệu hành vi ngoại tình” chưa được luật hóa như phân tích trên.
PV: Theo ông, căn cứ vào đâu xác định ngoại tình, vì không thể thấy hai người nắm tay nhau, ôm nhau thì bảo đó là ngoại tình được, mà chứng minh những chuyện này không hề đơn giản?
LS Lê Ngọc Hoàng: Câu hỏi của bạn là căn cứ vào đâu, trong điều luật đã nêu rõ: Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc vợ.
Tôi nhất trí quan điểm: Không thể thấy hai người nắm tay nhau, kể cả ôm nhau thì bảo chồng hay vợ tôi ngoại tình dẫn đến yêu cầu pháp luật hành chính hoặc hình sự can thiệp được, mà phải căn cứ vào “dấu hiệu cụ thể”. Hoặc kể cả trường hợp hai người “ở chung một phòng khách sạn mà không chứng minh được họ có quan hệ tình dục” thì cũng chưa đủ dấu hiệu ngoại tình… Tuy nhiên, cần phải định nghĩa, củng cố các dấu hiệu thêm nữa để thỏa mãn việc áp dụng chế tài xử lý việc “vi phạm chế độ một vợ một chồng”, cụ thể: Đưa thêm dấu hiệu “chung sống” là phải “chỉ có hai người trong một không gian khép kín quá khoảng thời gian 24 tiếng trong điều kiện năng lực hành vi dân sự bình thường…”; công khai hóa và có phát ngôn thừa nhận về quan hệ như vợ chồng giữa nam và nữ (trong khi, một trong hai bên hoặc cả hai bên đang có hôn nhân hợp pháp khác); phải có căn cứ chứng minh họ có “quan hệ tình dục” với nhau.
PV: Ông có thể cho biết sự khác nhau giữa Điều 182 Bộ luật năm 2015 và Điều 147 Bộ luật năm 1999?
LS Lê Ngọc Hoàng: Như tôi đã nói ở trên, tinh thần điều luật không đổi, nhưng thay vì “gây hậu quả nghiêm trọng” một cách hiểu rất mơ hồ như Điều 147 BLHS 1999 định thì Điều 182 BLHS 2015 quy định rõ hơn các dấu hiệu hành vi về “gây hậu quả nghiêm trọng” đó là: Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm; Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
Theo tôi, đây là bước tiến bộ của BLHS 2015 nhằm tạo cơ sở vững chắc hơn trong việc xem xét cấu thành tội phạm và áp dụng chế tài để giải quyết.
PV: Ông có thể phân tích rõ hai mức độ này, nhất là trong trường hợp ranh giới “ngoại tình” và “vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng” vẫn chưa rõ ràng như nhiều người hiểu hiện nay?
LS Lê Ngọc Hoàng: Thực tế không phải những nhà lập pháp không nghĩ tới chuyện này, nhưng từ cuộc sống, đạo đức tiến tới pháp luật là một chặng đường và nhiều khi chặng đường đấy rất dài. Ví dụ: Ngay cả nước Mỹ gần 100 năm nay vẫn tồn tại hai quan điểm và được áp dụng trái ngược nhau tại các tiểu bang là “Có cho phép nạo phá thai hay không? - cơ mà!
Vậy những hành vi nắm tay, ôm nhau khi đã có vợ/chồng, hay cấm quan hệ tình dục khi đang có vợ/chồng (trừ khi việc quan hệ đó dẫn đến mang thai, có con) chưa được “luật hóa” hoặc chưa được dẫn giải rõ ràng thì làm sao bắt mọi người thực hiện được? Thậm chí, có thể điều đó còn vi phạm quyền con người được thừa nhận trong giao lưu xã hội dân sự quốc tế.
Và nếu đã xác định phạm trù đạo đức thì hãy để cho đạo đức lên tiếng. Tuy nhiên, việc khó là chuẩn mực đạo đức cũng là rất khó đưa ra đâu là căn cứ, thì biết xử lý sao.
Vậy phương thuốc đắc dụng nhất để “Chế tài được ngoại tình” là: Xây dựng pháp luật có tính khả thi hơn, điều luật rõ ràng tường minh hơn để rõ được “Định nghĩa và Điểm giới hạn của ngoại tình mà vượt qua đó là vi phạm chế độ một vợ một chồng”; Xây dựng các bộ quy tắc đạo đức mà cho những ngành nghề đặc biệt, hoặc như những: luật sư, bác sĩ… đã có rồi), danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân có ảnh hưởng lớn tới dư luận xã hội để diều chỉnh việc… ngoại tình”. Thông qua đó để điều chỉnh các hành vi vi phạm đạo đức một cách rõ ràng hơn, tránh việc tranh cãi nhiều luồng tư tưởng, nhiều quan điểm mà không có căn cứ nào.
PV: Ông đã tham gia bao nhiêu vụ án có liên quan đến việc ngoại tình gây hậu quả nghiêm trọng?
LS Lê Ngọc Hoàng: Chắc không nhớ nổi, vì nhiều lắm và tôi chỉ biết nó chiếm khoảng 70-80% nguyên nhân ly hôn hoặc cũng từ nguyên nhân ban đầu là ngoại tình mà phát sinh các nguyên nhân ly hôn khác nữa: bất đồng quan điểm, không tôn trọng nhau, bạo lực gia đình…
PV: Có thể thấy, hiện nay rất nhiều vụ ly hôn xuất phát từ nguyên nhân ngoại tình của đàn ông. Vậy với luật mới này liệu có là “rào chắn” bảo vệ những người phụ nữ của gia đình hay nói rộng hơn , là bảo vệ hạnh phúc gia đình trước làn sóng ly hôn vì “người thứ ba” càng cao?
LS Lê Ngọc Hoàng: Tôi xin nhấn mạnh: “Cuộc sống gia đình của mỗi cặp vợ chồng là do chính họ lựa chọn và họ quyết định”. Vấn đề người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi sâu xa là tàn dư của tư tưởng chế độ phong kiến truyền lại trong xã hội Á Đông, vì vậy bình đẳng giới đang là vấn đề được pháp điển hóa.
Tôi hoan nghênh việc cụ thể hóa các “dấu hiệu hành vi” để cấu thành nên tội danh Điều 182. Tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng nhằm bảo vệ hạnh phúc gia đình, trước làn sóng ly hôn vì “người thứ ba”. Tuy nhiên “người thứ ba” ở đây chưa chắc đã là phụ nữ, mà nhiều khi lại là đàn ông, tức là trong nhiều vụ ly hôn thì việc ngoại tình lại xuất phát từ “người phụ nữ của gia đình”.
PV: Xin cảm ơn luật sư về cuộc trao đổi này!
Mời quý độc giả xem video:
Theo Năng Lượng Mới

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

Trần Anh -

Dù có vợ đẹp, con ngoan ....nhưng trong tư tưởng luôn thầm nhớ ...cô hàng xóm thì có phải ngoại tình hay không?

Hiển thị thêm bình luận