Đi thi chứ không phải đi chống tiêu cực
Ngày 2/6, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ chính thức bắt đầu. Năm nay cũng là năm đầu tiên, Bộ GD&ĐT thực hiện giải pháp đột phá chống tiêu cực bằng cách cho phép thí sinh đem vào phòng thi các thiết bị quay phim, ghi âm, chụp ảnh. Ông đánh giá về giải pháp này như thế nào?
Tôi nghĩ có lẽ giải pháp này chỉ có ở Việt Nam. Lý lẽ để người ta đưa ra giải pháp này ắt hẳn là xuất phát từ vụ việc diễn ra ở trường THPT Đồi Ngô (Bắc Giang) năm ngoái. Nó giống y như việc mất trâu rồi mới đi mua cọc vậy. Giao cho chính học sinh công cụ để tố cáo tiêu cực. Trong khi nếu có tiêu cực thì học sinh chính là đối tượng làm nên tiêu cực đó. Điều này xét ở logic thông thường là không hợp lý. Tôi cho rằng giải pháp này còn thể hiện sự bất lực của ngành giáo dục trước tiêu cực của các kỳ thi.
Chắc hẳn là các cán bộ coi thi cũng cảm thấy phải "dè chừng" với giải pháp này của Bộ?
Với sự cho phép thí sinh mang máy quay clip đã làm nảy sinh rất nhiều tranh luận. Điều đó tốt thôi. Người ngay không ai sợ bị ghi âm ghi hình. Việc này khiến giáo viên coi thi sẽ phải làm nghiêm túc, không là mất nghề. Học sinh khi đó cũng phải lo bị giám thị coi chặt, sẽ phải học hành nghiêm túc hơn.
Nhưng như ông nói, giao cho học sinh phương tiện tố cáo tiêu cực của chính học sinh thì sẽ khó?
Tôi tự hỏi liệu em nào dám quay clip. Thời gian tập trung làm bài còn không đủ, tâm trí đâu để mà quay clip nữa. Còn em nào dám quay thì chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, ảnh hưởng đến việc làm bài thi. Đấy là chưa kể đến vô số kiểu khủng bố tâm lý khiến các em sợ hãi. Mà xét về cơ bản thì các em đi thi chứ không phải đi chống tiêu cực. Vậy thì phải làm sao để các em làm bài được tốt chứ không phải là giao cho các em nhiệm vụ tố cáo tiêu cực. Chống tiêu cực là nhiệm vụ của người lớn.
Liệu với đột phá này, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ thực chất hơn?
Phải đợi thi xong mới biết.
|
Thầy Đỗ Việt Khoa. |
Tôi ngán rồi!
Đề ra giải pháp này, phải chăng dưới góc nhìn của Bộ GD&ĐT, đối tượng làm nên tiêu cực của thi cử chính là giám thị?
Những tiêu cực như giải bài tập thể ở Phú Xuyên A năm 2006 hay Đồi Ngô 2012 đều có sự tiếp tay làm ngơ của giám thị coi thi. Đây là đối tượng chính để tiếp tay cho tiêu cực. Vì thế, cần tạo ra áp lực để giám thị coi thi nghiêm túc.
Nếu nói vậy thì giải pháp trao quyền tố cáo cho học sinh là hợp lý?
Vừa hợp lý, vừa bất hợp lý. Vẫn có những thí sinh nghiêm túc, muốn có 1 kỳ thi sạch, bên cạnh những thí sinh quay cóp. Cần khuyến khích các em dũng cảm dám góp phần cho 1 kỳ thi sạch. Nhưng suy cho cùng thì nó không thể là giải pháp then chốt để đối phó với tiêu cực trong thi cử.
Vậy thì cần phải có giải pháp nào?
Cái này nên để lãnh đạo ngành trả lời.
Bản thân ông là người nổi tiếng vì chống tiêu cực. Và cũng nhiều năm rồi, tiêu cực trong thi cử vẫn còn đó. Dường như người ta đã chán nói về chuyện này rồi, bản thân ông đã thấy chán nản, thất vọng, mỏi mệt chưa?
Tôi ngán rồi! Nói mãi, phê bình mãi mà không sao chấn chỉnh được. Ép buộc học thêm, ép buộc nộp tiền, rồi khi thi thì gian dối... cứ lặp đi lặp lại mãi.
Không lẽ cứ để thế mãi?
Trong khả năng của mỗi người, hãy lượng sức mà đấu tranh với tệ nạn đó. Không đấu tranh, cái xấu nó sẽ bùng phát hơn nhiều đấy. Mỗi giáo viên, cán bộ giáo dục hãy tự hỏi mình đã làm gì để đấu tranh chống lại những tiêu cực đó.
Nếu là Bộ trưởng, tôi sẽ...
Nếu là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, ông sẽ làm gì để cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT nói riêng và nền giáo dục nói chung?
Tôi không phải là Bộ trưởng nên chịu không trả lời được. Nhưng nếu mình tôi là Bộ trưởng thì dứt khoát không trả lời báo chí như vừa qua. Giáo dục phải cầu toàn chứ không thể nói kiểu chưa thấy hết trách nhiệm như thế được.
Ông dùng từ “bất cần”, “vô trách nhiệm” liệu có quá nặng nề và đúng bản chất?
Tôi thấy đúng là như thế. Vừa rồi lãnh đạo ngành giáo dục trả lời về việc không cho báo chí đăng tin sai phạm tiêu cực trong các hội đồng thi để tránh gây sốc cho thí sinh. Tôi thấy rất không đồng tình việc đó. Nói chung là nếu biết mình có điểm yếu, mình sai thì nên im lặng lắng nghe và tiếp thu, chỉnh sửa. Chứ đừng vô trách nhiệm với lời nói, vô trách nhiệm với học sinh, với công luận.
Đấu tranh chống tiêu cực đã lâu, hẳn là với việc đưa ra giải pháp chống tiêu cực này của Bộ GD&ĐT, ông cũng thấy vui?
Chẳng vui cũng chẳng lo lắng. Tôi lâu nay không còn sốc với những chuyện tương tự rồi. Tôi vừa nói, tôi đã chán, mệt mỏi lắm rồi. Chẳng còn sức để đấu tranh nữa.
Vậy ông có kỳ vọng gì về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay?
Rồi cả nước lại được nghe báo có đẹp cho mà xem, kiểu như: Kỳ thi nghiêm túc đúng quy chế, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đẹp gần 100%... Rồi người ta lại tung hô nhau với kỳ thi diễn ra thành công, không có sự cố lớn. Rồi người ta lại yên chí với kết quả này, với nỗ lực cố gắng để có kết quả này. Vài ngày nữa sẽ thấy.
Xin cảm ơn ông!
- Ngày 26/5, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn kiểm tra các loại máy ghi âm và ghi hình mang vào phòng thi gửi các sở trực thuộc. Theo đó, các loại thiết bị này phải đáp ứng các yêu cầu: Không có loa và tai nghe, không có màn hình hiển thị hình ảnh, không có bộ phận chức năng truyền thông tin (bluetooth, wifi...). Bộ GD&ĐT cũng quy định các hội đồng coi thi không yêu cầu thí sinh phải đăng ký khi mang các thiết bị nói trên vào phòng thi.
- Trước đó, ngày 6/3, Bộ GD&ĐT quy định thí sinh được mang vào phòng thi các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.
|
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Tô Hội (Thực hiện)