Ngày 6-1, TAND TP.HCM tiếp tục phần tranh luận vụ sai phạm xảy ra tại Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO).
Trước đó, VKS đề nghị phạt bị cáo Tất Thành Cang (cựu phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM) 12-14 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Luật sư cho rằng bị cáo không phải là chủ thể của tội danh bị truy tố. Đồng thời, luật sư không đồng tình việc xác định ông Cang có vai trò đầu vụ trong việc chuyển nhượng 9 triệu cổ phần.
Đại diện VKS đối đáp lại, cho rằng quan điểm bào chữa của các luật sư của bị cáo Cang có mâu thuẫn. Cụ thể, luật sư cho rằng bị cáo Cang không phải chủ thể của tội phạm mà là Văn phòng Thành ủy nhưng chính luật sư cũng lại cho rằng bị cáo là người phụ trách Văn phòng Thành ủy.
Cáo trạng đã chỉ rõ theo Quy chế 638-QĐ/TU ngày 8-11-2016 của Thành ủy TP.HCM, phó bí thư thường trực Thành ủy trực tiếp chỉ đạo hoạt động của các ban Thành ủy và phụ trách Văn phòng Thành ủy. Như vậy, bị cáo Cang chính là người chỉ đạo, phụ trách Văn phòng Thành ủy.
Luật sư cho rằng bị cáo Cang không phạm tội và không có quyền quyết định việc chuyển nhượng cổ phần vì không phải là chủ sở hữu tài sản của Nhà nước ở Đảng bộ TP. Tuy nhiên, cũng chính luật sư lại cho rằng bị cáo đã chỉ đạo thu hồi việc chuyển nhượng 9 triệu cổ phần, tránh gây thiệt hại cho tài sản nhà nước.
Theo VKS, sau khi bị cáo Cang ký bút phê “đồng ý” vào Tờ trình 1148 chấp thuận chủ trương phát hành 9 triệu cổ phần với giá 40.000 đồng/cổ phần cho cổ đông chiến lược, Văn phòng Thành ủy đã ban hành Thông báo 495 cụ thể hóa Tờ trình 1148 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của phó bí thư thường trực. Từ đó, việc chuyển nhượng cho SADECO được hoàn thành. “Hành vi của bị cáo Tất Thành Cang có tính chất quyết định, đã bút phê “đồng ý” vào tờ trình mà lãnh đạo Văn phòng Thành ủy xin ý kiến” - VKS nhấn mạnh.
Nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án, bị cáo Tề Trí Dũng (cựu tổng giám đốc, thành viên HĐTV IPC, chủ tịch HĐQT SADECO) cho rằng từ khi trưởng thành, bước vào cuộc đời luôn có một khát khao được làm việc, cống hiến cho Nhà nước. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bị cáo đã tích cực tham gia phong trào, được kết nạp khi còn là sinh viên.
Bị cáo Tất Thành Cang tại tòa. Ảnh: NGUYỆT NHI
Ra trường, bị cáo làm việc tại cơ quan nhà nước. Quá trình làm việc, bị cáo luôn cố gắng hoàn thành, bảo vệ tài sản nhà nước. Bị cáo chưa bao giờ suy nghĩ tư lợi hay có ý làm gì gây hại cho tài sản nhà nước.
Hành vi của bị cáo ảnh hưởng tới lòng tin và nhận thấy có trách nhiệm rất lớn. Bị cáo gửi lời xin lỗi Đảng, Thành ủy, UBND, nhân dân, xin lỗi các nguyên lãnh đạo đã tin tưởng bổ nhiệm mình, xin lỗi cử tri, xin lỗi IPC, SADECO là hai đơn vị từng quản lý vì sai phạm đã làm ảnh hưởng tới uy tín của hai công ty.
Bị cáo Dũng nói đã sai khi không nhận thức đầy đủ quy định của pháp luật nên mới xảy ra vụ án. Bị cáo rất đau xót khi nhìn cấp dưới phải ra tòa. Với cương vị người đứng đầu, ông Dũng xin chịu trách nhiệm, không đổ lỗi cho cấp dưới và xin giảm nhẹ tối đa cho cấp dưới.
Riêng bị cáo Tất Thành Cang dành thời gian dài nói về việc mong được xem xét thấu đáo, hợp tình hợp lý các nội dung mà ông thấy còn chưa rõ. Ông Cang nói hơn 30 năm bị cáo chưa bao giờ sợ đói sợ khổ, không đổ lỗi, dám làm dám chịu trách nhiệm nhưng cái gì cũng phải rõ ràng. “Đứng trước tòa hình sự là một đau xót của cuộc đời không ai mong muốn bao giờ” - ông Cang nói.
HĐXX thông báo nghị án và sẽ tuyên án vào ngày 8-1.
Theo Hoàng Yến/Pháp Luật TPHCM