Ngày Tết tôi uống bao nhiêu rượu có thể bị phạt? Mức xử phạt là bao nhiêu?
Luật sư Hà Huy Phong - Giám đốc Công ty Luật Inteco
Việc uống rượu bia có thể khiến con người mất kiểm soát nhận thức, hành vi nên có nguy cơ gây ra tai nạn nghiêm trọng khi điều khiển phương tiện giao thông. Do đó, khi bạn tham gia giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn sẽ bị coi là vi phạm pháp luật về an toàn giao thông.
Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một đơn vị uống chuẩn chứa 10 gram cồn. Đơn vị uống chuẩn này sẽ tương ứng với 1 chén rượu mạnh (40 độ, 30 ml); 1 ly rượu vang (13,5 độ, 100 ml); 1 vại bia hơi (330 ml); 2/3 chai (lon) bia (330 ml). Ngoài ra, nồng độ cồn trong máu/khí thở còn phụ thuộc vào cả các yếu tố như: Cân nặng người uống, tốc độ uống, thời gian uống và loại đồ uống.
Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở thì có thể bị phạt tiền từ 6-8 triệu đồng; đối với xe máy từ 2-3 triệu đồng.
Do vậy, nếu bạn uống một chén rượu mạnh có thể làm tăng nồng nộ cồn trong máu, hơi thở đủ bị xử phạt khi điều khiển phương tiện giao thông. Bạn nên chủ động bố trí phương tiện, đặc biệt là trong những ngày Tết để an toàn cho bản thân và gia đình. Tuyệt đối không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.
Theo Zing