Sau 20 tiếng đi từ Quế Lâm (Trung Quốc), trưa 3/2 (mùng 7 Tết), chị Bùi Thị Hà (35 tuổi, thôn Đự, xã Thành Thọ, Thạch Thành, Thanh Hóa) - người bị lừa bán sang Trung Quốc 16 năm đã có mặt tại cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn.
Từ nửa đêm hôm trước, sau khi nhận cuộc điện thông báo, PV VTC News đã xuất phát từ Hà Nội lên Lạng Sơn để đón chị.
Cuộc gặp gỡ gia đình sau 9 tháng VTC News thông tin sự việc và giúp đỡ chị Hà về nước khiến những người chứng kiến đều cảm động.
|
Chị Hà xúc động khi được đoàn tụ với gia đình. |
Được sự hỗ trợ của Đồn Biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị, chị Hà nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để nhập cảnh. Chuyến xe nhanh chóng xuất hành, đưa chị về với gia đình sau 17 năm xa cách.
Việc đầu tiên chị Hà làm khi đặt chân đến quê hương là nhờ PV gọi điện cho bố. Trong nghẹn ngào nước mắt, câu đầu tiên với giọng lơ lớ vì quá lâu không được nói tiếng Việt: “Bố ơi, con Hà đây, con về tới rồi, bố có khỏe không…”
Cứ thế, chị khóc suốt trong và sau cuộc điện thoại. Chị Tuyết (Hà Nội) - mạnh thường quân hỗ trợ xe, cùng đoàn công tác VTC News đi đón chị Hà phải an ủi, động viên mãi chị mới bình tĩnh trở lại.
|
Chị Hà khóc suốt trong cuộc điện thoại với bố. |
Sau khi nghỉ qua đêm tại nhà chị Tuyết, sáng sớm hôm sau, đoàn lại lên xe khởi hành về Thanh Hóa, nơi gia đình chị Hà đã ngóng chờ để được đón người con gái tội nghiệp suốt 16 năm qua.
Bước xuống xe, chị Hà nhìn khắp bốn phương tám hướng, rồi bất chợt khựng lại khi nhận ra người chị cả của mình. Chị chạy đến ôm trầm lấy chị Hồng. Ông Hán (bố chị Hà) xúc động tới mức chẳng thể tự bước nổi ra đến ngoài đường, ông đứng trong khoảng sân, hai đầu gối rung lên, khóe mắt đỏ ngầu khi thấy con chạy về phía mình.
Vòng tay của người cha 70 tuổi dang rộng, ôm lấy đứa con gái mà bao lâu nay ông tưởng rằng đã chết. Cái ôm như chưa bao giờ chặt hơn thế, hai bố con cứ thế ôm chặt lấy nhau.
“Con nhớ bố lắm – bố cũng nhớ con”, những tiếng lòng thốt ra xen lẫn tiếng khóc thút thít.
|
Chị Hà mếu máo dìu bố vào nhà. |
Sau cái ôm, chị Hà bước nhanh vào nhà rồi quỳ rạp xuống ngay trước bàn thờ mẹ vái lạy. Không biết đã bao nhiêu cái Tết, bao nhiêu ngày giỗ mẹ chị không được kính lễ.
Hình chị cúi rạp người sát đất vái mẹ, họ hàng, bà con hàng xóm và rất đông người có mặt đều không thể cầm lòng. Tình mẫu tử dù ở bất cứ nơi nào, hoàn cảnh nào thì người con đều khắc cốt ghi tâm.
Chị đi một vòng quanh nhà, những thứ thân thuộc vẫn y nguyên như ngày chị bỏ đi rồi bị người ta lừa bán sang Trung Quốc. Chị ngồi lại trên chiếc giường cũ, lướt tay nhè nhẹ qua từng cái chăn, bức tường. “Mọi thứ vẫn như cũ”, chị nói.
Những cảm xúc, hình ảnh của 17 năm trước trở về trong đầu chị như một cuốn phim tua lại. Chị cố gắng cảm nhận nó bằng tất cả các giác quan cơ thể như để thuyết phục mình “đây không phải là mơ”.
Chẳng phải riêng chị nghĩ vậy, Hưởng – em trai chị bảo: “Em không bao giờ dám nghĩ sẽ có ngày chị em được gặp nhau như thế này, cứ như là chuyện cổ tích vậy”.
Ngay cả ông Hán và những người trong gia đình, khi đã được ôm chị Hà trong vòng tay, ở trong chính ngôi nhà mình mà vẫn bảo “cứ như là một giấc mơ vậy.”
Chị Hà được PV VTC News đưa về đúng ngày mùng 8 Tết, trong căn nhà tuềnh toàng, tuổi đời đúng bằng tuổi chị Hà, mọi người chuẩn bị mâm cơm nhỏ. Bữa cơm đơn sơ nhưng ấm áp nghĩa tình.
Chị Hà nuốt từng hạt cơm sau 17 năm bị bán sang Trung Quốc mà nước mắt cứ đôi dòng. Ngày đoàn tụ chị khóc như mưa, những người chứng kiến và biết câu chuyện của chị cũng khóc. Nhưng những giọt nước mắt hôm nay là những giọt lệ khóc cho hạnh phúc của sự đoàn viên.
Cảnh tượng đó khiến chúng tôi nhớ đến câu hát trong ca khúc "Ước mơ ngọt ngào":
“Hãy tưng bừng phút giây này có nhau
Rộn ràng cười nói dưới mái nhà
Quà nào bằng gia đình sum họp
Tết nào vui bằng Tết đoàn viên.”
Theo Đức Thuận/VTC News