Nghe lại những chuyện 'cười ra nước mắt' ngành hải quan ngày cuối năm

Google News

Một năm đẫm mồ hôi của lực lượng hải quan với 15.000 vụ vi phạm được phát hiện, trị giá hàng hóa tăng 90%. Thế nhưng, đó chưa phải là tất cả, có những câu chuyện người trong cuộc ít khi nhắc tới.

Những ngày cuối cùng của năm cũ, nhìn vào báo cáo của ngành hải quan, nhiều người không khỏi trầm trồ với con số 15.000 vụ vi phạm đã được lực lượng chức năng phát hiện, xử lý. Đặc biệt hơn, trị giá hàng hóa vi phạm theo tính toán tăng tới gần 90% so với cùng kỳ năm 2016, số tiền thu nộp ngân sách cũng tăng tới 95%.
Những con số thấm đẫm mồ hôi ấy phần nào thể hiện được sự nỗ lực của những người làm nghề. Thế nhưng, đó không phải là tất cả. Có những câu chuyện người trong cuộc ít khi nhắc tới trong những báo cáo nhưng lại chẳng hề kém vất vả.
Trong một buổi họp báo cách đây ít lâu của ngành hải quan, cánh phóng viên bất ngờ được nghe ông Lê Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) kể những câu chuyện làm nghề.
Đó là khi ông nói về các khoản nợ thuế mà ngành hải quan đang phải xử lý. Ông thở dài, nhiều trường hợp doanh nghiệp phá sản, bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh cũng gây khó khăn cho cơ quan hải quan.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: TTXVN).  
Ông lấy ví dụ về một trường hợp doanh nghiệp tại Gia Lai - Kon Tum. Đơn vị này nhập khẩu gỗ bạch đàn để sản xuất hàng xuất khẩu, theo quy định, doanh nghiệp được miễn thuế. Tuy nhiên, cơ quan hải quan phát hiện doanh nghiệp này không hề sản xuất mà lại bán luôn số nguyên liệu này ra thị trường.
Lực lượng chức năng sau đó đã tiến hành kiểm tra và quyết định truy thu số tiền là 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều đáng nói là khi cán bộ hải quan tới địa chỉ của doanh nghiệp để kiểm tra thì đơn vị này đã trốn bỏ khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh.
“Phải mất thời gian dài truy tìm dấu vết doanh nghiệp này, hải quan mới phát hiện chủ doanh nghiệp đã làm chứng minh thư, hộ khẩu mới và thành lập một doanh nghiệp mới tại Bình Dương,” ông Hùng kể.
Theo ông, lực lượng hải quan Gia Lai- Kon Tum đã chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng để khởi tố.
 Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Kể trường hợp dở khóc dở cười khác, lãnh đạo ngành hải quan nhớ tới trường hợp một doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nghi ngờ doanh nghiệp khai giá trị hàng hóa thấp nên cơ quan chức năng đã thực hiện kiểm tra và ấn định lại trị giá.
Không nhận được trả lời từ phía doanh nghiệp, lực lượng chức năng đã phải xuống tận địa chỉ của doanh nghiệp nhưng bất ngờ, người đứng tên chủ doanh nghiệp là một phụ nữ và người này cho biết chưa bao giờ mở doanh nghiệp.
“Hóa ra, trước đó, người phụ nữ này có nộp hồ sơ xin việc ở một thẩm mỹ viện và không được nhận. Sau đó, không biết tại sao, hồ sơ này lại được dùng để đăng ký kinh doanh, đứng tên thành lập doanh nghiệp,” ông Lê Mạnh Hùng cho biết.
Ông Hùng thừa nhận, những câu chuyện tương tự đang làm khó lực lượng hải quan.
Kể câu chuyện khác, ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) bày tỏ, để phát hiện, bắt giữ được các đối tượng để điều tra, xử lý theo đúng quy định là rất khó khăn. Đây là quá trình đòi hỏi sự phối hợp của các cơ quan nhưng “có nơi có lúc” sự phối hợp này chưa đồng bộ.
Ông Hùng nhớ lại vụ buôn lậu thóc từ Campuchia về Việt Nam. Đây là vụ việc theo ông chỉ có riêng ngành hải quan phục dày công bắt giữ ở khu vực cửa khẩu đường sông An Giang. Trong quá trình thu thập thông tin, cơ quan hải quan đã xác định đây là vụ việc có dấu hiệu buôn lậu. Thậm chí, để cẩn thận, ngành hải quan đã mời thêm lực lượng công an, viện kiểm sát họp bàn để đi tới thống nhất và yêu cầu lực lượng hải quan khởi tố.
“Thế nhưng khi hải quan khởi tố, lòng vòng một hồi, từ buôn lậu thành không vi phạm, xử lý hành chính,” vị lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu kể.
Đau lòng hơn là đối tượng bị bắt giữ lại sử dụng chính kết luận trên để kiện ngược lại cơ quan hải quan. Cơ quan hải quan sau đó phải báo cáo vụ việc lên Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Chỉ khi các cơ quan này vào cuộc mới khẳng định văn bản cơ quan hải quan đề nghị khởi tố với dấu hiệu buôn lậu là đúng.
Đó chỉ là một trong những ví dụ được ông Hùng nêu lên trong câu chuyện với phóng viên. Ông cũng chẳng giấu, có những vụ việc, lực lượng chức năng đã phải chấp nhận mang tiếng xấu, thua kiện hay “có thông tin cho là chúng tôi… thế này thế kia.”
Thế nhưng, trên tất cả, như lời vị lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu đã hơn một lần nhắc lại với người đối diện: “Chúng tôi vẫn kiên quyết bảo vệ sự thật.”/.
Theo Xuân Dũng/Vietnam+