"Con muốn thực hành tin học”. “Bố đồng ý”. Và thế là một đống laptap cũ, điện thoại hư, máy tính hỏng được bố tìm mua cho con vọc.
“Nhưng bố thấy có nhiều bạn nghèo muốn học online mà không có máy tính”, “Vậy con chạy lại phần mềm để tặng các bạn đó được không?”… Đó là cách dẫn dắt con xa rời ti vi và điện thoại của anh Nguyễn Quốc Việt (kiến trúc sư ở TP. Hải Phòng) trong mùa nghỉ dịch COVID-19.
Những ngày nghỉ dịch, anh Việt tìm mua những bộ máy tính cũ để con sửa mới tặng các bạn nghèo
|
Những ngày nghỉ dịch, anh Việt tìm mua những bộ máy tính cũ để con vừa thỏa chí mày mò, vừa tân trang tặng các bạn nghèo (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Nghỉ dịch dài ngày, ba bố con anh Việt luôn bận rộn ở một góc nhà, lúi húi với một mớ linh kiện máy tính. Tháo cái ram này, lắp cái ổ cứng kia, anh cả Bảo Minh cầm mỏ hàn, em út Bảo Khang tháo, gắn ốc, bố Quốc Việt giám sát và can thiệp những lúc cần.
Khắp căn phòng không còn chỗ trống, 7 bộ máy tính cũ được "phẫu thuật" tanh bành để lấy cái nọ lắp vào cái kia. Chi tiết nào không còn dùng được thì đã có bố đặt hàng qua mạng bổ sung. Sau một thời gian, 4 bộ máy mới đã hoàn thành, anh Việt gọi đó là “thành công trong phá hoại”.
Sắp tới, bố con anh sẽ chuyển những chiếc máy tính này đến những bạn nhỏ khó khăn. Làm việc từ 8 giờ sáng, có hôm tới đến 12 giờ đêm, các con không thấy mệt, bố cảm thấy vui vì những ngày ở nhà cách ly xã hội của gia đình không nhàm chán, vô vị.
|
Anh Quốc Việt hướng dẫn con sửa máy tính cũ tặng bạn nghèo
|
Không bao bọc các con, không chú trọng vào điểm số, ngay từ nhỏ anh em Bảo Minh, Bảo Khang đã được bố huấn luyện tính tự lập và tự chịu trách nhiệm với những việc làm và quyết định của mình.
Người ngoài thấy anh Việt “tàn nhẫn” khi đến bữa, con không chịu ăn thì bố cho nhịn. Nhờ sự "tàn nhẫn đó", các con biết ngồi vào bàn đúng bữa, cơm có rơi thì không được bỏ vì đó là “công sức của người nông dân”.
Con vào lớp Một, anh chỉ dắt con đến trường 1- 2 buổi đầu, những ngày sau con phải tự đi. Không chỉ đi từ nhà đến trường, bây giờ các con còn tự đạp xe quanh phố mua đồ dùng học tập.
|
Từ khi học cấp 1, anh em Khang, Minh đã được bố tập cho cách kiếm sống để biết quý trọng đồng tiền (Ảnh nhân vật cung cấp) |
|
Từ khi học cấp I, anh em Minh- Khang đã được tập kiếm tiền. Cách quảng cáo này là do các con nghĩ ra, anh Việt hài lòng vì sự sáng tạo này (Ảnh nhân vật cung câp) |
|
Lao động là cách tốt nhất để học về cuộc sống (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Công việc khiến anh Việt phải đi nhiều, nhưng về nhà là anh gác lại mọi việc để chơi và nói chuyện cùng con. Anh gọi đó là “quỹ thời gian đáng đầu tư” để hiểu con. Anh muốn khơi gợi ở con những sở trường đam mê.
Là một kiến trúc sư mê âm nhạc và hội họa, anh Việt hiểu rằng, các con chỉ thật sự hạnh phúc khi được sống với đam mê của mình. Bảo Minh thích tin học, ngoại ngữ, con có thể ngồi cả ngày bên máy tính để mày mò; còn em Bảo Khang đi học về là cất cặp đi đá bóng, hay cầm đàn lên hát xẩm.
Trong quan niệm của anh Việt, kiến thức sách vở chỉ là một phần, quan trọng nhất là để các con trải nghiệm bằng trực quan sinh động. Và sự trải nghiệm của các con không gì khác ngoài lao động. Vì với anh “chỉ có lao động mới có trí tuệ và giúp các con tự làm chủ cuộc đời, không cần cha mẹ đi cùng”.
Công việc "khởi nghiệp" của anh em Minh - Khang là bơm xe trước cổng trường cấp III mà ngày xưa bố Việt từng học. Đứng một buổi nhưng không có đồng nào, Bảo Minh buồn bã nói “kiếm tiền khó thật bố nhỉ”. Anh Việt mừng vì thấy các con đã dẹp được tính sĩ diện qua một bên, biết quý trọng từng đồng tiền mà bố mẹ và những người lao động kiếm được.
Giờ thì Bảo Minh đã có thể tự kiếm tiền từ việc sửa máy tính hỏng hay làm phiên dịch cho những người bạn ngoại quốc của bố. Em Bảo Khang cũng có “đồng ra đồng vào” khi vừa được đi chơi cùng bố vừa có tiền mà chỉ cần mang theo mỗi cây đàn nhị. Không nói về tiền bạc, bố Việt gọi đó là “phần thưởng cho sự đam mê”.
|
Gia đình anh Việt trải nghiệm nhiều khoảnh khắc thú vị (Ảnh Nhân vật cung cấp) |
Để con thỏa sức làm những gì mình muốn, điều đó đồng nghĩa bố Việt phải “gạt đi cái tôi của bản thân", từ chối những lời mời ăn nhậu hay cuộc vui xuyên đêm. Vì ở nhà có “những người bạn lớn” đang chờ bố về để tranh luận một bộ phim hay cuốn sách đã đọc. Cứ ai đúng thì được thưởng, ai sai bị phạt và không ít lần 2 anh em Minh-Khang buộc bố Việt phải cầm cờ trắng xin hàng...
Theo Lâm Hoàng/Phunuonline