Nghi phạm giết vợ, phân xác phi tang xuống sông Hồng đối diện hình phạt nào?

Google News

(Kiến Thức) - Vụ chủ chuỗi nhà nghỉ trên địa bàn thị trấn Xuân Mai (Hà Nội) nghi bị chồng sát hại, phân thây vứt xuống sông Hồng, luật sư Nguyễn Anh Thơm nhấn mạnh, hành vi phạm tội của ông Anh là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, tàn bạo như thời Trung cổ.

Dư luận đang đặc biệt quan tâm đến vụ việc bà Đặng Thị H. (SN 1960, trú tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), chủ chuỗi nhà nghỉ Hoa Anh Đào bị mất tích bí ẩn.
Tiến hành điều tra, xác minh cơ quan Công an đã xác định việc bà H. mất tích liên quan đến chồng bà là Đỗ Ngọc Anh. Đồng thời cảnh sát phát hiện  trên xe ô tô ông Anh có vết máu, nên triệu tập ông Anh để làm rõ.
Tại cơ quan Công an, ông Anh khai do mâu thuẫn vợ chồng nên đã sát hại vợ mình, rồi cắt xác ra thành nhiều mảnh, dùng ô tô chở xác vợ ra sông Hồng để phi tang xuống dòng nước.
Nghi pham giet vo, phan xac phi tang xuong song Hong doi dien hinh phat nao?
Nạn nhân là chủ chuỗi nhà nghỉ Hoa Anh Đào trên địa bàn thị trấn Xuân Mai. 
Chiếc ô tô tang vật, phương tiện chở thi thể nạn nhân đi phi tang đã bị cơ quan công an thu giữ ngay sau đó để phục vụ công tác điều tra.
Đến chiều 15/2, cùng với việc tổ chức tìm kiếm tung tích bà H., Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Đỗ Ngọc Anh 4 tháng để điều tra về hành vi “Giết người”.
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý của vụ việc, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhấn mạnh, hành vi phạm tội của ông Anh là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Việc nghi phạm phân xác người vợ mình ra làm nhiều mảnh đã gây kinh hoàng, rùng rợn trong xã hội, tàn bạo như thời trung cổ.
“Nếu có căn cứ xác định nghi phạm đã sát hại bà H., và sau đó phân xác ra làm nhiều mảnh rồi vứt xuống sông Hồng phi tang đã cấu thành tội "Giết người". Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm i, Khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự. Nếu nghi phạm có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, với hành vi thực hiện tội phạm một cách man rợ sẽ phải đối mặt hình phạt cao nhất đến tử hình”, luật sư Thơm phân tích.
Không tìm thấy xác nạn nhân xử lý thế nào?
Theo luật sư Thơm, điểm mấu chốt trong vụ án này phải có căn cứ xác định được nạn nhân đã bị tử vong. Ngoài lời khai nhận tội của nghi phạm, Cơ quan điều tra còn phải thu thập các chứng cứ vật chất khác chứng minh nghi phạm đã sát hại nạn nhân như các vật chứng là hung khí dùng chặt xác, túi đựng xác, mẫu máu, AND của nạn nhân để lại trên hiện trường, phương tiện chở xác đi phi tang, camera an ninh ghi lại hình nghi phạm mang theo các túi vận chuyển xác lên ô tô trên đường đi phi tang (nếu có),…
"Vụ án này không có nhân chứng trực tiếp chứng kiến nên cần thiết thu thập lời khai nhân chứng gián tiếp chứng kiến có việc nghi phạm đến nhà nghỉ và xảy ra mâu thuẫn gì không.
Nghi phạm khi rời khỏi Nhà nghỉ có mang theo các túi đựng nghi là xác người hoặc có nhân chứng nào biết việc dừng xe ô tô trên đường ném các túi bọc xuống sông Hồng (nếu có),…", - luật sư Thơm chia sẻ.
Theo luật sư Thơm, để chứng minh hành vi phạm tội, Cơ quan điều tra sẽ cho nghi phạm tiến hành thực nghiệm điều tra diễn lại hành vi phạm tội từ khi sát hại nạn nhân cho đến khi chặt xác và các tuyến đường đi phi tang thi thể xuống sông Hồng,…
Nếu lời khai của nghi phạm mà phù hợp với các chứng cứ khác như lời khai của nhân chứng, biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản thực nghiệm điều tra, kết quả giám định các mẫu máu, AND của nạn nhân,… thì được xem là các chứng cứ buộc tội.
Tuy nhiên, để có căn cứ vững chắc xử lý nghi phạm về hành vi giết người thì việc tìm ra thi thể hoặc một phần thi thể nạn nhân để chứng minh trên thực tế nạn nhân là H., đã bị tử vong và có căn cứ làm rõ nguyên nhân chết vẫn là một yêu cầu cấp thiết cần phải tiếp tục truy tìm.
Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
……………………………………
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

Bảo Ngân