Liên quan vụ giải cứu vợ, chồng đâm chết người, một thông tin đáng chú ý chính là việc bà Võ Thị Kim Chi (SN 1967, ngụ xã Long An, Long Hồ, hiện đang tạm trú Phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) thuê nhóm đối tượng trên đến Vĩnh Long để bắt chị Võ Thị Thúy H (SN 1991) - chủ quán cà phê Tâm Giao.
Bà Võ Thị Kim Chi chính là mẹ ruột của chị H. Bà Chi không đồng ý cho con gái sống chung với Giao nên đã hành động như trên.
|
Hiện trường vụ án mạng. |
Từ chỉ đạo của bà Chi, vào khoảng 10h ngày 15/11, một nhóm người (trong đó có em trai chị H.) đi trên xe ô tô đến quán cà phê Tâm Giao nằm trên Quốc lộ 53, đoạn thuộc ấp An Hiệp (xã Long An, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Nhóm người này dùng bình xịt hơi cay khống chế và đưa H. lên xe.
Thời điểm này, Trần Ngoại Giao (30 tuổi, chồng H.) nghe tiếng vợ kêu cứu nên chạy vào giải cứu và bị các đối tượng xịt hơi cay. Giao dùng thanh sắt có một đầu nhọn quơ và đâm về phía nhóm người này. Hậu quả, làm 1 người tử vong tại chỗ và 2 người bị thương nặng. Sau khi gây án, Giao ra công an đầu thú.
Dư luận đặt câu hỏi, với hành vi thuê nhóm đối tượng đến bắt con gái của mình dẫn đến sự việc trên, bà Võ Thị Kim Chi liệu có bị xử lý?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, nếu thông tin đúng như trên có thể khởi tố bà Võ Thị Kim Chi – mẹ chị H và 7 đối tượng trên (trong đó có em trai chị H.) về tội bắt giữ người trái pháp luật. Đồng thời, xem xét hành vi của anh Giao có thuộc trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự hay không.
Luật sư Cường cho rằng, cơ quan điều tra cần làm rõ diễn biến hành vi của các bên, đặc biệt là việc sử dụng vũ lực, mức độ đe dọa uy hiếp, gây nguy hiểm cho nhau của hai bên. Đồng thời, làm rõ ý thức chủ quan, tương quan lực lượng và hậu quả để xác định hành vi bắt giữ người trái pháp luật của nhóm 7 đối tượng nêu trên và hành vi của anh Giao có phải là phòng vệ chính đáng hay không.
Đối với bà Võ Thị Kim Chi – mẹ chị H và nhóm đối tượng có dấu hiệu của tội bắt giữ người trái pháp luật và tội cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ.
Hiến pháp và pháp luật Việt Nam có đầy đủ các quy định để bảo vệ quyền tự do thân thể, quyền cư trú của công dân. Theo đó mọi việc bắt, giữ, giam người đều phải theo trình tự thủ tục luật định, do người có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật. Việc cá nhân tổ chức nhiều người, sử dụng hung khí đến bắt giữ người khác mang đi khỏi nơi cư trú của họ là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Đây là hành vi bắt, giữ người trái pháp luật đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 157 Bộ luật hình sự năm 2015.
Luật sư Cường cho rằng, pháp luật quy định quyền tự do thân thể của công dân, đặc biệt là với những công dân đã thành niên. Do đó, dù mẹ hay em trai của chị H. cũng không được phép ép buộc, bắt giữ người phụ nữ này như diễn biến trong vụ việc này.
Theo thông tin từ phía cơ quan điều tra, mẹ chị H. được xác định là người chủ mưu, đã thuê nhóm đối tượng 6 người và em trai chị H. đến bắt giữ chị H. mang đi nơi khác vì không đồng ý chị H. chung sống với anh Giao. Do đó, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi này và làm rõ mối quan hệ hôn nhân giữa chị H. và anh Giao.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Trong trường hợp hai người có hôn nhân hợp pháp, hành vi này liền một lúc xâm phạm nhiều khách thể được pháp luật hình sự bảo vệ trong đó có quyền tự do thân thể công dân và tự do hôn nhân của công dân.
Bởi vậy hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bắt, giữ người trái pháp luật và tội cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ.
Theo luật sư Cường, đây là hành vi thể hiện thái độ coi thường pháp luật, vi phạm quyền tự do thân thể, tự do cư trú, tự do hôn nhân của công dân. Hành vi này có dấu hiệu tội phạm. Bởi vậy, nếu thông tin ban đầu là đúng, cơ quan điều tra sẽ khởi tố mẹ chị H. về và 7 đối tượng nêu trên cùng về một tội danh là tội bắt, giữ người trái pháp luật theo quy định tại điều 157 BLHS năm 2015.
Trường hợp hành vi được xác định là phạm tội “có tổ chức”, nhóm đối tượng này sẽ phải đối mặt với mức hình phạt từ 2 năm đến 7 năm tù.
Ngoài ra, nếu quan hệ giữa anh Giao và chị H. là hôn nhân hợp pháp, tự nguyện, người mẹ và em trai có hành vi cản trở hôn nhân gây hậu quả nghiêm trọng, nếu đã bị xử phạt hành chính về hành vi này, những người này có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 181 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện.
Cụ thể, người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.
Nếu chưa bị xử phạt hành chính thì hành vi cản trở hôn nhân như trên sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Theo khoản 2, Điều 55 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi cản trở người khác kết hôn, ly hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng.
“Cần làm rõ hành vi của nhóm đối tượng bắt giữ người trên. Trong trường hợp hành vi của nhóm đối tượng này có dấu hiệu cấu thành tội phạm, người chồng trong tình huống này được phép bắt giữ, được phép chống trả. Nếu việc chống trả như vậy là cần thiết trên cơ sở tương quan lực lượng, hung khí giữa hai bên dẫn đến hậu quả đối tượng bị thiệt mạng, thương tích, anh Giao sẽ được loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 22 hoặc điều 24 BLHS năm 2015” – luật sư Cường nêu ý kiến.
>>> Mời độc giả xem thêm video Nhóm đối tượng xông vào quán bắt cóc chị H.
Tâm Đức