Bên cạnh việc dùng để đánh bắt cá, những người đàn ông khỏe mạnh ở làng chài Bình Thái (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) còn dùng câu kiều (một ngư cụ) vào việc tìm xác người chết đuối ở ao, hồ, sông, suối. Họ làm công việc này một cách thầm lặng như chính sự bình dị trong con người họ.
|
Một nhánh sông Côn đi qua thôn Bình Thái, nơi xảy ra nhiều vụ chết đuối. |
Nghiệp vớt xác
Về thôn Bình Thái, hỏi thăm nhà ông Võ Trọng Ánh (50 tuổi), chúng tôi nhận được những cái nhìn ái ngại, lo lắng của người dân xung quanh, bởi từ lâu tên của người đàn ông này đã gắn liền với những vụ đuối nước, tìm không ra xác. Hơn 10 năm với nghề tay trái vớt xác, đôi mắt ông Ánh trở nên tinh tường, đặc biệt trong việc tìm kiếm xác chết.
Ông Ánh vẫn còn nhớ như in trường hợp gần đây nhất là vào tháng 11/2015, trong lúc đang bơi thuyền trên nhánh sông Côn trước nhà, ông ngửi thấy có mùi bốc lên nồng nặc. Thứ mùi đặc trưng ấy khiến ông khó lầm được. Ngay lập tức, ông hô hào những thanh niên trẻ tuổi “trong nghề” cùng tìm kiếm. 3 giờ đồng hồ sau, nhóm tìm kiếm phát hiện một thi thể nam đang trong tình trạng phân hủy.
|
Ông Võ Trọng Ánh hướng dẫn cách giăng câu kiều tìm xác chết. |
Ngồi châm điếu thuốc, ông Ánh nhớ về vụ vớt xác được ông cho là cuộc tìm kiếm gian nan nhất, đó là vào cuối tháng 11/2005. 5 ngày liền ông giong sõng (thuyền nan nhỏ) để tìm xác một bé gái bất cẩn té ngã ở xã Bình Hòa (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).
“Sau hơn 4 ngày tìm kiếm, đến chiều ngày thứ 5, mũi sõng bị quẹt vào bụi rậm, đang loay hoay thì tôi nhìn thấy một vật gì giông giống gót chân người giữa vô vàn rác và lá. Quan sát kỹ hơn thì đúng là xác một bé gái. Dìu vội con bé ra khỏi luồng rác, tắm rửa nhẹ, lấy hết rác, rồi tôi đưa bé lên bờ và báo với người nhà”, ông Ánh kể.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những người vớt xác ở thôn Bình Thái chủ yếu là những người đi biển, rồi kết hợp làm công việc này. Hiện có khoảng 20 người làm cái nghề tay trái này. Anh Lê Anh Lâm (43 tuổi) sống ở đây đã 17 năm với nghề đánh bắt thủy sản bằng câu kiều và cái nghiệp vớt xác người chết đuối cũng vận vào anh ngót ngần ấy năm.
Anh Lâm kể, cách đây khoảng 13 năm, anh tình cờ phát hiện 2 xác người liên tiếp trong vòng chưa đầy một tháng. Đó là xác một người thanh niên chừng 25 tuổi và một phụ nữ hơn 40 tuổi. Nhìn thấy những thi thể giữa dòng nước, anh không khỏi sợ hãi, nhưng sau đó, anh đã tri hô bà con phụ vớt đưa lên bờ, phối hợp với chính quyền địa phương chôn cất.
“Thời điểm đó tôi rất sợ, chưa đầy một tháng mà tôi phải tiếp xúc liên tục với các xác chết lâu ngày. Cảm giác nhớt nhớt, lạnh toát, đặc biệt là mùi xác người khiến tôi ớn lạnh. Từ lần đó, tôi có cảm giác sợ người chết đặc biệt là những người chết đuối.
Khoảng nửa năm sau, một lần tôi đánh bắt ở sông nhánh sông Côn cạnh nhà thì một xác chết dính vào câu kiều. Tôi nghĩ ra là có thể dùng câu kiều để vớt xác người chết đuối. Cũng từ đó tôi thường xuyên tiếp xúc với xác những người chết đuối và không còn sợ nữa”, anh Lâm tâm sự.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, công việc vớt xác có không ít gian nan. Ông Ánh kể: “Sông nước mênh mông, gặp dòng nước chảy, xác trôi theo, nên việc đầu tiên phải làm là xác định vị trí, thời điểm xác chìm, đoán con nước lên, xuống, chảy về đâu để cắm mốc. Mỗi lần lặn hai người, khoanh vùng gần nhất để lùng sục. Khi lùng nhão hết khu vực mà không tìm ra thì hai thợ lặn chia nhau ra mở rộng phạm vi tìm kiếm. Thông thường, tôi lặn 2 - 3 giờ đồng hồ, bắt đầu thấy thấm mệt và lạnh thì lên bờ để tốp khác xuống tiếp tục công việc”.
Việc đưa xác người chết lên bờ cũng đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, nhất là khả năng xử lý tình huống để không bị “mang theo”. Theo một số người nhiều kinh nghiệm ở địa phương, không phải cứ chụp đại là kéo ngay lên được.
Phải dựng xác thẳng đứng, ôm ngang hông, nắm một tay choàng qua vai, tay kia vịn vai còn lại rồi mới kéo lên. Đưa xác lên bờ, người vớt cởi quần áo xác, tắm rửa bằng xà phòng, lau lại bằng rượu, chải đầu tóc, thay đồ khô rồi lấy mền chiếu đắp lên.
“Lần tôi đưa xác một ngư dân bị kẹt trong vách đá, ngồi khum, tay chân co quắp, duỗi kiểu gì cũng không thẳng ra được. Đợt đó, do chưa có nhiều kinh nghiệm, tôi loay hoay mãi, không tìm được hướng ra vì vách đá quá nhỏ, tôi tưởng bị chết ngộp rồi. Cuối cùng cũng đẩy được xác ra ngoài. Không ít xác bị thối rữa, bốc mùi. Gặp trường hợp này, người vớt chọn cách thở bằng miệng để không ngửi nhiều mùi”, anh Lâm tâm sự.
Ông Huỳnh Thanh Dũng, Trưởng thôn Bình Thái, cho biết: “Không chỉ vớt xác ở tỉnh Bình Định, nhóm người vớt xác ở thôn Bình Thái thỉnh thoảng được người dân các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum… nhờ tìm người gặp nạn.
Đến vùng nước lạ, người vớt thường phải đo độ nông sâu, xem chỗ nước hầm chão, nước xoáy rồi nhắm mình có đủ hơi lặn xuống đáy không. Lắm khi đuối sức, đói và lạnh nhưng nhiều gia đình quá đau buồn cứ nài nỉ, nên họ cũng cố gắng tiếp tục”.
Đồng tiền thì quý nhưng giúp người mới là vui
|
Ông Huỳnh Thanh Dũng kể chuyện về những người vớt xác ở quê mình. |
Theo ông Dũng, câu kiều có hình dạng cũng giống như một tấm mành trúc treo cửa, đầu là một thanh mò o dài khoảng hai gang tay nằm ngang, dọc thanh mò o được đục lỗ để mắc nhiều lưỡi câu, mỗi lưỡi câu được nối với các phao bằng xốp thông qua các sợi cước. Khi thả câu kiều thì tùy vào vùng nước nông hay sâu mà người thả buộc thêm vào lưới một sợi dây thả xuống biển cho tới khi các lưỡi câu chạm đáy.
“Thôn có 258 hộ với hơn 1.200 nhân khẩu. Nghề làm câu kiểu này đã có từ rất lâu rồi, có lẽ bắt đầu từ khi người trong thôn sắm ghe để đi biển. Cho đến nay, cũng không ai biết vì sao lại có tên là câu kiều nữa, trước ông bà gọi sao thì giờ mọi người kêu là vậy.
Khoảng 20 năm trở lại đây, người ta dùng câu kiều để tìm xác. Đa phần những người vớt xác là những người đi biển, hiện nay có trên 20 người kết hợp làm công việc này”, ông trưởng thôn cho hay.
Theo những người vớt xác “chuyên nghiệp” ở đây, dù nỗ lực tìm kiếm đến đâu thì xác suất thành công của việc tìm kiếm xác cũng chỉ khoảng 70%. Những lần không tìm được xác, nhóm vớt xác ra về mà lòng nặng trĩu. Anh Lâm chia sẻ: “Không tìm được xác người thân họ, mình cũng thấy áy náy trong lòng nhưng biết làm sao được, số người trời định thế rồi”.
Khi tìm được xác, người thân nạn nhân bao giờ cũng gửi tiền công cho nhóm vớt xác. Tuy nhiên, tùy theo hoàn cảnh gia đình, nếu gia đình nào khá giả thì họ nhận tiền công, gia đình nào khó khăn thì họ đi điếu lại, chấp nhận bỏ công, bỏ tiền xăng xe đi lại để giúp người.
Ông Ánh cho biết: “Đồng tiền thì quý thật nhưng mà sinh ra cái tâm con người, mình lấy đó để coi như làm phúc cho đời, họ lại cho mình sức khỏe để sống. Sống thêm được ngày nào quý ngày đó, mình tốn công, có khi là tốn của nhưng giúp được người là vui rồi”.
Trong số thân nhân những người đã vớt xác giúp, ông Ánh vẫn còn giữ mối quan hệ với gia đình nhiều người. Ông kể: “Nhiều gia đình, hàng năm cúng giỗ người đã mất, họ đều gọi điện thoại mời tôi. Thấy họ cũng quý mình, với lại đó là tình người nên lần nào có điều kiện là tôi đều đến dự giỗ, hỏi thăm họ. Có bà cụ ở thị xã An Nhơn, từ lần vớt xác con cụ, tôi với cụ rất thân và gọi nhau là mẹ con”.
Ngồi tâm sự về nghiệp vớt xác của chồng, bà Nguyễn Thị Thuông (48 tuổi, vợ ông Ánh) nhớ lại: “Khi ổng làm công việc này, tôi cứ lo ổng bị ảnh hưởng bởi bệnh tật do tiếp xúc với xác chết lâu ngày. Gia cảnh còn nhiều khó khăn, ổng mà vướng bệnh vào người, mình tôi sao lo nổi cho các con. Không những thế, cứ ra chợ là nghe người ta bàn tán rằng chồng mình vớt xác chết trôi thì sẽ phải thế mạng. Tôi đem chuyện đó ra kể, ổng nói mình làm việc nghĩa thì không ngại những chuyện ấy”.
Theo Báo pháp luật