Giết 2 người thân khi mới 19 tuổi
Công an tỉnh Khánh Hòa vừa bắt khẩn cấp Nguyễn Võ Ngọc Bảo (19 tuổi, trú thôn Tân Thành, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm) để điều tra hành vi giết người, cướp tài sản.
Theo đó, vào trưa 5/1, ông Nguyễn Trí Mẫn đi làm về hoảng hồn phát hiện vợ là Võ Thị Kim H. (47 tuổi) và con trai là Nguyễn Võ Trí T. (6 tuổi) bị chém nhiều nhát tử vong. Trong khi đó, người con trai đầu là Nguyễn Võ Ngọc Bảo không có nhà.
Vụ việc được báo lên cơ quan chức năng, xác định án mạng có tính chất đặc biệt nghiêm trọng và gây nhiều phẫn nộ trong khu dân cư, ngay trong đêm 5/1, các điều tra viên Công an tỉnh Khánh Hòa đã có mặt tại hiện trường, phối hợp cùng Công an huyện Cam Lâm điều tra, làm rõ. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện nhiều tài sản của nạn nhân H. bị mất.
|
Hiện trường, nơi xảy ra vụ án đau lòng. |
Căn cứ kết quả giám định, dấu vết tại hiện trường, bước đầu Công an tỉnh Khánh Hòa xác định nghi can trong vụ án là Nguyễn Võ Ngọc Bảo, con trai đầu của nạn nhân Võ Thị Thu H.. Sau khi gây án, Bảo đã bỏ trốn khỏi địa phương. Ngay trong ngày 5/1, lực lượng công an đã lập nhiều mũi trinh sát đi tìm Bảo và phát thông báo nhận dạng đối tượng, nhờ công an các địa phương bắt giữ.
Ngày 6/1, khi phát hiện Bảo đang lẩn trốn tại Ninh Thuận, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng lần theo manh mối và bắt gọn Bảo trong chiều tối cùng ngày và di lý Bảo về Khánh Hòa để xử lý theo pháp luật.
Tại cơ quan công an, Bảo khai nhận, sáng 5/1 khi mọi người trong nhà đi vắng, Bảo đã mở nhạc lớn và sử dụng "cỏ Mỹ". Trong cơn ảo giác, thấy em trai là Nguyễn Võ Trí T. đang chơi một mình, Bảo cầm rựa sát hại em, rồi giấu xác trong phòng. Lúc sau, mẹ Bảo vừa đi chợ về thì cũng bị đối tượng chém đến tử vong.
Gây án xong, Bảo lục lọi lấy trang sức, điện thoại và hơn 1 triệu đồng trong tủ cùng chiếc xe máy. Sau đó, Bảo bán chiếc điện thoại ở một cửa hàng tại TP.Cam Ranh với giá 2 triệu đồng, rồi bỏ trốn vào Ninh Thuận cho đến khi bị bắt giữ.
Ông Hồ Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm cho biết: “Hiện, lực lượng chức năng đang khẩn trương củng cố hồ sơ vụ án để xử lý theo đúng pháp luật. Vụ việc thật đau xót cho gia đình nạn nhân” và gây phẫn uất trong bà con lối xóm.
Theo người dân thôn Tân Thành, Bảo học lớp 12 tại một trường cấp 3 tại thị trấn Cam Đức (huyện Cam Lâm), do bạn bè rủ rê chơi bời nên hiện đã bỏ học.
Liên quan đến thông tin Bảo gây án trong tình trạng ngáo đá, Công an tỉnh Khánh Hòa vẫn đang điều tra, làm rõ.
Trước vụ việc có tính chất nghiêm trọng, PV báo ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia pháp lý để hiểu rõ hơn cái giá phải trả của Nguyễn Võ Ngọc Bảo.
Nghi phạm đối diện hình phạt cao nhất
Theo luật sư Nguyễn Thị Tuyến – Giám đốc công ty Luật TNHH Khải Hưng, đoàn Luật sư TP.Hà Nội: “Vụ việc có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, với hậu quả vô cùng đau xót khi bị hại lẫn nghi phạm là những người thân, ruột thịt trong một gia đình”.
Theo thông tin ban đầu, đối tượng Nguyễn Võ Ngọc Bảo đã giết mẹ đẻ (47 tuổi) và em ruột (6 tuổi), sau đó lấy vàng bạc, điện thoại và xe máy trong gia đi cầm cố lấy tiền tiêu xài cá nhân. Hành vi của đối tượng Bảo có dấu hiệu về tội Giết người theo quy định tại Điều 123, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) và tội Cướp tài sản được quy định tại Điều 168, Bộ luật Hình sự 2015.
|
Nghi can Nguyễn Võ Ngọc Bảo. |
Bên cạnh đó, với hành vi giết mẹ đẻ và em ruột dưới 16 tuổi, đối tượng còn phải chịu tình tiết định khung tăng nặng tội Giết người tại điểm a, b và đ với khung hình phạt cao nhất là tử hình tại Điều 123, Bộ luật Hình sự. Khung hình phạt cao nhất đối với tội Giết người là tử hình, tội Cướp tài sản là tù chung thân. Do đó, theo quy định tại Điều 55, nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình. “Do đó, đối tượng Bảo hoàn toàn có thể phải chịu mức án cao nhất là tử hình khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Tuyến nhấn mạnh.
Kẻ ngáo đá sống trong gia đình là hậu họa
Về thông tin cho rằng tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội đối tượng Bảo đang trong tình trạng “ngáo đá”, theo luật gia Đoàn Thu Hằng - Thạc sĩ chuyên ngành luật Hình sự, khoa Luật, đại học Quốc gia Hà Nội thì trong trường hợp này, đối tượng Bảo cũng vẫn bị xem xét trách nhiệm hình sự. Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 13, Bộ luật Hình sự, người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng chất kích thích mạnh thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Luật gia Hằng nhấn mạnh thêm: “Ở góc độ y học, sau khi sử dụng Methamphetamine, người “ngáo đá” có triệu chứng của người mắc bệnh tâm thần, tách rời khỏi thực tại (ảo tưởng) hoặc ảo giác. Còn ở góc độ pháp lý, người bị “ngáo đá” là hậu quả của hành vi chủ động, không vô thức khi bắt đầu sử dụng chất ma túy (là một loại chất kích thích mạnh), do đó, pháp luật hiện hành không coi họ là người mắc bệnh tâm thần và không có cơ sở đề nghị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự. Trường hợp người “ngáo đá” phạm tội thì cũng tương tự người phạm tội trong tình trạng say rượu hoặc chất kích thích mạnh khác, đều phải chịu trách nhiệm hình sự về tội họ đã gây ra. Trong vụ việc này, Nguyễn Võ Ngọc Bảo phải chịu mức án tử hình về hành vi giết người và cướp tài sản theo quy định tại Bộ luật Hình sự”.
Luật gia Hằng cho rằng, việc phát hiện và quản lý người nghiện ma túy, ngáo đá cần chặt chẽ hơn. Người nghiện ma túy đá dễ bị ảo giác, chẳng khác nào bị tâm thần, cần được cách ly khỏi gia đình và cộng đồng, tránh hậu họa. "Gọi người nghiện là mầm mống của tội phạm không hề sai, bởi đối với những gia đình có điều kiện, cho tiền mua ma tuý sử dụng thì vô hình trung gia đình sẽ tiếp tay cho hành vi mua bán trái phép chất ma tuý. Còn đối với những gia đình không có điều kiện thì đối tượng sẽ tự gây ra nhiều hành vi phạm tội khác (trộm cắp, cướp tài sản, giết người để lấy tiền phục vụ nhu cầu sử dụng ma túy).
Vị luật gia cho rằng: “Để bảo vệ bản thân trước sự gia tăng cái ác, các bậc cha mẹ hãy dạy cho con mình khả năng tự vệ cũng như khả năng giúp đỡ và sẻ chia với người khác, tạo nên sức mạnh đoàn kết trong cộng đồng. Mỗi bạn trẻ hãy rèn cho mình một lối sống, một nhân cách đúng đắn để phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật cũng cần cải thiện để đủ sức răn đe những người chưa phạm tội hoặc có ý định phạm tội sẽ nhụt chí và không có ý định phạm tội. Bởi giáo dục và pháp luật là hai yếu tố song hành với nhau để tạo nên nền tảng an toàn cho xã hội”.
Theo Duy Quan - Phương Quế/ĐSPL