“Nghịch tử” nổ súng giết chết bố đẻ ở Phú Thọ: Đối mặt nhiều tội danh?

Google News

(Kiến Thức) - Tranh chấp trong việc phân chia tài sản, việc Quý sử dụng súng bắn vào bố gây tử vong đã cấu thành tội Giết người. Nếu khẩu súng là vũ khí quân dụng, Quý phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Tàng trữ vũ khí quân dụng.

Vụ án nghịch tử dùng súng bắn bố đẻ tử vong tại Phú Thọ đang khiến dư luận phẫn nộ về hành vi ác độc của đối tượng với chính bố đẻ của mình.
Theo đó, vào khoảng 18h ngày 8/11, đối tượng Quý (SN 1992, trú tại khu 3 xã Mạn Lạn, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) đã đầu thú khai nhận dùng súng giết chết bố mình là ông Nguyễn Ngọc T. (SN 1962) trú tại khu 3 xã Mạn Lạn, huyện Thanh Ba.
Lời khai của Quý cho thấy, do mâu thuẫn, ông T. đã đuổi vợ chồng Quý và mẹ ra khỏi nhà, khiến 3 người phải đi ở nhờ nhà người thân ở xã bên cạnh. Chiều 7/11, cơ quan chức năng gọi các thành viên gia đình ông T. đến giải quyết chuyện phân chia tài sản. Khoảng 6h ngày 8/11, khi thấy ông T. đi làm thuê ở vườn chuối gần nhà, Quý đã dùng súng bắn 1 phát đạn trúng mạn sườn và 3 phát vào gáy ông T.
“Nghich tu” no sung giet chet bo de o Phu Tho: Doi mat nhieu toi danh?
Hiện trường vụ việc. 
Sau khi gây án, Quý kéo thi thể ông T vào một vùng cây cách cổng vườn chuối khoảng 30m, sau đó bỏ đi. Đến 18h cùng ngày, Quý đến công an đầu thú, lúc này mọi người mới tìm thấy thi thể ông T. trong vườn chuối.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) cho biết, hành vi của Quý khi dùng súng tước đoạt tính mạng của người cha đẻ mình một cách rất dã man đáng bị lên án.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho hay, thời gian gần đây trên địa bàn cả nước xảy ra rất nhiều các các vụ án giết người trong gia đình như vợ giết chồng, chồng giết vợ, anh em chém giết nhau, bố giết con, con giết bố, bà giết cháu…
Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ mâu thuẫn gia đình về tình cảm hoặc lợi ích vật chất với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng không những trái pháp luật mà trái cả đạo lý, truyền thống văn hóa tốt đẹp của người dân Việt Nam.
Có thể thấy đó là những bi kịch làm tan nát cả một gia đình với những hệ lụy gây rối loạn trật tự xã hội, tổn thương về tâm lý, tinh thần cho những thành viên trong gia đình cả về hiện tại và tương lai.
Vụ án con trai sử dụng súng bắn chết cha xảy ra ngày 8/11/2019 tại Phú Thọ đã phản ánh sự mâu thuẫn trầm trọng trong gia đình có liên quan đến phân chia tài sản.
Nhưng điều quan trọng nhất là việc ứng xử không đúng mực giữa các thành viên khi bố đuổi mẹ và con ra khỏi nhà đã làm cho người con trai bực tức và nảy sinh lòng thù hận chuẩn bị súng sát hại bố.
Mặc dù trước đó vào chiều ngày 7/11/2019, Cơ quan chức năng đã gọi các thành viên đến giải quyết hòa giải việc phân chia tài sản nhưng không thành.
Đáng lẽ ra, nếu việc hòa giải không thành thì các bên phải đưa vụ việc ra Tòa án giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự nhưng đáng tiếc người con trai lại lựa chọn hành xử trái pháp luật, đang tâm tước đoạt đi tính mạng của người cha đẻ mình một cách rất dã man, tàn bạo khi dùng súng bắn vào bố gây tử vong rất thương tâm.
Về mặt pháp luật, xét hành vi phạm tội của nghi phạm Quý, chỉ vì tranh chấp trong việc phân chia tài sản đã sử dụng vũ khí là súng bắn nhiều phát vào người bố gây tử vong đã cấu thành tội Giết người. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm đ, n Khoản 1 Điều 123 BLHS.
Đối với khẩu súng của nghi phạm bắn chết bố cần thiết giám định để xác định là vũ khí quân dụng hay không. Nếu là vũ khí quân dụng thì nghi phạm phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Tàng trữ vũ khí quân dụng theo Điều 304 BLHS. Trường hợp, không thuộc vũ khí quân dụng thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/NĐ-CP.
Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
...
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình
n) Có tính chất côn đồ

Hải Ninh