|
Nhà của gia đình anh Đặng Văn Tý. |
Cầm trên tay chiếc áo đang giặt dở, chị Nguyễn Thị Hai (một người thân của gia đình) cho biết, cách đây hơn 20 năm, vợ chồng anh cưới nhau, sống lênh đênh trên sông nước. Đến khi có quyết định của tỉnh, họ mới có đất xây nhà, lên bờ định cư.
Hơn một năm sau khi đứa con gái đầu lòng chào đời thì vợ anh Tý là chị Trần Thị Tuyết (SN 1976) đột ngột bị bệnh, lúc tỉnh lúc mơ. Lúc đó, nội ngoại hai bên và anh em họ hàng cũng giúp đỡ để đưa chị đi chữa bệnh, nhưng bệnh tình không mấy thuyên giảm. Đến khi tiền bạc hết, gia đình đành phải đưa về nhà chăm sóc.
Rồi đứa con thứ hai, thứ ba lần lượt chào đời. “Dù mẹ bệnh tật nhưng con cái của cô chú ấy đều khỏe mạnh bình thường, đứa nào đứa nấy sinh ra mặt mày đều sáng sủa cả”, một hàng xóm cho biết. Khi căn bệnh tâm thần của chị Tuyết ngày một nặng hơn, để có tiền chữa bệnh cho vợ, anh Tý phải chạy vạy khắp nơi, nhờ anh em họ hàng bà con lối xóm giúp đỡ từng bữa ăn...
Chị Hai cho hay, mỗi khi chị Tuyết lên cơn là cả nhà lại phải đi tìm, khi thì chị này bỏ hết quần áo rồi xuống bờ sông tắm, lúc thì chạy lên trên rừng, có nhiều bữa mang hết áo quần ra xé. Lúc nào tỉnh táo, chị cũng giúp được việc quét dọn nhà cửa, có điều giây phút ấy rất hiếm hoi.
Cách đây gần 6 năm, đứa con trai thứ hai của anh là Đặng Bờm đang làm việc trong miền Nam bỗng dưng phát bệnh nên về nhà để chữa trị. Sau hơn một tháng điều trị, bệnh tình không khá hơn, trái lại ngày càng tệ. Không lâu sau đó, cháu có những biểu hiện bất thường rất giống với bệnh tình của mẹ nên đưa lên bệnh viện tâm thần để điều trị. Bệnh viện kết luận cháu cũng bị bệnh tâm thần.
Nhiều đêm tiếng la hét, đập phá của hai mẹ con inh ỏi cả xóm, sợ có chuyện không thể kiểm soát được nên anh phải dùng xích để xích chân Bờm lại. Bây giờ Bờm vẫn ở một mình trong căn phòng. Còn người mẹ đã được đưa lên bệnh viện tâm thần cách đây hơn hai tháng.
Tai ương cứ thế giáng xuống gia đình anh Tý khi anh đột ngột đau bệnh tim. Hơn hai năm trước, anh phải chạy vạy khắp nơi để có tiền thay van tim. Từ ngày vợ đổ bệnh, một mình anh lo toan mọi việc, không kể ngày nắng hay mưa, đêm hay ngày, miễn có thời gian anh lại ra đầm canh tôm, thả lừ để kiếm thêm bữa cơm cho vợ con.
|
Đầm tôm – nơi anh Tý tử vong. |
Phận đời không may mắn
Anh Ngô Văn Xuyên (hàng xóm) cho biết, khoảng 6h ngày 7/2/2017, có người dân ra ngoài đầm tôm thì phát hiện thi thể anh Tý nổi lênh đênh trên mặt nước. Khi trục vớt thi thể anh Tý lên, mọi người báo với cơ quan chức năng để tiến hành xác minh vụ việc.
Đêm trước đó anh Tý ra ngoài hồ tôm để canh và ngủ ngoài đó, đến sáng hôm sau vẫn không thấy về. Có lẽ, do bệnh tim tái phát, mà anh Tý lại một mình ngoài đầm nên không thể cứu vãn được tình thế, mới rơi xuống hồ rồi chết đuối.
Ngồi trước di ảnh của em trai, anh Đặng Văn Hợi chia sẻ: “Hơn hai mươi năm trước, lúc cô chú ấy cưới nhau, vì gia cảnh nghèo khổ nên cha mẹ cũng không có gì giúp đỡ. Trước khi lên bờ định cư thì chúng tôi đều là dân vạn đò, cuộc sống quanh năm cứ lênh đênh trên mặt nước, cơm ăn còn không đủ lấy mô có của để dành.
Thấy vợ chồng cô chú ấy chăm chỉ làm ăn ai nấy cũng mong sau khi lên bờ họ sẽ có cuộc sống khá hơn. Vậy mà, cô Tuyết lại đổ bệnh, cũng kể từ đó cuộc sống của em trai tôi cứ dồn dập những biến cố, vợ rồi đến con trai rồi đến cả bản thân nó”.
Anh Hợi thở dài.... Cuộc sống khó khăn nên việc học hành của các cháu cũng chỉ học đến lớp 4 rồi nghỉ học. Đứa con gái đầu năm nay hơn 22 tuổi, mấy năm nay làm công nhân may trong Sài Gòn, đứa út mới 16 tuổi cũng theo chị vào gấp quần áo cho một công ty may mặc trong đó.
Đứa thứ hai thì mỗi ngày vẫn phải xích trong phòng, còn người mẹ thì đưa lên bệnh viện tâm thần để anh Tý có thời gian đi làm. “Từ ngày cưới nhau chú ấy chưa được một ngày nghỉ ngơi, vậy mà giờ đã bỏ vợ con, anh em đi xa rồi…”, người đàn ông mặt mày sương gió rơm rớm nước mắt.
Trong căn nhà chật hẹp không có lấy nổi một bộ bàn ghế để ngồi ấy, hằng ngày đứa con trai thứ hai vẫn bị xích một chỗ, mọi sinh hoạt trước đây đều do anh Tý làm. Nhìn cậu con trai to khỏe, dáng người cao ráo nhưng đó chỉ là lúc tỉnh táo, chứ lúc lên cơn thì không thể biết em sẽ làm gì nên đành phải xích lại.
|
Con trai thứ hai của anh Tý hằng ngày vẫn bị xích vì bị bệnh tâm thần. |
“Có lần không xích lại nên nó đã bỏ đi vào tận trong Đà Nẵng, cả gia đình phải đi tìm rồi báo cơ quan công an nhờ giúp đỡ. May lúc đó đang đi trên đường thì công an bắt gặp rồi báo cho gia đình biết để nhận dạng rồi vào trong đó đưa nó về. Có lúc lên cơn tâm thần nó lại đập phá đồ dùng trong nhà…”, chị Hai tâm sự.
Cả đời vất vả lam lũng để nuôi vợ con nhưng đến khi nhắm mắt cũng không có nổi tiền để mua một chiếc quan tài. Lúc hay tin Tý mất, anh em họ hàng đã đóng góp mỗi người một ít để lo tang lễ cho người đàn ông xấu số.