Đã thành thông lệ, năm nào cũng vậy, cứ vào sáng 1/9, tại sân vận động huyện Mộc Châu (Sơn La) lại diễn ra cuộc thi giã bánh dày của đồng bào dân tộc Mông mừng ngày Tết Độc lập 2/9. Đây là một trong những hoạt động văn hóa nằm trong chuỗi hoạt động của Ngày hội Văn hóa - Du lịch Mộc Châu năm 2017.
|
Hàng nghìn người đang xem cuộc thi giã bánh dày của đồng bào dân tộc Mông tại sân vận động Mộc Châu. |
Chị Nguyễn Thị Phương, du khách đến từ huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình phấn khởi nói: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Mộc Châu để được tận mắt chứng kiến những hoạt động của lễ hội Văn hóa - Du lịch Mộc Châu, thay vì phải xem qua tivi như trước đây. Từ hôm qua tới nay, kể từ khi có mặt ở Mộc Châu, tôi cảm thấy mình đã không sai lầm khi tạm xếp những công việc nhà lại để đến với vùng cao nguyên này".
Tham dự cuộc thi giã bánh dày có nhiều đội, họ đến với lễ hội từ những bản làng trên các triền núi cao xa xôi, mờ mờ sương phủ. Thành viên của các đội thi bao gồm cả nam và nữ, họ mang theo lỉnh kỉnh những chày, cối, gạo, lá chuối...
Sau hiệu lệnh bắt đầu cuộc thi, hàng chục diễn viên nhanh chóng bắt nhịp vào guồng quay tấp nập của quy trình làm bánh dày. Các chàng trai liên tục thay phiên nhau giã bánh, những thiếu nữ nhanh tay xếp lá, nặn bánh và vỗ tay cổ vũ người chơi. Tiếng chày, tiếng cười nói, vỗ tay, tiếng hô cổ vũ... làm cho không khí cuộc thi càng thêm náo nhiệt.
|
Những chiếc bánh dày thơm ngon, sắp hoàn thành sau sự nỗ lực không biết mệt mỏi của các chàng trai người Mông. |
Để được tham dự cuộc thi giã bánh dày ở Mộc Châu, đối tượng thi phải là người dân tộc Mông trên địa bàn huyện. Lần này có 8 đội thi, mỗi xã được cử một đội gồm 6 người (không phân biệt độ tuổi giới tính).
Mỗi đội thi phải tự túc gạo nếp nương 10kg; chõ đồ xôi (chõ của người Mông), củi, kiềng, bếp, chày, cối (chày, cối, của người Mông, chày hình chữ T, cối hình máng) nong, nia, mẹt, sàng, khay, đĩa; các loại chậu ngâm gạo, lá chuối lót bánh, trứng gà. Các đội thi phải mặc trang phục dân tộc, đi giày ba ta.
Cuộc thi được quy định 50 phút, các đội giã xong nặn thành 6 cái bánh mỗi cái có đường kính 15cm. Bánh có lót lá để chống dính. 5 cái bày lên khay để chấm điểm, một cái bày vào đĩa để ban giám khảo kiểm tra.
|
Một đồng chí trong tổ trọng tài giúp các đội thi rửa cối nhằm đảm bảo vệ sinh cho những chiếc bánh dày. |
Đội được giải nhất phải đảm bảo những điều kiện sau về chất lượng bánh phải thơm, ngon, mịn, kéo dài khoảng 30cm không đứt; thời gian từ lúc bắt đầu giã đến lúc nặn xong bánh phải ngắn nhất; bánh bày lên khay phải ngon và nhìn đẹp nhất.
|
Ban tổ chức và tổ trọng tài đang kiểm tra bánh dày xem có đáp ứng được các tiêu chí đặt ra cho cuộc thi. |
Ông Hạng A Nhìa – Già làng đến từ bản Tà Số 1, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu chia sẻ: Theo tiếng Mông, bánh dày gọi là “Dúa” hoặc “Píe” tùy theo từng vùng. Bánh dày là biểu tượng cho sự chung thủy, tình yêu lứa đôi của các chàng trai cô gái người Mông (dính chặt với nhau như chiếc bánh dày). Bánh dày còn tượng trưng cho Mặt trời, Mặt trăng là nguồn gốc sinh ra sự sống trên Trái đất này.
"Quá trình chuẩn bị của chúng tôi rất tỉ mỉ, từ khâu lựa chọn nguyên liệu cho tới khâu chọn dụng cụ. Tôi mong rằng chiều nay Ban tổ chức công bố kết quả 1 trong 2 đội đến từ xã Chiềng Hắc sẽ giành giải cao nhất” - ông Nhìa tự tin nói.
|
Các chị em phụ nữ đang chuẩn bị dụng cụ, nguyên vật liệu cho cuộc thi. |